Tôi muốn nói đến nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí, tác giả của ca khúc bất hủ Tiểu đoàn 307, ra đời trong kháng chiến chống Pháp, đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Dù chỉ có một tác phẩm sống lâu dài trong lòng quần chúng, cũng đã là niềm hạnh phúc to lớn của người nhạc sĩ. Tôi đã dành khá nhiều thời gian để gặp những người từng sống và công tác với ông để tìm hiểu về người nhạc sĩ này.
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí sinh năm 1917, quê Mỹ Tho, đạo Thiên Chúa, nhà nghèo, vừa giúp việc vừa học nhạc với các thầy dòng nên khá am hiểu về nhạc lý và thánh ca. Ngay sau khi cuộc kháng chiến ở Nam bộ bùng nổ năm 1945, ông thoát ly gia đình đi bộ đội cùng với các nhạc sĩ Huê Nhu, Trần Thiện Liêm. Với khả năng âm nhạc và tay nghề đàn violon, ông được cử làm tổ phó Tổ quân nhạc Khu tám (tổ trưởng là nhạc sĩ Huê Nhu).
Tác phẩm đầu tay của Nguyễn Hữu Trí là một ca khúc phổ nhạc từ bài thơ Phá đường của Tố Hữu. Sáng tác tiếp theo của ông là bài Tiểu đoàn 307, phỏng thơ Nguyễn Bính, có duyên phận khác hẳn, nhanh chóng bay cao bay xa. Hồi ấy, Nguyễn Hữu Trí đang là tổ phó Tổ quân nhạc Khu tám, rất xúc động khi đọc bài thơ này. Ông tìm thấy ở đây cảm hứng và ý hay để sáng tác nên ca khúc Tiểu đoàn 307.
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí tham gia kháng chiến từ 1945 đến năm 1952 xuất ngũ về địa phương do sức khỏe quá yếu. Ông mất năm 1980 tại Bạc Liêu, quê vợ. Năm 1998, gia đình ông được trao tặng nhà tình nghĩa, mộ phần của ông được đoàn thể và nhân dân xây lại đàng hoàng. |
Lúc đó đang là mùa nước nổi năm 1950, tại kinh Trại Lòn, Đồng Tháp Mười, nơi đóng quân của đơn vị. Nguyễn Hữu Trí không phổ nhạc từ thơ Nguyễn Bính mà chỉ phỏng theo thơ. Ông viết trong một ngày đêm vào cuối tháng 8-1950. Đây là một bài hát theo thể hành khúc hùng mạnh với 2 đoạn A-B, nhịp 6/8, cấu trúc 2 bè: Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang/ Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy/ Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn/ Tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy…
Ngay sau khi sáng tác, Nguyễn Hữu Trí đưa cho anh em trong tổ quân nhạc đàn và hát thử. Thật không ngờ, tất cả mọi người đều hoan nghênh. Được cấp trên động viên, anh em trong tổ tỏa về từng trung đội của Tiểu đoàn 307, tập hát cho các chiến sĩ. Sau đó, tổ quân nhạc lại có dịp giới thiệu bài hát trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Nam bộ trong tháng 10-1950. Bộ đội hát, nhân dân hát, Tiểu đoàn 307 trở thành ca khúc có sức sống vô cùng mãnh liệt trong kháng chiến ở Nam bộ.
Sau thành công của bài Tiểu đoàn 307, Nguyễn Hữu Trí được các linh mục ở nhà thờ Nhơn Hòa Lập gợi ý sáng tác về đề tài Công giáo kháng chiến và tội ác của giặc. Ông lại nhớ đến một số bài hát của các nhạc sĩ đàn anh đi trước cũng viết về đề tài này, như Tiếng chuông nhà thờ của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát viết năm 1946 hay Làng tôi của nhạc sĩ Văn Cao viết năm 1947.
Các bài hát này cùng với ý kiến của một số linh mục tạo cảm hứng cho Nguyễn Hữu Trí sáng tác bài Tiếng chuông uất hận: Đêm nay mừng Chúa giáng sinh/ Đêm nay mừng Chúa oai linh/ Chuông nhà thờ uất ức ngân…/ …Tượng Đức Bà trên nền gạch bể tan/ Mình Thánh Chúa trong hào quang trúng đạn…
Bài hát ra đời năm 1950 gây xúc động trong giáo dân địa phương và sau đó được tặng hạng nhì về nhạc tại giải Cửu Long 1951-1952 của Chi hội Văn nghệ Nam bộ (ảnh). Vừa qua, chúng tôi may mắn tìm thấy bàn in li-tô bản nhạc này do Nhà xuất bản Văn nghệ miền Nam phát hành năm 1953 với đầy đủ 4 trang A4.
Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC