Nguy hiểm ở những bến đò ngang

Đặc thù của vùng Đông Nam bộ là có nhiều sông ngòi, sông suối, kênh rạch chảy qua và nhiều năm nay các bến đò tự phát hình thành để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nhưng chưa bảo đảm các quy định về an toàn giao thông đường thủy, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn chết người.

Đặc thù của vùng Đông Nam bộ là có nhiều sông ngòi, sông suối, kênh rạch chảy qua và nhiều năm nay các bến đò tự phát hình thành để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nhưng chưa bảo đảm các quy định về an toàn giao thông đường thủy, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn chết người.

Tại Bình Phước, huyện Bù Gia Mập hiện có gần 20 bến đò hoạt động đưa rước người dân qua lại làm ăn trên các lòng hồ thủy điện Thác Mơ, thủy điện Cần Đơn... Nhu cầu di chuyển bằng đò trên lòng hồ thủy điện thác Mơ, thủy điện Cần Đơn, đi lại hai bên bờ sông Đồng Nai của người dân các huyện Bù Gia Mập, Bù Đốp, Bù Đăng là rất lớn. Vào thời điểm thu hoạch mùa màng ở vùng nông thôn, mỗi ngày, trải dài từ sáng tới tối, có đến hàng trăm chuyến đò chở khách và hàng hóa, nông sản qua lại trên lòng hồ. Bà con nông dân cho hay, nếu di chuyển bằng xe máy, hay bắt xe khách thì cung đường di chuyển sẽ rất xa, vừa tốn tiền, tốn thời gian mà chở nông sản cũng rất khó. Nhưng điều đáng nói là tất cả những bến đò này đều trong tình trạng “4 không”: không có biển kiểm soát, không kiểm định an toàn kỹ thuật, không trang bị phao cứu sinh, không có hệ thống phòng chống cháy nổ, đệm chống va, đèn chiếu sáng ban đêm. Và điều nguy hại, các bến đò tự phát này không được các cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động. Một số chủ đò có chứng chỉ chuyên môn người lái phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận phương tiện kỹ thuật nhưng cái cần thiết nhất là giấy phép hoạt động của bến đò thì chưa có. Biết việc đưa đò này là không đúng pháp luật, thế nhưng những chủ đò ngày ngày vẫn hoạt động, đưa khách sang sông.

Còn trên địa bàn TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng có khá nhiều bến đò tự phát. Đơn cử như tại phường 12 có 4 bến: bến đò Hải Đăng, bến lên xuống hàng hóa tại khu vực nhà thờ Hải Đăng, bến đò trước số 140 Chi Lăng và bến ghe Nam Bình. Đặc biệt, tại xã đảo Long Sơn có 7 bến đò tự phát của các bè hàu và nhà hàng nổi. Các bến này là nơi neo đậu của các phương tiện vận chuyển hành khách từ bờ ra các bè hàu trên sông và một số phương tiện đánh bắt thủy sản. Cách TP Vũng Tàu không xa, trên địa bàn huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng có 3 bến đò tự phát từ nhiều năm nay, gồm: bến tại ấp Phước Long (xã Tân Hòa); bến đò trên luồng sông Thị Vải, ấp Ông Trịnh (xã Tân Phước); bến đò tại cầu Rạch Ngã Tư (xã Tân Phước). Theo Thanh tra giao thông (Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), các phương tiện hoạt động ở các bến đò tự phát trong tỉnh đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy vì thông thường đò di chuyển gần, có khi chỉ chừng 15 phút là cập bến nên người dân hầu như không mặc áo phao.

Nêu lên thực trạng trên, bởi lúc này đang là cao điểm mùa mưa ở Nam bộ, nước trên các sông, suối có thể dâng cao, lũ có thể xuất hiện bất ngờ. Thực tế cho thấy việc phòng ngừa tai nạn là không thừa vì trong vài năm trở lại đây đã có những vụ tai nạn giao thông đường thủy thương tâm xảy ra do những chiếc đò gỗ nhỏ của người dân tự trang bị không đảm bảo an toàn, khi gặp phải những cơn gió to và sóng lớn trên lòng hồ, nơi cửa biển.

Vấn đề đặt ra hiện nay là chính quyền các cấp trong vùng Đông Nam bộ cần tăng cường quản lý nhà nước theo hướng tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép, đi đôi với kiểm tra, giám sát hoạt động ở các bến đò nhằm hạn chế những tai nạn đáng tiếc trên sông nước trong mùa mưa bão mỗi năm.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục