Người trồng mì lao đao theo xăng sinh học

Nhiều tuần nay, các nhà máy sản xuất xăng sinh học (xăng E5) lâm cảnh đìu hiu, hàng sản xuất ra không tiêu thụ được. Hệ lụy kèm theo là hàng vạn nông dân trồng mì nguyên liệu cho các nhà máy xăng sinh học như ngồi trên lửa vì nhà máy hủy hợp đồng.

Nhiều tuần nay, các nhà máy sản xuất xăng sinh học (xăng E5) lâm cảnh đìu hiu, hàng sản xuất ra không tiêu thụ được. Hệ lụy kèm theo là hàng vạn nông dân trồng mì nguyên liệu cho các nhà máy xăng sinh học như ngồi trên lửa vì nhà máy hủy hợp đồng.

  • Ế ẩm xăng sinh học

Theo Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT), sau khi chương trình sản xuất và tiêu thụ xăng sinh học E5 được Chính phủ cho phép triển khai, từ năm 2010 đến nay cả nước đã có 6 nhà máy sản xuất ethanol (xăng sinh học) với tổng công suất 550 triệu lít/năm được xây dựng tại những vùng trồng mì trọng điểm. Trong đó, nhà máy Đồng Xanh ở Quảng Nam đã đi vào hoạt động. Còn lại 5 nhà máy Bình Phước, Tùng Lâm (Đồng Nai), Cư Dút (Đắk Nông), Dung Quất (Quảng Ngãi), Tam Nông (Phú Thọ) sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Các nhà khoa học khẳng định, trong điều kiện nhiên liệu ngày càng đắt đỏ thì xăng sinh học E5 được kỳ vọng có thể thay thế cho xăng có nguồn gốc từ dầu mỏ, lại thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, từ lúc được “khai sinh” trên thị trường tới nay, xăng E5 gần như không thể tiêu thụ. Mặc dù cả nước hiện đã có 3 trong tổng số hơn 10 doanh nghiệp đầu mối bán xăng E5 gồm PV Oil, Petec và Saigon Petro nhưng từ tháng 8-2010 đến thời điểm này, tổng lượng xăng E5 cung ứng ra thị trường mới đạt 35.000m³. Trong khi theo quy mô công suất thiết kế của 3 nhà máy sản xuất ethanol đã lên tới 300.000m³ ethanol, đủ để pha chế 6 triệu m³ xăng E5, tương đương với 94% nhu cầu tiêu thụ xăng tại Việt Nam vào năm 2014.

Theo ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch PetroVietnam, ngay cả PV Oil là đơn vị bán nhiều xăng E5 nhất thì trong 9 tháng của năm 2012 cũng chỉ bán được 15.000m³ xăng E5, chẳng là gì nếu so sánh với số lượng xăng thông thường tiêu thụ mỗi tháng là 1-1,2 triệu lít. Rõ ràng, với sức tiêu thụ ì ạch như hiện nay, các nhà máy đang xây dựng lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, sở dĩ xăng E5 gặp khó khăn như hiện nay vì nhận thức của người tiêu dùng đang có sự nhầm lẫn giữa ethanol - cồn sinh học với methanol, một loại dung môi mang tính tẩy rửa mạnh, pha chế trong sơn, không được phép pha vào xăng dầu (thời gian qua rộ lên hàng loạt vụ cháy nổ xe mà nguyên nhân được xác định là trong xăng có chứa chất methanol). Vì sự nhầm lẫn không đáng có trên mà không ít người dân có suy nghĩ xăng sinh học là nguyên nhân gây cháy nổ. Ngoài ra còn một nguyên nhân khác là các cơ sở kinh doanh xăng dầu chưa mặn mà với xăng sinh học, vì để kinh doanh họ sẽ phải đầu tư thêm hệ thống bể chứa, cột bơm độc lập với xăng thông thường, gây thêm tốn kém. Vì vậy, trong khi cả nước đang có tới 12.000 đại lý bán xăng thông thường thì chỉ có 155 cây bán loại xăng sinh học.

  • Nông dân chịu vạ

Từ khó khăn do “đầu ra” ì ạch, sản phẩm không được người dân chuộng nên các nhà máy sản xuất phải hoạt động cầm chừng. Hậu quả là hàng vạn nông dân trồng mì ở nhiều địa phương đang ăn ngủ không yên vì nguyên liệu tồn đọng. Đơn cử như ở vùng nguyên liệu của Nhà máy ethanol Tam Nông (Phú Thọ), dự án đang xây dở dang phải tạm dừng, trong khi 8.000ha trồng mì đã được quy hoạch sau khi nông dân ở các huyện nghèo Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập hăm hở lao vào trồng.

Tại các dự án trồng mì của người dân Quảng Nam, Bình Phước cũng đang rơi vào cảnh tương tự. Do trồng ồ ạt theo quy hoạch nhà máy xăng sinh học, vào vụ thu hoạch nhà máy không mua nên dân phải bán với giá chỉ còn 1.200 - 1.400 đồng/kg, mỗi tấn lỗ 600.000 - 800.000 đồng.

Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay diện tích trồng mì ở nước ta rất lớn. Nhiều năm nay, thị trường tiêu thụ vẫn là xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do hoạt động xuất khẩu bấp bênh, liên tục rủi ro nên chủ trương của Bộ NN-PTNT là không khuyến khích mở rộng diện tích trồng mì, đồng thời cũng không khuyến khích xuất khẩu mà nên duy trì diện tích hợp lý để ưu tiên cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột mì và sản xuất ethanol. Các doanh nghiệp bày tỏ, để người dân có thể yên tâm giữ vững diện tích theo đúng quy hoạch cần phải giải quyết sớm bài toán “đầu ra” cho xăng sinh học nhằm tạo “đầu ra” cho vùng nguyên liệu.

Để tháo gỡ những bất cập cho các dự án xăng sinh học, Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo lộ trình cho việc sử dụng xăng sinh học tại Việt Nam. Theo chủ trương mà Bộ Công thương đưa ra, kể từ 1-12-2014 sẽ bắt buộc sử dụng xăng sinh học E5 trên thị trường, đặc biệt sẽ sử dụng cho các phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố trọng điểm bao gồm: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ tháng 12-2015 trở đi, tất cả các loại phương tiện cơ giới đường bộ trong cả nước sẽ bắt buộc phải dùng xăng E5, sau đó là xăng E10 (có hàm lượng ethanol cao hơn).

PHÚC VĂN

Tin cùng chuyên mục