Năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu cam kết hội nhập ASEAN về 0%, các doanh nghiệp (DN) sản xuất ô tô trong nước đứng trước rất nhiều thách thức, khi khả năng cạnh tranh của ngành ô tô trong nước vẫn còn yếu và bất cập. Bởi 80% - 90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện ô tô như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa... vẫn đang phải nhập khẩu và chịu thuế xuất nhập khẩu theo quy định. Chính sự phụ thuộc vào nguyên liệu để sản xuất là một nguyên nhân làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của ô tô sản xuất tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy, giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam hiện đang cao hơn 20% so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia... Nguyên nhân, theo Bộ Khoa học và Công nghệ là do trình độ công nghệ của phần lớn các DN sản xuất sản phẩm hỗ trợ ô tô ở nước ta chỉ mới đạt mức trung bình so với khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới. Các nhà đầu tư nước ngoài nhận định rằng, năng lực của các DN sản xuất phụ tùng linh kiện trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn rất non kém, chưa đủ điều kiện cũng như chất lượng để các đối tác nước ngoài quan tâm và cùng nhau thỏa thuận. Khoảng cách công nghệ cũng như vốn mà họ bỏ ra để đầu tư quá lớn. Đây chính là những cản trở đẩy xa các DN nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam để sản xuất phụ tùng linh kiện ô tô.
Không dừng lại đó, trình độ DN sản xuất sản phẩm hỗ trợ còn thấp, đặc biệt là các DN trong nước. Hầu hết các DN sản xuất sản phẩm hỗ trợ trong nước là trình độ công nghệ bậc 1, chỉ có một vài doanh nghiệp của Thái Lan, Đài Loan là bậc 2 và của Nhật Bản là có trình độ bậc 3. Điều này dẫn đến một hệ quả tất yếu là cơ cấu sản phẩm hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô chỉ dừng lại ở những linh kiện giản đơn như pin, lốp, ghế, dây điện, ăng ten... Đối với các cơ sở nội địa nguyên nhân chủ yếu là do các DN này đi lên từ các nhà máy sửa chữa và lắp ráp cơ khí, nên trình độ hầu hết ở mức trung bình, thậm chí là thấp. Hiện nay, các DN hỗ trợ vẫn là những DN vừa và nhỏ, thiết bị lạc hậu, chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với chất lượng kém. Ngoài ra, các nhà sản xuất phụ tùng ô tô chỉ tập trung vào các sản phẩm thâm dụng lao động và công nghệ còn thấp nên sản phẩm phụ tùng ô tô sản xuất trong nước không được đa dạng hóa.
Về nguyên vật liệu sản xuất, phần lớn vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nên phải chịu thuế xuất nhập khẩu theo quy định. Điển hình như thép là nguyên vật liệu chủ yếu cấu thành nên phụ tùng kim loại ô tô. Thế nhưng, ở Việt Nam các vật liệu như thép tấm, thép hình, thép đặc biệt… để làm phụ tùng nội địa hóa trong nước vẫn chưa được chế tạo. Theo ông Kazuhino Yamana, Tổng Giám đốc Vinastar, với điều kiện cụ thể về vốn, chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ hiện nay, các DN nên chọn những phụ kiện sản xuất với quy mô vừa và nhỏ để phát triển công nghiệp hỗ trợ…
Đại diện Hiệp hội Cơ khí, điện TPHCM cho rằng, ngoài việc xác định khả năng sản xuất của mình, Chính phủ cần gấp rút sửa đổi những quy định bất cập vốn đã tồn tại hơn 10 năm qua và đang làm kiệt sức DN sản xuất ngành cơ khí nói chung. Tập trung chủ yếu vào vấn đề DN cơ khí vẫn phải đóng thuế 5% sản phẩm sản xuất bán ra thị trường, trong khi sản phẩm nhập khẩu được hỗ trợ 0% thuế nên có giá thành rẻ. Có như vậy mới vực được, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tận dụng tối đa lợi thế thu hút DN có vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tại Việt Nam.
MINH XUÂN