Người nuôi bò nhiều nhất Tây Nguyên

Người nuôi bò nhiều nhất Tây Nguyên

Khách thập phương xuôi ngược qua xã H’Bông huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) nằm ở phía Bắc đèo Chư Sê và thị trấn Phú Thiện - phía Nam đèo Chư Sê đều thấy có rất nhiều trại nuôi bò với từng đàn bò vàng tuyệt đẹp đang ung dung gặm cỏ dưới tán rừng phòng hộ đầu nguồn. Trong số đó có gần 2.000 con bò của anh Nguyễn Đình Phúc đang cư trú tại thị trấn Phú Thiện (AYun Pa, tỉnh Gia Lai).

  • Từ một sự cố trên đường

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con, nghèo khó tại Thủy Thanh, Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế. Anh là con trai thứ hai, năm 1978 lập gia đình, mẹ anh cứ thở dài vì “không biết lấy chi mà cho vợ chồng mi lập nghiệp”. 2 năm sau ngày cưới, lần theo địa chỉ người chị họ xa, anh đến xã Ia Blang, Chư Sê.

Người nuôi bò nhiều nhất Tây Nguyên ảnh 1

Từ 3 con bò ban đầu, đến nay, đàn bò của gia đình anh Nguyễn Đình Phúc đã lên đến gần 2.000 con.

Thấy đất đỏ ba-zan bạt ngàn còn bỏ hoang, anh nhảy xe đò về quê đón vợ. Hành trang của đôi vợ chồng son chỉ vài bộ quần áo, tiền đủ mua vé tàu, xe đến Chư Sê. Đến nơi hôm trước, hôm sau anh đã xoay trần ra tìm cây về dựng một túp lều tranh che mưa che nắng.

Đầu năm 1982, anh bị sốt rét phải đi nằm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai mất mấy tháng liền. Năm này, vợ anh sinh con gái đầu lòng. Khó khăn chồng chất lên đôi vai gầy của người vợ vốn là một thiếu nữ thành thị. Thương vợ, một hôm, vừa dứt cơn sốt, anh đem rượu tự nấu đi bán ở thị trấn Phú Bổn (Ayun Pa), trên đường về, không may chiếc xe chở khách đến thị trấn Phú Thiện, Ayun Pa bị hỏng.

Trong lúc đợi xe sửa chữa, anh xuống xe ngắm nhìn cảnh vật, đất đai vùng này rồi lân la hỏi chuyện mấy chị đang phơi thóc ven đường lộ. Nghe kể về vùng đất làm ruộng nước, năng suất cao tới 9 - 10 tấn/ha. Anh nghĩ thầm làm ruộng nước có lúa ăn, có rơm nuôi bò thì tuyệt. Chính chuyến xe hỏng hôm ấy đã là bước ngoặt lớn trong cuộc đời vợ chồng anh. Anh về “nhổ” cả nhà lên Phú Thiện.

  • Để mọi người cùng giàu

Bán hết đất đai, nhà cửa ở xã Ia Blang cũng chỉ đủ mua lại một căn nhà nhỏ, xiêu vẹo của một chủ kinh tế mới bỏ đi. Anh chị xin vào làm xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thiện. Suốt 3 năm ròng chăm chỉ làm ăn, đến năm 1983, anh chị để dư được 4 phuy thóc. Anh quyết định đổi 3 phuy thóc lấy 3 con bò địa phương về nuôi.

Sau 1 năm, bán số bò đi lấy tiền cộng thêm số vốn tích cóp lâu nay, anh mua 10 con bò. 1 năm sau bán bò lớn lấy tiền mua tăng thêm đàn bò. Sau này có vốn, hàng năm cứ vào mùa khô anh đi mua bò gầy về vỗ béo, con nào đẹp để lại nuôi, còn con nào xấu anh đưa đi ngoài tỉnh bán lấy tiền về mua bù con khác.

Đàn bò tăng, anh nghiên cứu phương thức gửi đàn bò cho đồng bào dân tộc thiểu số; cứ bò đẻ 2 con bê, người nuôi được 1 con, anh được 1 con. Đến năm 1999, đàn bò của anh tăng lên trên 500 con. Những năm tiếp theo, duy trì ở mức gần 1.000 con, mỗi năm thu lãi 600 - 700 triệu đồng.

Khi số bò vượt lên con số hàng nghìn, không thể dừng lại ở vùng lúa Phú Thiện, anh trở về Chư Sê, chọn xã H’Bông làm điểm tập kết nuôi bò. Theo anh, đây là vùng giáp hồ Ayun Hạ, dưới tán rừng thưa là đồng cỏ xanh tốt quanh năm. Anh đặt vấn đề với chính quyền địa phương cho phát triển đàn bò.

Mỗi tháng anh đóng vào quỹ quốc phòng an ninh xã theo mức 500 đồng/con bò. Hiện nay, anh có 27 trại nuôi trên 1.400 con bò trên địa bàn xã H’ Bông. Mỗi hộ nhận nuôi bò từ 60 - 70 con bò, chỉ cần 1 lao động chính và 1 lao động phụ chăn dắt. Anh trả cho người nuôi bò bình quân 240.000 đồng/con/năm.

Toàn bộ phế thải của bò dùng làm phân bón, hộ nuôi bò hưởng. Anh nhẩm tính, mỗi hộ nhận nuôi bò cho anh, thu nhập từ tiền chăn dắt cộng với tiền bán phân bò được 32 triệu đồng/năm/hộ. Song hành với phát triển đàn bò ở H’Bông, anh Phúc vẫn duy trì phát triển đàn bò 600 con ở Phú Thiện với phương thức giao cho 150 hộ nông nghiệp nuôi bò lấy sức kéo và lấy phân bón cây trồng.

Anh Phúc tiết lộ: “Ưu thế lớn nhất là nguồn thức ăn cho gia súc dồi dào từ đồng cỏ xã H’Bông quanh năm xanh tốt và rơm từ vựa lúa Ayun Hạ và kinh nghiệm quý nhất là phải đặc biệt chú trọng khâu thú y, chăn thả giao cho người khác chứ phòng bệnh, chữa bệnh cho bò đều do tự tay tôi làm”.

Mấy chục năm nuôi bò, anh chưa hề mất một con nào. Hiện nay, anh có tất cả gần 2.000 con bò. Từ năm 2002 đến nay, năm nào anh cũng thu lãi trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, gia đình anh còn thu lãi vài trăm triệu đồng từ buôn bán hàng nông sản, thực phẩm.

Tài sản cố định của anh hiện đã trên 6 tỷ đồng và một khoản tiền lớn đầu tư bất động sản ở Huế, TP Hồ Chí Minh và đầu tư cho các con học hành đến nơi đến chốn.

Anh là người nuôi bò nhiều nhất Tây Nguyên và có thể nhiều nhất cả nước. Ông Nguyễn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê nhận xét: “Anh Phúc đã làm thay đổi cách nhìn của một số lãnh đạo huyện về thế mạnh phát triển đàn bò địa phương và giúp đồng bào dân tộc xã H’Bông thay đổi được nhận thức trong việc nuôi bò. Hiện nay, ngoài số bò của anh Phúc, xã H’Bông có đàn bò lớn nhất huyện”. 

LÊ MINH  

Tin cùng chuyên mục