Nguồn sáng phương Nam

Trường ca Nguồn sáng phương Nam được viết theo một mạch tự nhiên, dẫn dắt từ thời chiến tranh cho tới những tháng năm TPHCM trong thời bình, trong dịch Covid-19…

“Tôi viết bằng tâm trạng, tình cảm thật của mình chứ không nghĩ ra thơ”, nhà văn Trần Văn Tuấn đã chia sẻ về tác phẩm mới nhất như vậy. Và sự chân thật ấy làm nên sức hấp dẫn, dẫn dắt độc giả theo chiều dài trường ca Nguồn sáng phương Nam. Tác phẩm ghi dấu ấn của nhà văn Trần Văn Tuấn trong thể loại trường ca vừa được NXB Quân đội Nhân dân phát hành.

Bài thơ đầu tiên của nhà văn Trần Văn Tuấn viết năm 1978, Về một sự thật nói về chiến tranh biên giới Tây Nam. Lần đầu tiên có một tác phẩm đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội ở vị trí như một bài xã luận. Bài thơ có sức lan tỏa rộng. Đoàn văn công Quân khu 7 lúc bấy giờ đưa vào dàn dựng, ngâm thơ trở thành một tác phẩm chính, được biểu diễn nhiều lần trong những chương trình văn nghệ cho chiến sĩ và người dân xem. Nhiều khán giả rơi nước mắt khi nghe nghệ sĩ Đình Văn diễn ngâm bài thơ này.

Trường ca Nguồn sáng phương Nam được viết theo một mạch tự nhiên, dẫn dắt từ thời chiến tranh cho tới những tháng năm TPHCM trong thời bình, trong dịch Covid-19… Dù trong hoàn cảnh nào, gian truân, vất vả hay yên ả, phát triển thì vẫn đan xen bên tâm trạng nhớ thương luôn là sự mong đợi, hướng tới âm hưởng chung là nhìn thấy ánh sáng phía trước, là ấm áp của tình người dẫn lối.

Nhà văn Trần Văn Tuấn cho rằng, khác với việc sáng tác một bài thơ, hay một câu thơ - có thể hay xuất thần nhờ “trời cho”, với thể loại trường ca, tác giả phải tự mình lao tâm khổ tứ suốt chiều dài, chiều rộng tác phẩm mới có thể làm nên sức sống cho tác phẩm của mình. Vì thế, không khó hiểu khi có những trường ca được ấp ủ hàng chục năm, tác giả càng nén chặt cảm xúc thì càng có những tứ thơ ưng ý. Trong Nguồn sáng phương Nam, tác giả không cố gắng làm mới, không thiên về kỹ thuật sáng tác mà để chiều sâu tâm trạng dẫn dắt mình đi. Chính điều này làm nên sự cuốn hút của tác phẩm, giúp tìm được sự đồng cảm của độc giả.

Tác giả Trần Văn Tuấn khéo léo chọn ra những hình ảnh: Người thầy mở lớp khai trường đi tìm học sinh chỉ gặp hố bom chồng chất, người mẹ cắt dây rốn cho con bằng liềm cắt cỏ, tiếng khóc của đứa bé mới sinh bị bom vùi, là những chàng trai cô gái hẹn hò cất tiếng hát bên đường 15 đất thép Củ Chi, chung lòng đào hầm đánh giặc, để vẽ nên chân dung thành phố phương Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng hướng về phía nguồn sáng yêu thương và hy vọng.

Nguồn sáng phương Nam thể hiện một nguồn kiến thức phong phú, một sự sâu sắc về tâm trạng của tác giả. Không đánh bóng câu chữ, không gọt giũa thành vần, chính những mộc mạc, tình yêu mà tác giả gửi gắm trong từng ý tứ, câu chữ khiến độc giả thấy rất rõ chữ tình. Cái tình của một người yêu từng lời ru tiếng hát của mẹ, yêu ca dao tục ngữ, vốn quý dân gian. Cái tình của một người sẵn sàng vào sinh ra tử, cầm súng và cầm bút chiến đấu. Cái tình của một “người về già” đi đến dốc cuối cuộc đời mang nhiều tâm sự, ngoảnh đầu nhìn lại với những chiêm nghiệm rất đỗi nhẹ nhàng mà đầy sâu sắc khi ngẫm về trời, đất, cuộc đời, tuổi xuân: Trời sinh ra nhiều phương lắm hướng/ Đất có nhiều mùa xuân, hạ, thu, đông/ Người sống trong trời đất/ Chỉ sống có một lần/ Và một mùa tuổi xuân.

Tin cùng chuyên mục