Đó là anh Dương Minh Hữu Khanh, một đảng viên trẻ gương mẫu, một cán bộ Đoàn tích cực, một người con hiếu thảo đồng thời là một cây vượt khó với mô hình kinh doanh nuôi dế…
Theo anh Khanh, nuôi dế tuy không mấy cực nhọc so với nuôi các loài động vật khác nhưng cũng đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ cùng kỹ thuật chọn giống và chăm sóc. Dế giống được cho là “đẹp” phải là dế to, râu dài không bị đứt, gãy, cánh bóng mượt, chân chắc. Vật dụng chứa dế là các hộp giấy, hộp xốp, thùng các loại.
Tuy nhiên, anh Khanh cho biết sở dĩ anh chọn thùng phuy nhựa với lý do độ bền chắc không sợ dế đục cắn làm hư như các loại hộp xốp, thùng giấy khác. Nói đoạn anh dẫn chúng tôi đến bên một chiếc thùng phuy tròn chiều cao 0,5m đường kính 0,45m nhẹ nhàng nhấc nắp đậy lên để lộ gần cả ngàn chú dế đậu kín trên gần chục chiếc rế chồng úp lên nhau. Hỏi vì sao phải xếp rế như vậy Khanh vui vẻ giải thích đó là nhằm tạo không gian để dế sống và sinh trưởng, nếu bỏ quá nhiều dế vào diện tích chật hẹp chúng giẫm đạp thậm chí cắn xé, ăn thịt lẫn nhau làm ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng. Mỗi thùng phuy dế anh úp 30 chiếc rế và thả giống theo tỷ lệ 1 trống 2 mái.
Cách đây hơn 10 năm, hoàn cảnh gia đình Khanh cũng bị cái nghèo, cái khó “bủa vây” như bao gia đình lao động bình dân khác sống xung quanh khu vực chợ An Nhơn. Cả gia đình chật vật chống chọi với cái nghèo chưa hết thì tai họa lại giáng xuống. Cha ruột Khanh là thợ xây, trong lúc đang thi công công trình thì chẳng may trượt chân té ngã, chấn thương nặng, mất khả năng lao động. Chạy chữa cho cha xong cả nhà Khanh gần như kiệt quệ. Bốn miệng ăn trong gia đình đều trông nhờ vào đồng lương công nhân may ít ỏi của người mẹ. Vừa phải lo học, Khanh vừa đau đáu ngày đêm trăn trở tìm cách làm thế nào đưa gia đình thoát khỏi nỗi lo cơm áo gạo tiền hàng ngày.
Tình cờ trong một lần ghé nhà người hàng xóm, thấy chị cặm cụi bên những thùng nuôi dế, Khanh chợt nảy ý định học hỏi mô hình kinh doanh nhỏ, nhẹ hiệu quả lại không tốn nhiều vốn này. Chịu khó nghiên cứu sách vở, học hỏi từ những người đi trước từ cách chọn giống đến cách nuôi và thu hoạch cùng với quá trình nuôi thử, đầu năm 2009 Khanh quyết định khởi nghiệp nuôi dế từ ít tiền dành dụm được. Qua hai năm kinh doanh, mỗi ngày Khanh thu hoạch 7 - 8 kg dế, bỏ mối cho các tiệm bán thức ăn cho cá, chim cảnh. Trừ hết chi phí, tiền lãi thu về được 700.000 đến 800.000 đồng. Hiện tại ông chủ trẻ này đang sở hữu một trại nuôi dế nhỏ tại quận 12 với diện tích 200m2. “Em đang dự tính sang năm sẽ vay thêm 20 triệu đồng để phát triển công việc kinh doanh”, Khanh nói quả quyết.
Bạn bè, người thân, hàng xóm láng giếng không chỉ biết Khanh vươn lên đẩy lùi cái nghèo bằng ý chí nghị lực phấn đấu không ngừng của bản thân, mà còn biết đến chàng trai trẻ này như một lá cờ đầu trong hoạt động Đoàn, công tác xã hội tại địa phương. Nhiệt huyết với hoạt động đoàn thể đã hình thành trong Khanh từ khi còn là học trò. Trước khi được kết nạp Đảng (tháng 9-2007) ở lứa tuổi còn trẻ (25 tuổi) cậu sinh viên Khanh 6 năm liền là Bí thư Chi đoàn khu phố 1. Cứ mỗi độ hè về mọi người lại thấy Khanh khoác lên mình chiếc áo chiến sĩ tình nguyện Mùa hè xanh, lúc thì áo đoàn viên thanh niên đi phát động, tập hợp và tổ chức cho các em thiếu niên, nhi đồng khu phố đi sinh hoạt hè với nhiều hoạt động bổ ích. Không những vậy, Khanh còn tham gia vào lực lượng dân quân phường làm công tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn phường.
Gần chục tấm bằng, giấy khen treo khắp trên tường nhà do Thành đoàn, là minh chứng cụ thể cho sự hăng say trong tất cả các hoạt động vì cộng đồng của anh đảng viên trẻ này. Anh Phạm Minh Thành, Bí thư Đoàn Thanh niên phường 6, quận Gò Vấp tâm sự trước khi chia tay chúng tôi: “Khanh không chỉ là tấm gương người trẻ vượt khó tiêu biểu mà còn là đoàn viên tích cực là người đầu tàu có công gầy dựng phong trào Đoàn của khu phố từ những ngày đầu tiên cho đến gần chục năm nay. Hiện tại đã là đảng viên sinh hoạt ở chi bộ quân sự phường, nhưng anh vẫn tích cực tham gia hỗ trợ với các bạn đoàn viên trong chi đoàn khu phố mỗi khi có phong trào”.
MAI NGUYỄN – ĐỨC CƯỜNG