Người nuôi 9 bà mẹ

Hễ có dịp về quê, cô Nguyễn Thị Kim Định - người con gái ngày xưa của mảnh đất xã Hòa Phú huyện Củ Chi TPHCM lại tất tả đến bên các bà mẹ già yếu neo đơn trên địa bàn. Không chỉ là những đồng quà tấm bánh cùng lời thăm hỏi động viên, cô đã tình nguyện phụng dưỡng suốt quãng đời còn lại của các mẹ với các khoản tiền đều đặn gửi về mỗi tháng để chăm lo miếng cơm, viên thuốc. Dù cuộc sống trải lắm truân chuyên nơi xứ người, cô vẫn thường xuyên trở về nguồn cội để thực hiện những nghĩa cử cao đẹp.
Người nuôi 9 bà mẹ

Hễ có dịp về quê, cô Nguyễn Thị Kim Định - người con gái ngày xưa của mảnh đất xã Hòa Phú huyện Củ Chi TPHCM lại tất tả đến bên các bà mẹ già yếu neo đơn trên địa bàn. Không chỉ là những đồng quà tấm bánh cùng lời thăm hỏi động viên, cô đã tình nguyện phụng dưỡng suốt quãng đời còn lại của các mẹ với các khoản tiền đều đặn gửi về mỗi tháng để chăm lo miếng cơm, viên thuốc. Dù cuộc sống trải lắm truân chuyên nơi xứ người, cô vẫn thường xuyên trở về nguồn cội để thực hiện những nghĩa cử cao đẹp.

  • Hai thế hệ mồ côi

Khi Nguyễn Thị Kim Định 9 tháng tuổi (cô sinh năm 1954) thì cha hy sinh. Ít lâu sau, mẹ cô lập gia đình khác, chị em cô về ở nhờ bà ngoại, kiếm sống bằng cách mò cua, bắt cá ngoài đồng.

Lớn lên, cuộc sống tưởng chừng êm ái khi cô có sự nghiệp, lập gia đình và sinh được 3 người con. Thế nhưng sau một vụ trồng trọt quy mô lớn bị thất bát, Kim Định vướng vào vòng nợ nần, người chồng đầu ấp tay gối bỏ đi theo một bóng hình khác, bỏ lại ba đứa trẻ…

Không cam chịu nuôi con trong cảnh túng thiếu, một đêm mưa, cô gạt nước mắt gửi các con lại cho bà ngoại ra đi tìm kế sinh nhai.

Trong ký ức của cô 25 năm trước, cảnh đi xin từng bữa ăn tại Nhân Cơ (Đắc Nông) vẫn hiện lên mồn một. Những ngày phiêu bạt trên mảnh đất Tây Nguyên, cuối cùng cũng mở ra cho cô con đường sáng. Một ngày, cô Định nhận được giấy tờ của chính quyền giao đất để trồng cây công nghiệp.

Với sự giúp đỡ của lực lượng TNXP đóng ở Nhân Cơ, cô đã gầy dựng nên những cánh rừng tre, nứa xanh ngút ngàn. Chỉ một thời gian sau, loại nguyên liệu ngành giấy này đã giúp cô giải quyết xong số nợ và mẹ con cô lại đoàn tụ, sum vầy.

Đất đẻ ra đất, rồi đất sinh ra tiền khi Đắc Nông tách khỏi Đắc Lắc. Cô Kim Định làm giàu nhanh chóng và mở rộng thêm nhiều ngành nghề kinh doanh từ địa ốc, nông trại, khai thác khoáng sản… Ở đâu cô cũng để lại dấu ấn của mình về các công trình từ thiện, các hành động giúp đỡ người nghèo khổ, trẻ mồ côi hết sức thiết thực.

Cô tâm sự: “Tôi hiểu nỗi đau khổ của những người nghèo. Khi cùng cực nhất người nghèo rất cần một bàn tay chìa ra, như tôi ngày xưa vậy. Tôi cũng hiểu sự thiếu thốn tình cảm của trẻ em mồ côi, bởi tôi và các con tôi đã mất cha”.

