Người viết tình ca đến với tuổi thơ

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nổi tiếng với hàng trăm bản tình ca đằm thắm, mượt mà, pha chút triết lý, chút thiền. Từ 1975, ông còn tìm thấy thêm một cảm hứng sáng tác mới ở lứa tuổi thơ tươi đẹp, hồn nhiên, để viết nên một loạt bài ca dễ thương cho các em nhỏ, những người chủ tương lai của đất nước.
Người viết tình ca đến với tuổi thơ

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nổi tiếng với hàng trăm bản tình ca đằm thắm, mượt mà, pha chút triết lý, chút thiền. Từ 1975, ông còn tìm thấy thêm một cảm hứng sáng tác mới ở lứa tuổi thơ tươi đẹp, hồn nhiên, để viết nên một loạt bài ca dễ thương cho các em nhỏ, những người chủ tương lai của đất nước.

Một trong những hình ảnh đầu tiên vừa lạ lẫm vừa dễ thương đến với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngay từ sau 1975 là chiếc khăn quàng đỏ trên vai các em đội viên thiếu niên. Và thế là ông tái tạo nên một hình ảnh rất đẹp trong bài Khăn quàng thắp sáng bình minh về các em nhỏ đang học tập và lao động chăm ngoan: “...Kìa các em thơ ngây, em luôn cùng kết đoàn/ Vì các em đã thuộc năm điều Bác dạy/ ... Kìa các em xinh xinh, chân bước vội đến trường/ Từng chiếc khăn em quàng thắm đỏ bình minh...”.

Có thể nói bài Khăn quàng thắp sáng bình minh là ca khúc đầu tiên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác cho tuổi thơ và tác phẩm nhanh chóng được các em nhỏ trong cả nước đón nhận nhiệt thành.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giữa rừng “khăn quàng thắp sáng bình minh”.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giữa rừng “khăn quàng thắp sáng bình minh”.

Các cháu mầm non rất thích bài Mẹ đi vắng vừa vui tươi, hồn nhiên vừa ngộ nghĩnh, dí dỏm: “Mẹ đi vắng, mẹ đi vắng/ Con sang chơi nhà bạn (í a)/ Con cầm cây đàn con hát/ Hát cho mẹ về với con...”. Ít ai biết rằng ca từ bài hát này là của chú bé Dũng 4 tuổi, chưa biết chữ, con của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, bạn thân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hồi đó chú bé này thường ứng tác hát hò suốt ngày và mấy câu ngô nghê dễ thương trên đây khi qua bàn tay tài năng của Trịnh Công Sơn đã trở thành bài hát Mẹ đi vắng rất hay. Xin nói thêm chú bé này hiện nay đã 33 tuổi, đang là đạo diễn phim truyện.

Tuổi thơ của các em nhỏ thật đẹp như những “hoa hồng nhỏ” được mọi người nâng niu, quý mến. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có bài hát rất nổi tiếng viết về niềm tự hào của các em được sống trong vòng tay yêu thương của mọi người. Đó là bài “Em là hoa hồng nhỏ”, từng được tuổi thơ cả nước bình chọn là một trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20: “Em sẽ là mùa xuân của mẹ/ Em sẽ là màu nắng của cha/ Em đến trường học bao điều lạ...”. Đây là bài hát ông viết cho phim truyện “Cho cả ngày mai” của đạo diễn Trần Phương vào khoảng đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Sau đó, ca khúc này đã “bước ra” khỏi phim, sống cuộc đời độc lập.

Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, hoa thắm nở, chim ca vang. Các bạn nhỏ lại thêm một tuổi, hứa hẹn một mùa bội thu trong học tập. Trịnh Công Sơn viết bài hát “Em đến cùng mùa xuân” ghi lại không khí vui tươi, hồ hởi của các em đón chào mùa xuân đang đến.

Xuân đi, hè đến trong cái nắng chói chang cùng những cơn mưa vội vã. Các em học sinh tạm rời mái trường thân yêu, vui chơi thỏa thích trong những ngày hè, Trịnh Công Sơn sáng tác bài “Tiếng ve gọi hè” và “Mùa hè đến” để tặng các em. Mùa thu đến, thích nhất là đêm Tết Trung thu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng cất tiếng hòa vui cùng các bạn nhỏ trong bài hát “Tết suối hồng”.

Viết bài hát cho các lứa tuổi thiếu nhi, ông vẫn không quên các em ở lứa tuổi mới lớn. Bài hát “Tuổi đời mênh mông” của ông đã được các em ở tuổi 15, 16, 17 rất yêu thích bởi lẽ giai điệu và ca từ khá phù hợp với “tuổi hồng”, “tuổi mực tím”, “tuổi ô mai”… hồn nhiên, mộng mơ: “Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng/ Trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me/ Em và lá tung tăng như loài chim đến/ Và đã hót giữa phố nhà...”.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đi xa, nhưng các tác phẩm của ông dành cho các lứa tuổi mầm non, thiếu nhi, tuổi mới lớn vẫn vang vọng khắp nơi như tình cảm yêu thương của ông đối với các cháu nhỏ vẫn mãi mãi còn đây.

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

Tin cùng chuyên mục