Bộ Chính trị vừa thông báo kết luận về tổ chức cuộc vận động Người Việt Nam (VN) ưu tiên dùng hàng VN. Xem đây là chiến lược quốc gia, hoặc gọi là cuộc vận động nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước thông qua việc hình thành lối tiêu dùng… thì cách gọi nào cũng đúng.
Chủ trương này gián tiếp như một cách tôn vinh các doanh nghiệp trong nước – những người đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ở góc độ người tiêu dùng, chủ trương này đã khơi gợi lòng tự hào dân tộc vốn luôn tồn tại trong tim những người con đất Việt.
Để cuộc vận động đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, tôi nghĩ cần làm làm rõ vai trò chủ thể của cuộc vận động, đó là người tiêu dùng. Thời gian qua, nếu nói người tiêu dùng trong nước quay lưng với hàng nội là chưa đúng. Khẩu hiệu “Hàng VN chất lượng cao” giờ đã trở thành câu nói cửa miệng của nhiều người khi đi mua sắm hoặc chọn lựa sản phẩm.
Chỉ tiếc rằng, bên cạnh việc phải đối đầu với hàng ngoại như sóng to gió lớn tràn vào, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa xem người tiêu dùng nội địa là “thượng đế” để đáp ứng yêu cầu của họ. Người tiêu dùng cần gì? Thứ nhất, vẫn là vấn đề chất lượng. Không phải ngẫu nhiên mà cục xà bông Cô Ba tồn tại gần 80 năm qua.
Nhãn hiệu Cô Ba đứng vững trên thương trường không hẳn vì hình ảnh con gái thầy Thông Chánh gắn liền với tên tuổi nhà tư sản dân tộc Trương Văn Bền, mà phần lớn vì chất lượng của nó. Ít ra cũng vài thế hệ ở Sài Gòn không quên được mùi hương của xà bông Cô Ba, cái mùi không lẫn lộn và thua kém với những nhãn hàng ngoại nhập.
Tương tự sau đó là Viso, Liz, Daso…, tiếc rằng những nhãn hiệu này đã khá hụt hơi trong cuộc chiến với các nhãn hàng ngoại nhập. Nhiều người tiêu dùng “dị ứng” với hàng trong nước, đầu tiên và luôn luôn vẫn là vấn đề chất lượng. Bàn, tủ (loại ván MDF) dành cho văn phòng được làm trong nước, dù không rẻ tiền nhưng chỉ một thời gian đã bị liệt vào loại hàng “mau hỏng”.
Đó là lý do vì sao một số người lại chọn mua những sản phẩm nước ngoài, mắc nhưng đẹp, bền. Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển tốt ở một thị trường tiềm năng với 80 triệu khách hàng thì chọn lựa đầu tiên luôn phải là chất lượng.
Thứ hai, hàng sản xuất trong nước phải đạt tiêu chí cạnh tranh: rẻ hơn. Dù hàng tiêu dùng Trung Quốc có chất lượng chưa cao, nếu không muốn nói là kém nhưng vẫn có lợi thế cạnh tranh bởi giá luôn luôn… rẻ!
Không khó hiểu khi trái cây VN vẫn lép vế với táo Mỹ, New Zealand hay Trung Quốc… dù rằng các tổ chức hỗ trợ nhà nông trong nước đã tổ chức bao nhiêu hội nghị, hội thảo và cả hội chợ trái cây nhằm tôn vinh trái cây trong nước nhưng rốt cuộc, trong bữa ăn, trên bàn tiệc hay mâm trái cây cúng ông bà, trái cây ngoại nhập vẫn giữ vị trí “chủ đạo”.
Chi phí là vấn đề hàng đầu, luôn được khách hàng quan tâm khi quyết định mua hay sử dụng dịch vụ nào đó. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp trong nước thường mắc cái bệnh đỏng đảnh: khi được khách hàng “để mắt” đến sản phẩm của mình thì chẳng bao lâu nhãn hàng ấy sẽ lập tức… tăng giá!
Thứ ba, đó là tiêu chí sản phẩm phải an toàn. Hơn bao giờ hết, đây là tiêu chí được người tiêu dùng hiện đại đòi hỏi. Chưa bao giờ thực phẩm sạch, rau sạch, thịt sạch… đã trở thành những cụm từ quen thuộc khi cơn lốc hàng quá đát, kém chất lượng đang đe dọa người tiêu dùng trong từng bữa ăn.
Không chỉ thực phẩm, có lẽ các doanh nghiệp trong nước phải “học” các doanh nghiệp nước ngoài để sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng phục vụ đời sống mang tính an toàn hơn, nhân bản hơn, nhỏ nhặt từ con vít, cây đinh, hộp keo…
Vì quyền lợi của mình, hơn thế là lòng yêu nước, người tiêu dùng trong nước luôn sẵn lòng ủng hộ hàng nội địa. “Trái banh” bây giờ đang nằm trong chân các doanh nghiệp và nhà nước, phải làm sao để đáp ứng được những cái mà người tiêu dùng cần…
Được như vậy, doanh nghiệp sẽ xây dựng được hình ảnh của mình ngay trên “sân nhà”, góp phần xây dựng kinh tế nước nhà hùng mạnh.
Huỳnh Công (P.7 Q.8 TPHCM)