(SGGPO).- Nguy cơ tham nhũng nảy sinh giữa doanh nghiệp và cán bộ công chức trong các dự án phát triển hạ tầng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân và đang ngày một tăng cao trong quá trình thực hiện đối tác công – tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác tài nguyên.
Các đơn vị khai thác khoáng sản thường chú trọng đến lợi nhuận, ít quan tâm đến bảo vệ môi trường.
Nhận định trên được đưa ra tại cuộc tọa đàm chuyên đề “Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai: Nghiên cứu trường hợp và hàm ý chính sách”, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức sáng nay, 8-12.
Theo TS Nguyễn Văn Thắng, đại diện nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế quốc dân, có hai trục cơ bản thúc đẩy tham nhũng tài nguyên đất đai, đó là khoảng trống chính sách (nhất là đối với cán bộ, chính quyền địa phương) và sự cấu kết giữa các nhóm lợi ích (nảy sinh mạnh trong điều kiện chức năng “công” và “tư” không rõ ràng, nhiều dấn hiệu “công hữu, tư dụng”).
Trên cơ sở phân tích các tình huống được lựa chọn nghiên cứu (2 dự án về xây dựng đô thị; cải tạo chợ đô thị, khai khoáng và quản lý đất đai trong xây dựng nông thôn mới mỗi lĩnh vực một dự án), nhóm nghiên cứu cho biết, các dự án này không đáp ứng nguyện vọng của người dân về bản chất dự án và chính sách bồi thường; bảo vệ và khôi phục môi trường.
Riêng dự án nông thôn mới đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng nhưng lại không đáp ứng yêu cầu chính sách và kỳ vọng của chính quyền cấp trên (huyện và tỉnh).
Trong những tồn tại được chỉ ra, đáng lưu ý là cộng đồng không được tham vấn hoặc chỉ được tham vấn một cách hình thức.
Từ đó, các nhà nghiên cứu khuyến nghị thiết lập cơ chế đề cao trách nhiệm tích cực tiếp cận ý kiến công dân; sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng theo hướng kiểm soát tốt hơn sự cấu kết giữa các nhóm lợi ích, sớm hoàn thiện, ban hành Luật về Hội; hướng tới xây dựng văn bản luật về vận động hành lang…
ANH PHƯƠNG