Người Rơ Mâm làm cơm cúng Bác

Người Rơ Mâm làm cơm cúng Bác

Khi ông mặt trời vừa trốn sau đỉnh núi Chư Gor Tong để tìm về giấc ngủ, không gian tranh tối tranh sáng chập chờn, cũng là lúc chúng tôi đặt chân đến làng Le - làng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số Rơ Mâm, một trong 4 dân tộc ít người nhất còn lại ở nước ta hiện nay.

Quang cảnh làng Le lúc này tuyệt đẹp, những ngôi nhà sàn lợp ngói kiểu xưa xen cùng những ngôi biệt thự kiểu Thái nhiều mái, núp bóng dưới tán cây xanh; hai bên đường, nhiều quán xá bày bán rất nhiều mặt hàng, thể hiện cuộc sống ổn định của bà con người dân tộc thiểu số Rơ Mâm ở vùng biên giới này. Cùng thưởng thức món cá sông kẹp lá nướng than và cơm lam ống nứa, rượu cần ủ lâu ngày nồng nàn ấm ngọt… Thân mật, cởi mở, tôi như một đứa con của làng đi xa lâu ngày trở về gặp mặt.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước năm 1975, cả cộng đồng người Rơ Mâm chỉ có 26 hộ với 159 người thì bây giờ đã tăng lên tới 120 hộ với 415 người. Trở về sau những năm tháng sống, chiến đấu trong môi trường quân đội, A Giói thấy dân làng vẫn đói khổ, chưa đến mùa mà nhiều chòi lúa đã hết sạch. Thương bà con, nhiều đêm anh không ngủ, ý nghĩ phải làm một việc gì đó để giúp người Rơ Mâm của mình hết khổ cứ thôi thúc anh. Cuối cùng, anh quyết định động viên bà con “xuống núi” lập làng, trồng lúa nước, cây mì và cao su… Biết đây là một quyết định rất khó khăn nên A Giói tìm cách tiếp cận với những người nhiều tuổi, có uy tín như ông A HLới, bà Y Mi… cùng với Bộ đội Biên phòng vận động thuyết phục. Đầu năm 1976, A Giói quyết định đưa nhà mình cùng gia đình 3 đảng viên trong tộc người Rơ Mâm rời khỏi ngọn núi Yang Sít xuống lập làng Le ở xã Mo Rai, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) bây giờ.

Thấy những người đi “mở đất” lập làng sống no đủ, trẻ em được đến trường học cái chữ, người

Bí thư Chi bộ A Giói giới thiệu hình ảnh dân làng.

ốm đau đi bệnh viện chữa trị…, thế là mọi người cùng về làng mới. “Bức tranh tươi sáng” của người Rơ Mâm đã lôi cuốn nhiều bà con dân tộc Giơ Rai, Giẻ Triêng, Brâu, Xơ Đăng… trong vùng lân cận tự nguyện “bỏ núi” về lập làng, chung sức xây dựng vùng biên giới phát triển. Đến nay, làng Le đã có một chi bộ với 10 đảng viên, đứng đầu là Bí thư A Giói. Người Rơ Mâm đã khai hoang và trồng được 90ha cây mì, 80ha lúa nước, 120ha cây cao su tiểu điền cùng với hàng trăm con heo, bò, dê các loại. Trẻ em đến tuổi đều được đi học. Cuộc sống du canh, du cư với phương thức “chặt, đốt, chọc, tỉa” đã không còn. “Điện, đường, trường, trạm” đã hội tụ đầy đủ, là cơ sở để đưa cuộc sống của bà con Rơ Mâm ngày một ổn định, phát triển và thực sự đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng an ninh ở vùng biên giới cực Bắc Tây Nguyên.

Không giấu được cảm xúc khi mùa xuân đang đến, Bí thư A Giói nói như khoe: “Có được cuộc sống như bây giờ là nhờ công ơn của Bác Hồ, người Rơ Mâm không ai bảo ai, nhà nào cũng lập bàn thờ Bác. Mọi người trong làng đều lấy tấm gương đạo đức của Bác để học tập và làm theo. Trong làng không có tình trạng mất cắp, mọi người đoàn kết thương yêu và giúp nhau phát triển sản xuất, không đi và nghe theo lời xúi bậy của bọn phản động Đêga. Hàng năm cứ đến ngày 2-9, nhà nào cũng làm cơm cúng giỗ Bác. Tết cổ truyền của dân tộc, trên bàn thờ Bác lúc nào cũng có bánh chưng, hoa quả và nhang thơm. Ngày đầu năm mới mọi người đến nhà thăm nhau, việc đầu tiên là dâng hương cúng Bác, nhớ về Bác…”.

LÊ QUANG HỒI

Tin cùng chuyên mục