Dù các chuyên gia y tế, các nhà khoa học đã khẳng định và chứng minh rằng chất lượng thuốc Việt có công dụng và hiệu quả không thua gì thuốc ngoại nhập, nhưng tại nhiều bệnh viện bác sĩ vẫn chỉ định, kê toa cho ra ngoài mua thuốc ngoại uống với lý do dùng thuốc nội lâu khỏi!
Muốn hết bệnh, phải xài thuốc ngoại?
Phát hiện con bị sốt, tiêu chảy gia đình anh Lê Văn Long đưa cháu vào một bệnh viện nhi điều trị. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cháu bị sốt xuất huyết và tiêu chảy. Sau khi thăm khám và kê toa cấp thuốc cho bệnh nhân xong, bác sĩ bệnh viện thòng thêm một câu: “Thuốc BHYT chủ yếu là thuốc nội nên uống lâu khỏi. Muốn cháu khỏi nhanh thì ra ngoài mua thuốc ngoại mà uống. Nếu gia đình muốn thì tôi sẽ kê toa riêng. Nhưng gia đình phải nhớ rằng chỉ nên cho cháu uống thuốc theo 1 trong 2 toa”.
Nghe bác sĩ nói vậy, gia đình anh Long bấm bụng cầm toa thuốc “ngoại” ra tiệm thuốc mua về cho con uống.
Anh Long tâm sự: “Bác sĩ nói vậy, sao dám để con uống thuốc BHYT. Thà tốn kém miễn sao con mình sớm hết bệnh là mừng rồi”. Và cũng không riêng anh Long, nhiều phụ huynh khác trong khoa nội tổng quát bệnh viện này cũng tìm cách gặp bác sĩ xin đổi toa thuốc với hy vọng “mất của còn hơn mất người”. Tâm trạng “sợ” thuốc nội không hiệu quả bằng thuốc ngoại còn phổ biến ở nhiều bệnh viện khác. Tại một số phòng bệnh, không ít bịch thuốc được bệnh viện cấp cho các bệnh nhân bị “xếp xó” hoặc vứt lăn lóc trên đầu giường, tủ cá nhân bệnh viện.
Dư luận không khỏi thắc mắc, phải chăng thuốc nội không bằng thuốc ngoại? Và nếu thực sự thuốc cấp cho bệnh nhân không có hiệu quả điều trị, sao bệnh viện vẫn cho phép trúng thầu và cấp cho bệnh nhân vô tội vạ để rồi gây lãng phí?
Với 3 gói thuốc còn “nguyên đai nguyên kiện” mà con anh Long được bệnh viện cấp, các chuyên gia ngành y sau khi thẩm định cho rằng việc bác sĩ kê toa như vậy là hợp lý, không cần phải dùng thuốc khác hay thuốc ngoại.
Theo các bác sĩ, bệnh sốt xuất huyết chủ yếu chỉ là theo dõi diễn tiến bệnh để ngăn ngừa chống sốc, bù nước làm mát (hạ sốt và chườm nước). Còn với tiêu chảy cấp, ngoài việc sử dụng thuốc chống tiêu chảy, cần bù nước, khoáng và vitamin…
Cùng quan điểm, bác sĩ Lê Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH) TPHCM cho biết, không thể phủ nhận có những bệnh nhân (do cơ địa, do bệnh lý khác…) không phù hợp với loại thuốc này nhưng phù hợp với thuốc kia hoặc chống chỉ định với một loại thuốc nên phải sử dụng loại thuốc khác thay thế.
Tuy nhiên, trong trường hợp trên, với những loại thuốc của BHYT cấp như Hapacol (paracetamol 150mg) do Công ty Dược Hậu Giang sản xuất, Hydrite tablet của United Pharma Việt Nam, Cefodomid (cefpodoxime 100mg) của Công ty Dược phẩm Minh Dân, Bidisubtilis (1g của Công ty cổ phần Dược phẩm Bidiphar) hay Probio của Imexpharm cùng nhiều loại men tiêu hóa khác mà bệnh viện cấp cho bệnh nhân là những loại thuốc có chất lượng, phù hợp trong điều trị tiêu chảy cấp và hạ sốt.
“Nếu con tôi có ốm thì cũng chỉ dùng như thế. Không hiểu sao bác sĩ còn cho toa khác?”, bác sĩ Huyền thắc mắc.
Việc sử dụng, kê toa, cấp thuốc như trên vừa gây lãng phí vừa tạo tâm lý không tốt cho người bệnh về vai trò BHYT, chất lượng thuốc Việt…
Chất lượng là quyết định
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, khẳng định: Phần lớn thuốc Việt đều có chất lượng tốt, giá rẻ. Sử dụng thuốc Việt trong điều trị, chúng ta sẽ tiết kiệm được chi phí mà hiệu quả vẫn tương đương. Chính vì thế nhiều nước phát triển ở châu Âu cũng mua thuốc Việt về sử dụng.
Thực tế, hầu hết thuốc Việt có chất lượng không thua thuốc ngoại. Công nghệ, nhà máy của chúng ta đều là công nghệ mới, hiện đại. Việc kiểm tra, kiểm soát rõ ràng chặt chẽ. Nếu có một lô hàng nào đó “có vấn đề” ngay lập tức chúng ta có thể thu hồi….
Trong khi đó, có những công ty, sản phẩm vào Việt Nam không rõ về chất lượng. Lô hàng nào có sự cố, chúng ta cũng khó kiểm soát. Vậy tại sao chúng ta không tin vào thuốc Việt mà dùng thuốc ngoại? Đó là do tâm lý sính ngoại hay do thuốc Việt giá quá rẻ?
Một nghịch lý mà ai cũng thấy đó là thực phẩm chức năng hét giá trên trời, người ta vẫn tìm mua để uống trong khi 1 viên thuốc Việt có giá không bằng một viên kẹo nhưng tâm lý người dân là e ngại nên không chọn mua.
Để thay đổi quan niệm nhận thức, chúng ta cần có thời gian, cần có chính sách quản lý vĩ mô từ khâu sản xuất, nhập khẩu và phân phối, đấu thầu thuốc. Tuy nhiên, nếu thuốc nội không chiếm lĩnh được thị trường, không nâng cao chất lượng sản phẩm, người bệnh vẫn sẽ không lựa chọn.
Bên cạnh đó, cần có sự tuyên truyền rộng rãi và có quy chế khuyến khích để các thầy thuốc kê đơn thuốc Việt. Bởi vì việc dùng thuốc của người bệnh là phụ thuộc vào bác sĩ. Thuốc Việt có lên ngôi được hay không phải bắt đầu từ ngòi bút kê đơn.
TIẾN ĐẠT