Nguyễn Khuê và tình yêu di sản của tiền nhân

Giáo sư Nguyễn Khuê là nhà trí thức tài năng với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về văn học Hán Nôm và là nhà sư phạm nghiêm cẩn, mực thước đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ sinh viên. Vừa qua, lễ mừng thọ 80 tuổi của ông đã được tổ chức trang trọng trong tình cảm ấm áp của nhiều thế hệ đồng nghiệp và học trò dành cho ông tại Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Nhân dịp này Tuyển tập nghiên cứu và sáng tác của Nguyễn Khuê cũng được ra mắt.
Nguyễn Khuê và tình yêu di sản của tiền nhân

Giáo sư Nguyễn Khuê là nhà trí thức tài năng với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về văn học Hán Nôm và là nhà sư phạm nghiêm cẩn, mực thước đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ sinh viên. Vừa qua, lễ mừng thọ 80 tuổi của ông đã được tổ chức trang trọng trong tình cảm ấm áp của nhiều thế hệ đồng nghiệp và học trò dành cho ông tại Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Nhân dịp này Tuyển tập nghiên cứu và sáng tác của Nguyễn Khuê cũng được ra mắt.

Miệt mài với những giá trị của người xưa

Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, Tương An quận vương Miên Bửu là ba người con thứ 10, 11, 12 của vua Minh Mạng thời nhà Nguyễn. Đây cũng là ba hoàng tử nổi tiếng giỏi văn chương, để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, nếu như sau này hai người anh là Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương hay được nhắc đến, đặc biệt là qua câu đối “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán/ Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường”, thì Tương An quận vương bị lãng quên.

Từ năm 1970, qua công trình nghiên cứu, dịch thuật, biên khảo công phu Tâm trạng Tương An quận vương qua thi ca của ông, tác giả Nguyễn Khuê đã vén bức màn phủ bụi thời gian để soi rọi, trả lại cho nền văn học chân dung cuộc đời và sự nghiệp tương đối hoàn chỉnh của một nhà thơ tiêu biểu của dân tộc. Năm 2005, công trình có giá trị và đầy đủ này về Tương An đã được Nhà xuất bản Văn Nghệ tiếp tục ấn hành.

Nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Khuê (thứ 4 từ trái sang) cùng đồng nghiệp Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM

Sự trân quý của Nguyễn Khuê đối với di sản tiền nhân còn thể hiện qua những công trình khảo cứu dịch thuật khác như: Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Phật học trung đẳng, Tùy Dượng đế diễm sử, Chân dung Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân Am thi tập, Văn học Hán Nôm ở Gia Định - Sài Gòn, Khổng Tử - chân dung, học thuyết và môn sinh, Luận lý học Phật giáo,… “Nghiên cứu Hán Nôm là lĩnh vực ông dồn nhiều công sức và có nhiều đóng góp quan trọng. Phong cách nghiên cứu của ông là nghiêm cẩn, khoa học và trọng tư liệu. Các vấn đề mà ông trình bày bao giờ cũng tường tận, ngọn ngành, rõ ràng, khúc chiết. Những nghiên cứu và biên dịch của ông về Khổng tử, Phật giáo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tương An quận vương, Hồ Biểu Chánh,… là những đóng góp quan trọng của ông với học thuật nước nhà, sẽ tồn tại mãi với thời gian” - PGS-TS Đoàn Lê Giang đã nhận định trong bài Nhà giáo, học giả, nhà thơ Nguyễn Khuê.

Giáo sư Nguyễn Khuê sinh quán tại làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, từng học Trường Quốc học Huế, sau đó vào học Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông tốt nghiệp Cử nhân giáo khoa Việt Hán, Thạc sĩ văn chương Việt Hán và học xong năm thứ nhất Tiến sĩ chuyên khoa Hán văn, chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ nhưng rồi dở dang vì sự kiện mùa xuân năm 1975. Chính luận án này về sau ông xuất bản thành công trình nghiên cứu Nguyễn Bỉnh Khiêm qua Bạch Vân Am thi tập vào năm 1991. Từ năm 1969 - 1975, Nguyễn Khuê làm giảng sư Đại học Văn khoa Sài Gòn, thỉnh giảng Đại học Vạn Hạnh và Đại học Văn khoa Cần Thơ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông giảng dạy Hán Nôm và là Trưởng bộ môn Hán Nôm của Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TPHCM, nay là Khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM. Vừa giảng dạy vừa nghiên cứu văn học và văn hóa, ông đã vượt qua mọi hoàn cảnh, có những đóng góp đáng ghi nhận cho nền giáo dục và khoa học nhân văn.

