5 năm thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Đã 5 năm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực với những quy định “đẹp như mơ”, như: người tiêu dùng không phải chứng minh lỗi, khi khiếu nại sẽ được xét xử theo thủ tục rút gọn, không phải nộp tạm ứng án phí đòi bồi thường; được các tổ chức xã hội đứng ra bảo vệ; khi bảo hành sẽ được cho mượn sản phẩm sử dụng thay thế… Thế nhưng, đến giờ, khách hàng vẫn bơ vơ, vì thiếu chế tài, các cơ quan chức năng chậm triển khai, xử lý.
Vai trò của hội chưa thu hút
Anh Vũ Khanh (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) kể, anh mua căn hộ chung cư, đã thanh toán 80%, theo hợp đồng chỉ đợi chủ đầu tư bàn giao căn hộ là thanh toán phần còn lại. Thế nhưng, đã 6 năm rồi, dự án bất động. Anh đã gửi đơn kêu cứu đến các hội bảo vệ quyền lợi cho anh. “Nhưng khi hội làm việc với doanh nghiệp xong thì chúng tôi không biết họ… bảo vệ bên nào! Bởi, chúng tôi thực hiện đúng hợp đồng, bị chôn vốn nhiều năm, nhưng hội lại vận động chúng tôi thanh toán đủ nhằm cho doanh nghiệp đủ tiền xây. Có nghĩa là vốn chúng tôi đang bị thiệt thòi vì dự án trì hoãn, bất động, thì hội lại vận động chúng tôi chịu thiệt thêm nữa… Thế là chúng tôi “xin” rút lại đơn yêu cầu bảo vệ!”, anh Khanh nói.
Anh Nguyễn Huy Hoàng (ngụ Gò Vấp, TPHCM) mua một sản phẩm mà anh cho là kém chất lượng, nhưng không biết khiếu nại ở đâu. Anh mang đến các hội thì các hội nói không đủ khả năng thẩm định chất lượng sản phẩm. Nếu mang sản phẩm yêu cầu các cơ quan chức năng giám định thì anh phải chịu trả phí giám định, vì hội không có kinh phí. Muốn kiện ra tòa thì tòa yêu cầu các chứng cứ như hóa đơn mua hàng, tên doanh nghiệp…; trong khi nhà sản xuất thì không ghi rõ ràng địa chỉ nên không thể cung cấp theo yêu cầu của tòa. “Giá trị món hàng chỉ khoảng một triệu đồng, muốn được bồi thường thiệt hại lại phải tốn công sức, nên thôi, tôi bỏ cho đỡ mệt!”, anh Hoàng nói. Tương tự, nhiều khách hàng cho biết, thông thường họ mua nhầm sản phẩm kém chất lượng, hàng gian, hàng giả mà giá trị không lớn thì coi như xui chứ không có ý nghĩ kiện tụng. Mà ngay cả muốn kiện cũng không biết kiện ở đâu, lại tốn nhiều thời gian, công sức nhưng chẳng được gì…
Người mua căn hộ ở chung cư Petrovietnam Landmark Apartment này sau nhiều năm vẫn chưa được nhận căn hộ . Ảnh: CAO THĂNG
Đành… im lặng!
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa khảo sát thì có đến 44% người tiêu dùng lựa chọn phương án “im lặng” khi bị xâm phạm quyền lợi. Trong lúc, hàng ngày, người dân phải đối mặt với hàng loạt vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng dịch vụ, chế độ bảo hành… nhưng đành chọn phương án im lặng vì không biết kêu ai và không muốn chuốc thêm phiền phức. Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được “5 tuổi”, nhưng đến giờ số người biết đến quyền lợi của mình rất ít. Theo khảo sát sơ bộ của Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) khảo sát đối với 3.000 người tiêu dùng tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước, cho thấy chỉ 70% số người tiêu dùng biết đến luật và các quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng. Trong đó, hơn một nửa trả lời từng bị xâm phạm quyền lợi trong thời gian luật có hiệu lực đến nay. Cũng theo khảo sát, loại hàng hóa xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng nhiều nhất là nhóm thực phẩm, nước giải khát (gần 20%); đồ điện tử, gia dụng (13%); hàng hóa tiêu dùng hàng ngày (gần 13%); điện thoại, viễn thông (gần 10%)… Hỏi lý do vì sao “thượng đế” chọn im lặng thì có đến 38,5% số người được hỏi trả lời vì giá trị tranh chấp nhỏ; 22% người trả lời do thủ tục khiếu nại, khiếu kiện phức tạp; 16% nghĩ rằng có kiện thì đơn vị kinh doanh cũng không giải quyết; 11% nói rằng mình không biết các quy định cũng như không biết cơ quan, tổ chức nào hỗ trợ giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng.
Trong các khiếu nại, nóng nhất, bức xúc nhất vẫn là nhóm vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng, chế độ bảo hành đồ điện tử gia dụng, điện thoại, viễn thông… Bởi vì đối với hàng thực phẩm, thường không có hóa đơn, chứng từ, để lâu lại hư, biến đổi chất lượng, trong khi nơi bảo vệ mình thì… quá xa! Luật quy định ngành công thương, cấp quận, huyện phải tiếp nhận khiếu nại, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, vậy mà đến nay đã 5 năm trôi qua nhưng chưa quận, huyện nào có bộ phận chuyên trách làm công tác tiếp nhận, xử lý khiếu nại cho người tiêu dùng. Rồi những quy định như khi bảo hành thì người tiêu dùng được mượn sản phẩm thay thế sử dụng tạm trong thời gian chờ bảo hành; thời gian bảo hành được gia hạn thêm trong phiếu bảo hành… thì hầu như không nơi nào thực hiện.
Có nghĩa là, tuy luật rất rõ ràng, quy định đầy đủ, nhưng không nơi nào triển khai thực hiện và chế tài chưa đủ nghiêm nên đến giờ luật vẫn chưa đi vào cuộc sống. Người dân bức xúc thì thay vì chọn đường chính để đi là khiếu nại theo quy trình của luật thì họ lại chọn giải pháp tìm đến báo chí để công khai, nhằm cảnh báo cho xã hội!
CHẾ HÂN