
Tại đêm nhạc cổ điển Toyota vừa được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, bên cạnh những giọng ca nổi tiếng thế giới, dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng danh tiếng người Áo Siegfried Andraschek, giọng soprano Bích Thủy tự tin và chững chạc đã thực sự làm cho người yêu opera Việt Nam tự hào… Nhân dịp này, SGGP 12 Giờ đã gặp gỡ với Bích Thủy.
- PV: điều gì đã dẫn dắt Bích Thủy tới môn nghệ thuật có nhiều đòi hỏi khắt khe này?

- Ca sỹ Nguyễn Bích Thủy: Xuất thân trong gia đình không liên quan tới nghệ thuật, việc Thủy học hát ban đầu chỉ vì thích hát và tin rằng mình hát… nghe được. Nhưng để được như ngày nay, được may mắn là một trong số ít người theo đuổi được dòng nhạc này Thủy thấy rằng đây thực sự là cơ duyên.
Ban đầu, Thủy không hề biết opera là gì hết mà chỉ tập luyện và nỗ lực. Sự khác biệt chỉ lộ rõ qua những lần thi học kỳ. Bốn năm học trung cấp có 16 lần thi. Mỗi lần thi là một lần Thủy khóc hết nước mắt.
Nếu các bạn cùng cấp với mình hát ngày càng hay, mượt mà thì phần thi của Thủy luôn gây “sốc” nhất với kiểu hát chéo véo chẳng giống ai. Và câu nhận xét: Thủy ơi, em có giọng “quạ mi” chứ không phải “họa mi” đâu! đã từng khiến Thủy nghĩ tới việc thôi hát.
Nhờ có cô Mỹ Bình (người từng đào tạo diva Thanh Lam, Mỹ Linh...) và thầy là GS.NSND Trung Kiên luôn tin tưởng vì thế Thủy mới có thể tiếp tục kiên định theo đuổi sự nghiệp opera.
- Nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật opera ở Việt Nam không nhiều, những người theo đuổi opera được công chúng biết đến như một nghệ sĩ opera đích thực lại càng ít. Đã lúc nào Bích Thủy có ý định thử sức mình với những dòng nhạc khác?
- Quả thật, trong nước hiện nay opera chưa có nhiều khán giả, người hát opera cũng ít có cơ hội được thể hiện. Do đó, việc ca sĩ có chất giọng hay được đào tạo opera trong nhà trường nhưng sau đó lại phát triển sang các dòng nhạc khác cũng không phải là chuyện lạ. Việc chuyển đổi này một phần do quan điểm, định hướng nghề nghiệp song cũng không thể phủ nhận yếu tố kinh tế cũng ảnh hưởng đôi chút tới quyết định lựa chọn.
Song, Thủy nghĩ rằng, kỹ thuật hát opera là nền tảng cho các kỹ thuật thanh nhạc khác. Nếu bạn nắm thật chắc nền tảng này rồi thì khi ấy bạn sẽ làm chủ được giọng của mình và cũng không quá khó khăn để chuyển sang hát tốt các dòng nhạc khác.
Nhưng, trong thời điểm này, Thủy vẫn xác định mục đích chính là giảng dạy và ước mơ xa hơn là có thể nắm thật chắc kỹ thuật opera để truyền đạt lại cho học sinh với hy vọng những hạt nhân cho nền âm nhạc thính phòng của Việt Nam một cách bài bản, chuyên nghiệp. Thủy nghĩ, khi có những người thầy chuyên nghiệp sẽ có học sinh tài năng và có nhiều khán giả yêu và đánh giá đúng giá trị của opera ở Việt Nam.
- Liệu hy vọng của Thủy có thành sự thật, khi thực tế tâm lý phần lớn học sinh bây giờ rất nôn nóng thể hiện mình trước công chúng trong khi nghệ sĩ opera chỉ thực sự tỏa sáng ở tuổi trung niên?
- Vẫn biết là vậy, song đào tạo nghệ thuật chỉ tâm huyết thôi chưa đủ, đôi khi như là cái duyên. Hồi ấy, Thủy không gặp cô Mỹ Bình, thầy Trung Kiên, chắc cũng khó mà kiên trì độc hành trên con đường vừa dài, vừa rộng lại vô cùng thưa thớt người này. Do vậy, Thủy vẫn không ngừng hy vọng…
-Nguyễn Bích Thủy sinh năm 1978. Lấy bằng thạc sĩ tại Hàn Quốc đầu năm 2008. -Hiện là giảng viên thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia VN -Giải nhất cuộc thi Opera quốc tế (năm 2002 tại Thái Lan); Bằng khen của UBND TP Hà Nội về những thành tích xuất sắc trong học tập và biểu diễn; là một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu của năm 2003; đoạt giải “Người thể hiện bài hát Trung Quốc xuất sắc nhất” và bằng khen của BTC Cuộc thi concours quốc tế Thanh nhạc lần thứ 4 (Trung Quốc, tháng 10-2008). -Từng đi biểu diễn ở Nga, Lào, Thái Lan với các bản aria, romance trong các tác phẩm kinh điển của các tác giả lừng danh thế giới: W.A.Mozart, Leo Dilibes, Johann Strauss, V.Bellini, G.Donizetti... Các vai diễn đáng chú ý: Nữ hoàng bóng đêm (vở Magic Flute của W.A.Mozart, Gilda (trong vở Rigoletto của G.Verdi). |
Vĩnh Xuân (thực hiện)
(SGGP 12G)