Người thầy nghiêm khắc và hết mình với học trò

Ai đã từng học thầy Nguyễn Khuê đều cảm nhận ở ông một sự tận tụy hết mình trong từng tiết dạy, nghiêm ngắn trong từng nét chữ, sâu sắc trong từng lời bình giảng, nhẹ nhàng trong từng cử chỉ ứng xử với sinh viên. Lúc nào trang phục cũng chỉnh tề, mái tóc ngắn chải óng mượt, gương mặt nghiêm nghị, bước đi ung dung, luôn luôn đúng giờ, Nguyễn Khuê là hình ảnh của một nhà giáo mẫu mực, vừa cổ điển vừa hiện đại, vừa thu hút vừa e sợ đối với học trò!

Ai cũng biết tầm quan trọng của ngành Hán Nôm đối với nền văn hóa dân tộc, nhưng không phải ai cũng đủ khả năng và tâm huyết theo đuổi cái ngành đầy chông gai này. Có khóa không đủ sinh viên đăng ký để hình thành lớp học Hán Nôm. Có khóa thầy cô và các bạn sinh viên tìm cách thuyết phục lẫn nhau mới đủ số người đăng ký cho lớp học nhưng cũng sớm rơi rụng dần. Đó là chưa kể nhiều sinh viên Hán Nôm ra trường bị thất nghiệp, phải chuyển sang kiếm sống bằng những nghề không phải sở học. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì của những người thầy như Nguyễn Khuê đã giữ được ngọn lửa tình yêu không bao giờ tắt đối với ngành Hán Nôm ở phía Nam, đào tạo nên những đội ngũ tiếp nối nhau nghiên cứu, truyền thụ vốn văn học cổ điển của Việt Nam và Trung Quốc. Có thể kể đến những gương mặt sáng giá do ông góp phần đào tạo nên như Huỳnh Chương Hưng, Đoàn Lê Giang, Nguyễn Nam, Nguyễn Ngọc Quận, Đoàn Ánh Loan, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Văn Hoài, Lê Quang Trường, Nguyễn Đình Phức, Nguyễn Đông Triều, Vũ Thị Thanh Tâm, Phan Thu Vân, Bùi Thị Thúy Minh,…

Trong lễ mừng sinh nhật 80 của thầy Nguyễn Khuê nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua, nhiều thế hệ học trò từ các nơi đã tụ hội về chúc thọ ông. Tuổi cao nhưng sức khỏe ông vẫn tốt, trí tuệ minh mẫn. Nghỉ hưu nhưng ông vẫn tiếp tục nghiên cứu văn học Hán Nôm và sáng tác thơ. Ngoài những công trình biên khảo, dịch thuật ông còn xuất bản 3 tập thơ: Hương trời xa bay (1998), Cõi trăm năm (2002) và Trăm năm là cuộc lãng du (2005). Ông làm thơ từ khi còn đi học. Thơ là người bạn đường tri kỷ lặng lẽ của ông. Khi không thể bày tỏ được nỗi lòng mình bằng tư cách nhà giáo hay nhà nghiên cứu thì ông lại gửi gắm vào thơ. Như trong bài thơ Giã từ bến sông đầy tâm sự ông viết:

“Ông lái đò suốt một đời chở khách
Trên sông đưa lớp lớp người qua
Chợt một hôm soi mình mặt nước
Thấy mái đầu đã tuyết sương pha

Rồi một chiều từ giã bến sông
Bên bờ để lại chiếc thuyền không
Hoàng hôn tím ngát trên sông lạnh
Mây trắng trời cao thanh thản trông…”


PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục