Người Việt dùng thuốc Việt

LTS: Chính phủ đã phát động phong trào “Người Việt dùng thuốc Việt”. Đó là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn cần được ủng hộ. Bao năm qua, thuốc nội đã “lép vế” trên sân nhà khiến thị trường này luôn biến động giá cả, người bệnh thêm gánh nặng. Nay, đã đến lúc “chấn hưng” ngành dược.
Người Việt dùng thuốc Việt

LTS: Chính phủ đã phát động phong trào “Người Việt dùng thuốc Việt”. Đó là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn cần được ủng hộ. Bao năm qua, thuốc nội đã “lép vế” trên sân nhà khiến thị trường này luôn biến động giá cả, người bệnh thêm gánh nặng. Nay, đã đến lúc “chấn hưng” ngành dược.

Những công ty dược Hậu Giang, Domesco Đồng Tháp, Stada - Việt Nam, Imexpharm, dược Phú Yên được xem như những “anh cả đỏ” đi đầu trong sản xuất, kiểm soát sản phẩm thuốc. Tuy nhiên, để tăng niềm tin thuốc Việt, không còn cách nào khác là lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu.

Bài 1: Niềm tin chất lượng

Thuốc Việt tương đương thuốc gốc

Gặp chúng tôi tại chợ sỉ dược phẩm Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM, trình dược viên N.A.Tuấn của một công ty phân phối dược phẩm tại TPHCM tâm sự: “Em đi tiếp thị thuốc Ex… từ mấy tuần qua rồi nhưng chủ nhà thuốc nào cũng lắc đầu. Họ bảo thuốc này không bằng thuốc ngoại nhập, với lại mới ra thị trường nên khó bán lắm. Còn đi chào mấy bác sĩ thì được nhắc khéo, có hiệu quả cho bệnh nhân không mà xài, lỡ tai biến thì sao”. Tình cảnh như Tuấn không phải ít vì tâm lý lo ngại chất lượng thuốc nội mới khi tung ra thị trường.

Theo ghi nhận từ Cục Quản lý dược, hiện thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được hơn 50% nhu cầu sử dụng của thị trường, nhưng hầu hết vẫn là thuốc trị các bệnh thông thường, phổ biến có “thâm niên” cả mấy chục năm qua. Những Paracetamol, Amoxicilin, Ampicillin… giờ trở thành sản phẩm quen thuộc nhà máy sản xuất dược phẩm nào cũng có. Tuy nhiên, chưa hẳn cùng hoạt chất mà thuốc của các công ty có chất lượng giống nhau.

Mua thuốc của Công ty cổ phần Y dược phẩm Việt Nam. Ảnh: MAI HẢI

Mua thuốc của Công ty cổ phần Y dược phẩm Việt Nam.
Ảnh: MAI HẢI

Giám đốc một công ty dược cho biết chỉ cần nguyên liệu nhập từ Mỹ đã có chất lượng khác hẳn nhập từ Trung Quốc, đó là chưa kể quy trình bảo quản, kiểm soát chất lượng nguyên liệu và công nghệ bào chế của mỗi công ty một khác.

Chính vì vậy, trình dược viên của Công ty Dược Boston Pharma Việt Nam đặt nhà máy ở Bình Dương có cách tiếp thị rất… khoa học, trưng giấy xác nhận tương đương sinh học và sinh khả dụng với thuốc gốc (thuốc sáng chế) ra để thuyết phục khách hàng. Những loại thuốc tim mạch như Clopalvix 75mg, Bostarel 20mg, Bisolcor 5mg hay thuốc nội tiết Amiride, Glicron… của Boston Pharma Việt Nam được đánh giá chất lượng ngang ngửa thuốc gốc của châu Âu...
 
Là một công ty có sản phẩm khá phong phú trên thị trường OTC (thuốc không kê đơn) và cả kê đơn bệnh viện, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco Đồng Tháp cũng chú trọng đánh giá chất lượng thuốc so với thuốc gốc.

Các sản phẩm Domesco Đồng Tháp ưu tiên thực hiện đánh giá tương đương sinh học là những sản phẩm thuộc nhóm thuốc điều trị tiểu đường, tăng huyết áp và kháng sinh như Glucofine 850mg, Glucofine 500mg, Zinmax - Domesco 500mg, Amlodipin 5mg và Vosfarel MR… đảm bảo tính an toàn và hiệu quả không thua gì thuốc cùng loại của Ấn Độ, Hàn Quốc.
 
Với hơn 80% số thuốc lưu hành trong nước là Generic (thuốc phiên bản, có nguồn gốc hóa học với các thuốc đã hết thời gian được bảo hộ độc quyền), Việt Nam đang tiêu thụ nhiều loại thuốc của Ấn Độ, Pakistan, Hàn Quốc, Thái Lan và cả châu Âu như Pháp, Đức nhưng sự thật, tính an toàn hiệu quả không hơn gì thuốc nội.

Qua thực tế khám, điều trị, BS Nguyễn Đại Biên, Trưởng khoa Khám BV Nhân dân 115, cho rằng một số thuốc trị tiểu đường, huyết áp của Việt Nam có hiệu quả ngang bằng thuốc Thụy Sĩ, Ấn Độ, giá rẻ hơn. Vì vậy, bác sĩ Biên vẫn kê thuốc nội để người bệnh được giảm chi phí.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất dược phẩm Việt Nam vẫn chưa quan tâm đánh giá tương đương sinh học để chứng minh thuốc sản xuất trong nước có chất lượng tương đương với thuốc sáng chế.
 
Hết thời... sính ngoại

Mới tung ra thị trường Việt Nam hơn nửa năm qua nhưng thuốc trị viêm gan siêu vi B, C mạn tính Pegnano của Công ty TNHH Công nghệ sinh học dược Nanogen (TPHCM) được đánh giá là một trong những loại thuốc đặc trị hiếm hoi Việt Nam sản xuất được.

Sản xuất thuốc tại Công ty dược Nanogen. Ảnh: Tg. LÂM

Sản xuất thuốc tại Công ty dược Nanogen. Ảnh: Tg. LÂM

Điều đáng nói, theo ông Hồ Nhân, Tổng Giám đốc Nanogen, chất lượng thuốc này không thua gì thuốc của các hãng Thụy Sĩ, Đức trong khi giá cả chỉ bằng 1/3.

Qua kinh nghiệm điều trị, bác sĩ Trương Bá Trung (BV Đại học Y Dược TPHCM) từng đánh giá Pegnano đáp ứng được các tiêu chí điều trị. Hơn thế, trong triển lãm y dược vừa qua tại Ấn Độ, Pegnano đã thuyết phục được không ít giới y khoa thế giới và đã có nhiều nước đặt hàng. Dù rằng những loại thuốc như Pegnano do trong nước sản xuất vẫn còn ít nhưng đã phần nào khẳng định rằng không phải loại thuốc nào, kể cả biệt dược của các hãng nước ngoài, cũng “xịn” nhất.

Trong khi, thống kê của Cục Quản lý dược cho thấy cùng một loại thuốc, cùng nhóm dược liệu nhưng giá thuốc ngoại cao gấp nhiều lần thuốc nội. Song, điều đáng ngại không ít bác sĩ, người bệnh cho rằng thuốc ngoại luôn tốt hơn thuốc nội.

Bác sĩ Lê Đức Định Miên, Khoa Ngoại thần kinh BV Nguyễn Tri Phương TPHCM, kể có trường hợp bệnh nhân cứ nằng nặc đòi kê đơn thuốc “xịn” nhất của Anh, Mỹ, trong khi cùng loại thuốc đó do trong nước sản xuất vẫn có và hiệu quả không tệ.

Trong những lần sinh hoạt hội dược sĩ bệnh viện, lãnh đạo Hội Dược học TPHCM cho biết luôn nhắc nhở y bác sĩ quan tâm đến thuốc nội khi kê đơn. PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TPHCM, cho biết việc bình đơn thuốc tại các bệnh viện rất quan trọng để các bác sĩ ý thức việc chỉ định thuốc nội hay thuốc ngoại sẽ mang ý nghĩa thế nào.

Để tăng niềm tin đối với bác sĩ lẫn người bệnh về chất lượng thuốc nội, PGS Phong Lan đề nghị các công ty dược tạo điều kiện để giới bác sĩ tiếp cận nhà máy để họ thấy được rằng với khả năng công nghệ, trí tuệ hiện nay việc sản xuất thuốc có chất lượng, hiệu quả tương đương thuốc gốc, thuốc ngoại nhập không còn khó khăn như trước.

TƯỜNG LÂM


Bài 2: Chuyển mình... công nghệ

Dù ngành dược trong nước vẫn còn nhiều hạn chế nhưng đã có những cố gắng để vươn tới một nền công nghiệp dược hiện đại trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh phần lớn xí nghiệp, nhà máy dược là tồn dư của những năm 1980-1990 với công nghệ lỗi thời thì trong những năm gần đây đã xuất hiện một số công ty dược phẩm có công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất được những mặt hàng thuốc có chất lượng tương đương thuốc gốc và thuốc nhập ngoại.

Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc trên đường Pasteur.

Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc trên đường Pasteur.

Thuốc Việt, chất lượng châu Âu

Dẫn chúng tôi vào cổng nhà máy, ông Phạm Trung Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Euvipharm (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), chỉ về phía mấy hàng cây bóng râm: “Đó, khuôn viên đẹp chưa. Phần đất hơn 8.000m² kia là dự phòng cho giai đoạn 2 đó”. Nhìn “cơ ngơi” là khối nhà văn phòng 2 tầng và hai dây chuyền sản xuất thuốc quy mô, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự bề thế hơn hẳn những nhà máy sản xuất thuốc đã có dịp tham quan trước đây. “Hiện công ty đã có 200 số đăng ký thuốc và bán ra thị trường 110 loại rồi. Nhiều bác sĩ đánh giá chất lượng tốt lắm” - ông Nghĩa phấn khởi cho biết.

Bước vào xưởng sản xuất thuốc nhóm Non-Betalactam có diện tích 2.300m², một quy trình khép kín và an toàn vệ sinh khiến mọi người tưởng chừng như cả cơ thể cũng được vô trùng. Xưởng gồm các dây chuyền sản xuất thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, thuốc nước, hỗn dịch uống, kem dùng ngoài; thuốc viên nén, viên nén bao phim, viên nén bao đường, viên nang cứng, thuốc bột, thuốc viên nén sủi, thuốc bột sủi. Đối diện với xưởng Non-Betalactam là xưởng sản xuất thuốc nhóm Betalactam với các dây chuyền sản xuất thuốc viên nén, viên nén bao phim, viên nang cứng, thuốc bột, thuốc cốm; thuốc tiêm bột chứa kháng sinh nhóm Cephalosporin…

Ông Phạm Phước Đức, Giám đốc Kinh doanh Euvipharm, thổ lộ: “Sản phẩm mới ra thị trường được hơn 1 năm qua nhưng đã được nhiều bệnh nhân chấp nhận. Vừa rồi còn trúng thầu mấy chục loại ở các bệnh viện đa khoa Quảng Nam, Đắc Lắc, Đồng Tháp, Sóc Trăng…”. Tháng 4-2006, nhà máy sản xuất thuốc của Euvipharm khởi công trên diện tích hơn 3ha với tổng vốn đầu tư 17 triệu USD và hoàn thành vào tháng 7-2009. Ngay khi hoàn thành, nhà máy được Cục Quản lý dược thẩm định đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc (GLP) và Thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP).