  • Nuôi... mẹ người khác

Từ tháng 8-2002, cô Kim Định bắt đầu thực hiện việc trợ cấp đều đặn mỗi tháng 200.000 đồng cho 9 bà mẹ neo đơn, không có con cháu, không nơi nương tựa hoặc có nhưng quá nghèo. Cho đến nay, đã có 3 cụ mất do tuổi cao sức yếu, còn lại 6 cụ vẫn đang được chăm sóc chu đáo từng miếng ăn, viên thuốc từ khoản trợ cấp hàng tháng của cô.

Đến ấp 5 thăm nhà cụ Nguyễn Thị Xuân, năm nay đã 86 tuổi, chúng tôi thấy cụ ngồi yên lặng trong căn nhà bé xíu, mái lợp tôn còn vách đan bằng lá dừa. Với khoản trợ cấp 200.000 đồng, một người hàng xóm nhận đi chợ lo cơm cháo sớm hôm cho cụ.

Thấy căn nhà quá nát, chính quyền địa phương đề nghị xây nhà tình thương nhưng cụ một mực từ chối. Cụ bảo: “Để lo cho người khác, tui già rồi, xây nhà tình thương tốn kém mà ở được bao lâu. Tui có tiền của “con Định” lo rồi”.

Cô Kim Định và cháu ngoại.

Cô Kim Định và cháu ngoại.

Chúng tôi sang ấp 2 để thăm cụ Nguyễn Thị Ta, 78 tuổi. Mặc dù có con gái và 2 người cháu, nhưng cả 3 đều bị bệnh thiểu năng trí tuệ. Mới đây, cụ Ta phải mổ mật, nên sức khỏe ngày càng đi xuống.

Cụ bảo: “May nhờ có khoản tiền giúp đỡ của cô Định, tui mới có điều kiện trang trải thuốc men”. Gần nhà cụ Ta là nhà cụ Nguyễn Thị Bền (ấp 1), 86 tuổi. Do chồng mất sớm, người con duy nhất lại bị bệïnh thần kinh nên hàng ngày, mẹ con cụ Bền chỉ biết đi nhặt phân bò phơi khô rồi bán lại cho các nhà vườn được 5.000 đồng/ngày.

Cụ Bền phều phào sau tràng ho kéo dài: “Tui bị bịnh phổi, ho thường xuyên. May  nhờ có cô Định giúp hàng tháng tui mới có tiền uống thuốc, chớ tui không thuộc diện chính sách nên cũng không biết kiếm đâu ra”.

Cô Kim Định xúc động khi kể cho chúng tôi nghe trường hợp cụ Phạm Thị Bay (ấp 1A) năm nay đã 85 tuổi, bị mù cả 2 mắt. Do con trai chết sớm, cụ Bay ở với con dâu. Nhà bị giải tỏa, được chút tiền đền bù, cụ Bay dành mang về xã Hòa Phú mua mảnh đất nhỏ lợp tôn lên ở. Ngày ngày, cô con dâu đi bóc vỏ hạt điều nuôi má chồng. Hiện cụ Bay chưa có hộ khẩu nên chưa được đưa vào danh sách hộ nghèo của xã để hưởng trợ cấp.

Mỗi lần cô Kim Định về quê, làng trên xóm dưới lại xôn xao trong niềm vui, mà hạnh phúc nhất là các cụ già neo đơn. Với các cụ, dù không mang nghĩa sinh thành, nhưng cô Kim Định vẫn là người con gái vô cùng hiếu thảo.

Chị Cao Thị Hồng Điệp, cán bộ Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Phú, nói: “Sự giúp đỡ thường xuyên các gia đình nghèo khó của những mạnh thường quân như chị Kim Định là điều hết sức quý báu” đối với địa phương”

QUÝ LÂM

Tin cùng chuyên mục