Từ nhiều năm nay, người dân khá quen thuộc với từ “biến đổi khí hậu” “nước biển dâng”. Các cơ quan chức năng như Bộ TN-MT, Bộ KH-CN, Bộ NN-PTNT và nhiều ngành liên quan cũng đã liên tục cập nhật, đưa ra các mô hình dự báo về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong vòng 30 - 50 - 100 năm tới, có cả “kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu”. Cũng chính bởi một kịch bản “dài hơi” được vẽ ra như vậy, nên nhiều người có tâm lý coi nhẹ, xem chuyện này là xa vời. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, biến đổi khí hậu không nguy hiểm bằng các sự cố, thảm họa thiên tai như động đất, sóng thần, núi lửa…
Nhưng sự thật, các dấu hiệu của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã bắt đầu cận kề, hiển hiện trong cuộc sống. Các trận lũ lụt, bão lốc kỷ lục đã xảy ra ngay trên nhiều vùng miền nước ta và các nước trong khu vực. Số liệu quan trắc về những đợt hạn hán trên các sông ở Bắc bộ, Trung bộ đã được ghi nhận ở mức kỷ lục trong vòng 100 năm qua.
Còn theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, số cơn bão hàng năm tăng lên so với trung bình nhiều năm, cường độ bão cũng mạnh hơn. Trước đây, cường độ các cơn bão thông thường chỉ cấp 12 - 13 nhưng hiện nay, nhiều cơn bão có cường độ lên tới cấp 16 - 17, vượt cả thang bão. Đồng thời, đường đi của các cơn bão cũng đang trở nên dị thường, không còn theo quy luật như trước, gây khó khăn cho công tác dự báo bão.
Các dấu hiệu về nước biển dâng cũng đã rõ dần. Tại TPHCM và ĐBSCL, liên tục trong những năm gần đây đều xảy ra hiện tượng triều cường. Tại nhiều nơi, bà con khẳng định đã xảy ra tình trạng ngập lụt chưa từng có trong suốt 40 - 50 năm qua. Về mùa khô, các dòng sông ở Đông Nam bộ và ĐBSCL bị xâm mặn, có nơi mặn xâm nhập sâu tới 40 - 60km, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và trồng trọt. Mới đây, chính quyền các địa phương còn xác nhận, hiện tượng xâm mặn không chỉ ở Nam bộ mà còn xảy ra cả ở khu vực ven biển Trung bộ và đồng bằng Bắc bộ.
Gần đây, ở miền núi phía Bắc, dọc dải phía Tây miền Trung, vùng ĐBSCL và nhiều địa phương khác nữa liên tục gặp hiện tượng hoa nở trái mùa hoặc nở sớm hơn quy luật thông thường. Nguyên nhân cũng do nền nhiệt độ thay đổi nên nhịp sinh trưởng của cây trồng cũng biến đổi theo. Sự biến đổi về sinh trưởng của cây trồng đang ảnh hưởng tới năng suất, thói quen gieo trồng của bà con, gây thiệt hại nặng nề về nông nghiệp. Ở trên biển, bà con ngư dân nói rằng, sự thay đổi các luồng hải lưu còn làm nhiều loài hải sản biến mất, sản lượng cá ít dần. Trong khi đó, các nhà khoa học đều chung nhận định, sự tác động của biến đổi khí hậu tới cuộc sống và hoạt động của con người trong những năm tới còn nặng nề hơn nữa. Nước biển dâng sẽ đe dọa hàng triệu hécta đất trồng lúa nước, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt ở vùng ĐBSCL.
Vì vậy, ngay từ bây giờ, cơ quan chức năng và cả người dân phải chủ động các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai, thảm họa gây ra. Mặt khác, cần nâng cao nhận thức và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu để hạn chế tác động tiêu cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Cần thực thi bằng được các quy định về bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên. Bên cạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các hành động ứng phó, cũng cần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của nhà nước về các chương trình, dự án thích ứng biến đổi khí hậu. Hành động cụ thể, dễ hiểu là tham gia trồng rừng ngập mặn ven biển, trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn, giảm thiểu các dự án gây ô nhiễm môi trường, hạn chế các hoạt động phát thải khí nhà kính, sử dụng nguồn nhiên liệu sạch… Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu do Chính phủ ban hành đã nêu rõ biến đổi khí hậu có ý nghĩa sống còn, cần huy động sự tham gia của cả xã hội vào công cuộc ứng phó.
Trần Phúc