Trong vòng 1 tuần, trong làng có 2 người treo cổ tự tử nên hàng chục hộ dân đồng bào Cơ Tu sống tại thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) đồng loạt đập phá nhà cửa và bỏ làng ra đi vì tin có... ma!
Hoang vắng
Vượt gần 100km đường dốc vòng vèo, chúng tôi có mặt tại thôn Bút Tưa. Dẫn vào làng là con đường bê tông rộng 4m, hai bên bìa rừng xanh mướt. Ngôi làng cách quốc lộ 14G chừng chưa đầy 1km nhưng vắng bóng người qua lại. Ngôi làng chừng chục nóc nhà nhưng đa số bị đập phá tan hoang. Những mảng tường xây bằng gạch bị xô ngã, chung quanh là mái lợp, gỗ, cầu thang… vứt chỏng chơ như vừa trải qua một trận thảm bom. Những nền gạch men sáng mới rộng cả trăm mét vuông vẫn còn nguyên vẹn. Những cây cột nhà ốp men đứng chỏng chơ chọc thẳng lên trời. Tất cả minh chứng một ngôi làng với nhà cửa khang trang vừa bị xóa sổ. Con đường bê tông dẫn vào làng bị rào bởi nhiều nhánh gai rừng và cây xương rồng. Cả làng bao trùm một sự hoang vắng đến lạnh người.
Cách ngôi làng đổ nát một quãng đồng chừng vài trăm bước chân về hướng Tây còn 3 ngôi nhà có người ở. Chị A Lăng Pới (35 tuổi), một trong 3 hộ còn ở lại tổ 1 thôn Bút Tưa, chỉ tay về ngôi làng đổ nát cho biết: “Họ bỏ đi hết rồi. Mình ở bên này nghe đồn cũng sợ lắm, nhưng phải ở lại vì không có tiền dời nhà”. Cách nhà chị Pới vài mươi bước chân, ông A Lăng Tềnh (90 tuổi) đang lụi cụi ăn cơm cùng mấy đứa cháu nhỏ. Ông bảo: “Họ bỏ làng đi, tôi ngăn nhưng không ai nghe cả. Họ đi, mấy đứa con tôi cũng hoảng sợ đi theo, chỉ còn tôi ở lại đây thôi. Ban ngày, mấy đứa cháu nhớ nhà nên quay về nhưng cũng phải rời đi trước khi trời tối. Tôi già rồi, không còn sợ con ma nữa”.
Nguy cơ tái nghèo
Sự việc bắt đầu khi trong làng liên tiếp xảy ra 2 vụ treo cổ. Trước tết vài ngày, không biết lý do gì, A Lăng Tròn treo cổ tự tử. Đến mùng 4 Tết, A Lăng Nghĩa cũng đột ngột treo cổ tự tử. Dân làng cho rằng, cái chết của Tròn và Nghĩa là do con ma nó mở mắt (sống dậy - PV) trừng phạt. Vì thế, từ mùng 9 Tết, người dân tự tay đập bỏ những ngôi nhà khang trang rồi cuốn gói chạy sang ngôi làng phía dưới, cách làng cũ vài cây số che lều sống tạm.
Điều đáng nói, người dân bỏ làng đi chỉ đem theo một số vật dụng đơn sơ, còn đa phần bỏ lại ở làng cũ vì “sợ mang theo con ma cũng đi theo”. Chính vì vậy, nguy cơ tái nghèo của đồng bào nơi đây là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam), cho biết: Do tin vào ma quái nên đồng bào bỏ làng đi gây xáo trộn đời sống yên bình ở địa phương. Sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp với các hội, đoàn thể đến vận động, tuyên truyền. Tuy nhiên, dân làng nhất quyết ra đi nên UBND huyện chỉ đạo lực lượng dân quân và Đoàn Thanh niên giúp bà con dựng nhà tạm để tránh rét và sớm ổn định đời sống. Hiện đang vào mùa rẫy nên UBND huyện đang nỗ lực vận động bà con sớm ổn định, làm ăn trở lại. Và chuyện tái nghèo đối với 16 hộ dân nơi đây là không tránh khỏi
Nguyên Khôi