Người trẻ làm việc nghĩa

“Tấm lòng tuổi trẻ” là tên gọi chương trình hành động mà Đoàn TNCS phường 15 quận Phú Nhuận (TPHCM) vừa triển khai nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng 4 và tháng 5. Bằng hình thức tặng suất cơm trưa miễn phí cho người nghèo, người tàn tật và người già neo đơn, việc làm ý nghĩa của các bạn trẻ không những mang đến niềm động viên, an ủi cho những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ mà còn nhận được sự cảm phục từ người dân địa phương...
Người trẻ làm việc nghĩa

“Tấm lòng tuổi trẻ” là tên gọi chương trình hành động mà Đoàn TNCS phường 15 quận Phú Nhuận (TPHCM) vừa triển khai nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng 4 và tháng 5. Bằng hình thức tặng suất cơm trưa miễn phí cho người nghèo, người tàn tật và người già neo đơn, việc làm ý nghĩa của các bạn trẻ không những mang đến niềm động viên, an ủi cho những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ mà còn nhận được sự cảm phục từ người dân địa phương...

Đoàn viên, thanh niên phường 15 quận Phú Nhuận trao suất cơm trưa miễn phí tặng ông Tăng Quang Mạnh, hộ khó khăn tại địa phương. Ảnh: Thiện Tâm

Đoàn viên, thanh niên phường 15 quận Phú Nhuận trao suất cơm trưa miễn phí tặng ông Tăng Quang Mạnh, hộ khó khăn tại địa phương. Ảnh: Thiện Tâm

Khi chúng tôi ngỏ ý tìm hiểu về hoạt động từ thiện này, anh Tống Quang Kiên, Bí thư Đoàn Thanh niên phường 15, vui vẻ mời khách cùng tham dự buổi phát cơm để “mục sở thị”. Trong lúc chờ đến giờ xuất phát, tâm sự về chuyện khơi nguồn ý tưởng làm việc nghĩa này, anh Kiên bộc bạch, nhiều lần cùng đồng nghiệp của mình trăn trở tìm giải pháp làm thế nào góp chút công sức chung tay với tập thể cán bộ địa phương chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh nhưng cũng phải phù hợp với khả năng của các đoàn viên, thanh niên trẻ nhiệt huyết. Được sự gợi ý và ủng hộ của Đảng ủy, ủy ban, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên quyết định xây dựng kế hoạch chương trình công tác xã hội mang tên “Tấm lòng tuổi trẻ” với hành động cụ thể là tặng suất ăn trưa cho người kém may mắn.

Để hoàn thành nhiệm vụ mang ý nghĩa nhân đạo này cũng không dễ dàng. Ban đầu, một số hộ kinh doanh rất e dè, thậm chí có người từ chối vì nhiều lý do khác nhau. Quyết không bỏ cuộc, các cán bộ trẻ với cái tâm làm việc thiện vì cộng đồng vẫn kiên trì thuyết phục. Kết quả cho những nỗ lực không mệt mỏi ấy đã được bù đắp bằng sự tham gia tài trợ của 3 hộ kinh doanh cơm bình dân.

“Bước đầu như vậy đã là một thành công đáng ghi nhận. Tính từ đầu tháng 5 đến nay, qua hơn 2 tuần thực hiện, với mỗi ngày 3-7 suất cơm, đã có hơn 30 suất cơm đến tận tay người nghèo, các cụ già và người tàn tật”, anh Kiên cho biết.

Điểm dừng chân đầu tiên là quán cơm 71 trên đường Nguyễn Đình Chính. Thoáng thấy nhóm thanh niên trong màu áo xanh quen thuộc đi tới, chị Phạm Thị Ngọc, chủ quán bước ra với nụ cười trên môi: “Nhận cơm từ thiện phải không, chờ chị chút nha”. Nói xong chị quay vào hàng ăn, lấy 3 hộp xốp đặt xuống bàn, thoăn thoắt múc cơm và thức ăn cho vào bên trong. Vừa giúp chị gói ghém cơm canh vừa hỏi thăm cảm nghĩ về việc làm đậm tình người này, chị Ngọc bày tỏ: “Lúc đầu nghe các em trình bày tôi cũng băn khoăn vì lúc này buôn bán khó khăn, nhưng nghĩ lại thấy đây là việc làm có ý nghĩa nên tôi quyết định tham gia với tâm nguyện làm được điều gì có ích cho ai thì cứ làm”.

Bước sang quán cơm 63 cùng đường cách đó vài chục mét, lúc này đang khá đông khách ăn trưa. Chị Bích, chủ quán, cùng những người giúp việc tất bật bên quầy thức ăn. Vậy nhưng khi bước vào, chúng tôi khá bất ngờ khi các hộp cơm ủng hộ cho người nghèo đã được gói tươm tất để sẵn trên bàn. Gạt mồ hôi lấm tấm trên trán, chị Bích ngước nhìn nhóm tình nguyện với vẻ mặt hài lòng vì chị hiểu mục đích mà những người trẻ đang làm.

Lần theo con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, đến trước số nhà 101/1 đường Duy Tân, mọi người đều xúc động khi thấy anh Nguyễn Văn Hải, người bán vé số tật nguyền, ngồi bệt ngoài hiên căn nhà xập xệ chờ đợi. Nhận suất cơm nghĩa tình từ tay bạn trẻ, anh ngậm ngùi: “Cảm ơn các cô cậu giúp đỡ”. Anh Hải bị liệt hai chân do chấn thương cột sống trong một tai nạn lúc đi làm thuê. “Mỗi ngày tôi lăn xe đi bán vé số kiếm vài chục ngàn mua gạo sống qua ngày, đâu dám nghĩ đến chuyện ăn uống đầy đủ. Từ khi các cô cậu làm trên phường vận động cho cơm trưa tôi mừng lắm. Mong là việc làm này sẽ duy trì lâu dài để người dân nghèo được nhờ” - anh Hải bày tỏ.

Cùng hoàn cảnh mưu sinh bằng nghề bán vé số như anh Hải, bà Lê Thị Vinh (64 tuổi), hộ nghèo neo đơn ở hẻm 72 Huỳnh Văn Bánh, nói như khóc: “Có ngày bán ế, buổi trưa hai chị em tôi chỉ nấu tạm chén cháo, gói mì tôm lót dạ. Giờ mỗi ngày được cho cơm đối với tôi như vậy là quá quý. Cảm ơn tấm lòng tốt của mọi người”.

Gần 1 tiếng đồng hồ rong ruổi qua các con hẻm, cứ thế lần lượt các suất cơm trưa nhân ái đã được đón nhận trong niềm vui, sự xúc động của người nghèo. Nói về hoạt động này, bà Trịnh Thị Loan, Bí thư Đảng ủy phường 15, khẳng định: “Chúng tôi rất ủng hộ việc làm thiết thực này của đoàn viên thanh niên địa phương. Nếu duy trì với hiệu quả tốt, thời gian tới đây, Đảng ủy, ủy ban sẽ có phương án huy động nhiều nguồn lực trên địa bàn cùng tham gia hỗ trợ với các em để mở rộng mô hình nhân đạo này”.

Mai Nguyễn

Tin cùng chuyên mục