
Hôm qua, 3-12, Thanh ra Chính phủ và Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) đã đồng chủ trì, cùng với các bộ, ngành khác đối thoại với các nhà tài trợ về PCTN. Ba vấn đề trọng tâm mà các nhà tài trợ đặt nhiều câu hỏi là: minh bạch tài sản; tham nhũng trong giáo dục và vai trò của xã hội dân sự trên mặt trận này.
Tài sản kê khai: mới chỉ như đứng ngoài cửa ngó vào

Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trả lời báo chí.
Đây là lần thứ hai trong năm, phía Chính phủ Việt Nam tổ chức “Đối thoại về chống tham nhũng” với các nhà tài trợ. Thừa nhận Việt Nam đã có nhiều chuyển biến, đạt được những kết quả quan trọng bước đầu trong việc PCTN, hầu hết các nhà tài trợ đều thẳng thắn đưa ra các câu hỏi, đặt các vấn đề vừa để được lý giải, vừa nêu sáng kiến.
Trước tình hình GDP tăng cao nhưng CPI cũng tăng phi mã hiện nay, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Ayumi Konishi nói: “Việc tăng trưởng nhanh cũng là cơ hội cho những kẻ tham nhũng khi lợi ích từ việc tăng trưởng không được chia sẻ đồng đều. Chúng tôi rất quan ngại về những kẽ hở trong các chính sách về đất đai, về những yếu kém trong chính sách cổ phần hóa, quản lý thị trường chứng khoán”.
Chủ đề minh bạch, kê khai tài sản dù đã được bàn thảo khá nhiều tại cuộc đối thoại trước vẫn rất nóng tại cuộc đối thoại này. Ghi nhận quy định mới đây của Chính phủ buộc cán bộ, công chức phải kê khai tài sản nhưng Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Peter Lysholt Hansen nhận xét: sẽ có khoảng 250-300 ngàn cán bộ, công chức phải kê khai. Làm việc này cùng một lúc sẽ rất khó khăn. “Sao không ưu tiên kê khai ngay đối với những cán bộ, công chức ở lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng?”. Chưa dừng ở đó, ông cho rằng vấn đề quan trọng của kê khai tài sản là phải xác minh được tài sản. Kê khai như hiện nay thì mới chỉ như cho “công chức làm bài tập” và việc xác minh tài sản chỉ như “đứng ngoài cửa ngó vào”! Ông đề xuất: cần phải có cơ quan kiểm tra, điều tra độc lập về tài sản và xử lý nghiêm những trường hợp giàu đột ngột mà không có lý do chính đáng.
Đồng tình quan điểm ấy, Giám đốc World Bank Việt Nam Ajay Schhipber khẳng định: “Chúng tôi và các nhà tài trợ sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam thực hiện hiệu quả việc minh bạch, kê khai tài sản”.
Tham nhũng trong giáo dục: người bảo nghiêm trọng
Tại cuộc đối thoại hôm qua, một chủ đề rất mới đã được đưa ra và chính nội dung này lại mang tính chất “vấn-đáp” kỹ càng hơn cả. Đó là vấn đề tham nhũng trong giáo dục. Ông Ajay Schhipber cũng tỏ ý lo ngại: hiện nay phụ huynh đưa con đến trường ngoài học phí lại phải trả thêm các khoản tiền khác như học thêm. “Tham nhũng ở trẻ như vậy rất phổ biến trong xã hội Việt Nam”, Ajay Schhipber kết luận. Tổng Thanh tra Chính phủ ngay sau đó đã đăng đàn và đưa ra những câu trả lời xác đáng bằng các chính sách, công việc đã và đang làm của Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên, ôâng Jairo Acuda-Alfaro, cố vấn chính sách của UNDP cho rằng giáo dục là một lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng nhất và chính tham nhũng trong lĩnh vực này sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế. PGS-TS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và các vấn đề xã hội cũng đăng đàn với báo cáo khá nóng về “sự tham gia của xã hội dân sự vào việc phòng chống tham nhũng trong hệ thống giáo dục phổ thông ở Việt Nam”. Theo ông, “ngân sách hiện nay đã chi tới 20%, tức là khoảng 66.700 tỷ đồng/năm cho ngành giáo dục cho nên nếu không quản lý tốt, sẽ có không ít tiền bị tham nhũng, chiếm đoạt”. Ông cũng đưa ra hàng loạt ví dụ về nạn chạy trường, chạy lớp, tham nhũng qua dạy thêm như vụ chạy trường vào Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) mất 2.000 USD, vụ chạy điểm mất 553 triệu đồng tại Bạc Liêu…
... Người nói chưa!
Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền thừa nhận tình trạng tham nhũng ở Việt Nam còn khá nghiêm trọng. Y tế giáo dục là lĩnh vực nhạy cảm, được xã hội rất quan tâm nên ngay tại diễn đàn của Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục những vấn nạn hiện nay của ngành này.
Phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Trần Bá Giao tỏ ý không bằng lòng với ý kiến nhận xét của các nhà tài trợ và của PGS Nguyễn Đình Cử. Theo ông, kết quả điều tra về tham nhũng do Ban Nội chính Trung ương tiến hành thì giáo dục không nằm trong top 10 lĩnh vực phát sinh tham nhũng nhất. “Tham nhũng trong ngành giáo dục là có nhưng không phải phổ biến”, ông Giao nói. Theo ông Giao, các khái niệm “chạy trường”, “chạy điểm”… mà tiến sĩ Cử nói là không chuẩn xác vì nếu nói thế, đối tượng vi phạm lại là phụ huynh học sinh và người học mà nên sửa lại là “nhận và xếp lớp cho học sinh”, “cho điểm, đánh giá cấp văn bằng chứng chỉ”… Cũng theo ông Giao, về những hình thức gọi là tham nhũng, xà xẻo ngân sách trong việc xây dựng trường lớp thì “người ở ngoài ngành giáo dục tham nhũng nhiều hơn”... Ngoài 9 trang bình luận, trong đó có những điểm phản biện, đề xuất giải pháp, đại diện Bộ GD-ĐT cũng đưa ra nhiều dẫn chứng và giải thích cặn kẽ các câu hỏi liên quan đến giáo dục, đào tạo, kể cả việc bộ đã bảo vệ những người dũng cảm đứng lên tố cáo, đấu tranh với tiêu cực.
Về phản ánh trẻ em đến trường phải trả nhiều tiền của ông Ajay Schhipber, ông Trần Bá Giao khẳng định: đây là tệ nạn nhưng không phổ biến, chỉ xảy ra ở các thành phố lớn. Liên quan đến việc này, Tổng thanh tra cũng cho biết thêm, tới đây, “Chính phủ sẽ miễn hàng loạt những khoản, nghĩa vụ đóng góp của nhân dân, trong đó có lĩnh vực giáo dục!”.
Nam Quốc