Điều đáng nói, theo ông Nghĩa, bên cạnh công nghệ sản xuất hiện đại nhập khẩu mới hoàn toàn thì các xưởng sản xuất được trang bị hệ thống xử lý không khí (HVAC) trị giá gần 5 triệu USD, với công nghệ tiên tiến được nhập từ Mỹ và châu Âu cùng với hệ thống điều khiển trung tâm (BMS) của Mỹ cho phép thiết lập, theo dõi, cảnh báo, lưu trữ, và tự động điều chỉnh tức thời, duy trì tính ổn định: nhiệt độ, độ ẩm, số lần trao đổi không khí và độ chênh áp giữa các khu vực sản xuất, đảm bảo các điều kiện tối ưu để sản xuất các sản phẩm với chất lượng ổn định. “Hiện nay cả nước chỉ có nhà máy của Euvipharm và Stada - Việt Nam được đầu tư công nghệ HVAC. Với mong muốn sản xuất thuốc đạt chất lượng tiêu chuẩn châu Âu có giá phù hợp, chúng tôi đang trong giai đoạn hoàn thiện để sớm được chứng nhận là nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP - châu Âu (EU-GMP) và tiêu chuẩn FDA của Mỹ” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Thuốc tốt, không thể là công nghệ tồi

Theo đánh giá của các chuyên gia dược học, nền công nghiệp dược Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn “đóng gói” là chính. Nền công nghiệp dược cả nước nói chung và TPHCM nói riêng vẫn ở quy mô nhỏ, manh mún với trình độ ở mức thấp, chủ yếu sản xuất các dạng sản phẩm quy ước từ nguyên phụ liệu nhập khẩu. “Mọi cái đều nhập khẩu từ máy móc, nguyên liệu, tá dược, bao bì. Chỉ mỗi con người là không nhập khẩu” - một chuyên gia dược nói vui. Tuy nhiên, nhìn nhận như PGS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, chỉ cần đầu tư công nghệ tốt, nguyên liệu tốt và con người vận hành tốt thì thuốc sản xuất trong nước chẳng thua kém thuốc ngoại nhập, thậm chí còn hơn hẳn thuốc của một số nước khác.

Mới đi vào hoạt động trong 2 năm qua, Công ty Dược phẩm Savipharm (TPHCM) được đánh giá cao về công nghệ sản xuất thuốc. Tổng giám đốc Trần Tựu cho biết hiện công ty đã vận hành dây chuyền công nghệ theo nguyên tắc “không tiếp xúc - không bụi”, các thiết bị pha chế, đóng gói đạt tiêu chuẩn châu Âu và quản lý sản xuất bằng hệ thống kiểm soát - thu thập dữ liệu tức thời (SCADA)… Mới đây, Savipharm cũng nhận được giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP - Nhật Bản, một thị trường khó tính.

Đến nay Cục Quản lý dược đã cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GMP-WHO cho 89 trong số hơn 180 công ty sản xuất thuốc trong nước. Giấy chứng nhận này có hiệu lực trong vòng 2 năm và hết hạn sẽ được thẩm định để cấp lại. Theo một chuyên gia quản lý chất lượng của Cục Quản lý dược, gần như tất cả các nhà máy sản xuất thuốc được xây dựng gần đây như Boston Pharma, Vidipha, Glomed… đều đạt chuẩn GMP-WHO ngay khi hoàn thành. Cái khó là những nhà máy đã xây dựng trên 10 năm, thậm chí mấy chục năm cần cải tạo lại để đạt chuẩn rất khó bởi thiếu sự đồng bộ trong các thiết kế.

Theo ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, hầu hết các nhà máy sản xuất thuốc đều chọn các khu công nghiệp như Việt Nam - Singapore, Mỹ Phước để xây dựng vì có môi trường trong sạch đáp ứng yêu cầu của dược phẩm. Ghi nhận cho thấy, hiện tại Bình Dương đã có gần 20 nhà máy sản xuất thuốc đang hoạt động, và hầu hết đều xây dựng từ khoảng 10 năm trở lại đây, có công nghệ tiên tiến, hiện đại. Theo các chuyên gia dược học, chưa nói đến việc phát minh sáng chế những loại thuốc mới, chỉ cần công nghệ tốt, sản xuất đúng quy trình quy chuẩn thì chất lượng thuốc nội không thua kém thuốc ngoại. Ngược lại, với những dây chuyền lạc hậu, lỗi thời không được cải tạo một cách đồng bộ thì thuốc nội vẫn mãi… thua trên sân nhà!

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục