Nhà đầu tư khốn khó

Vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL) đã có đơn “kêu cứu” gửi lãnh đạo TP Đà Nẵng, các cơ quan chức năng và Báo SGGP về việc bến xe khách liên tỉnh phía Nam hiện đại, trị giá hàng trăm tỷ đồng bỏ hoang 2 năm qua vì… cơ chế.
Nhà đầu tư khốn khó

Bến xe trăm tỷ bỏ hoang ở Đà Nẵng

Vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL) đã có đơn “kêu cứu” gửi lãnh đạo TP Đà Nẵng, các cơ quan chức năng và Báo SGGP về việc bến xe khách liên tỉnh phía Nam hiện đại, trị giá hàng trăm tỷ đồng bỏ hoang 2 năm qua vì… cơ chế.

Bến xe phía Nam được đầu tư hơn 130 tỷ đồng, khang trang, hiện đại nhưng bỏ hoang vì không có xe nào vào bến.

Bến xe phía Nam được đầu tư hơn 130 tỷ đồng, khang trang, hiện đại nhưng bỏ hoang vì không có xe nào vào bến.

Nguy cơ phá sản dự án

Trong đơn kêu cứu gửi Báo SGGP, Tập đoàn ĐLGL cho biết, thực hiện chủ trương kêu gọi đầu tư của TP Đà Nẵng và quy hoạch phát triển đô thị, trong đó có quy hoạch 2 bến xe phía Bắc và phía Nam để giảm áp lực giao thông cho đô thị, Tập đoàn ĐLGL tiên phong đăng ký đầu tư dự án Bến xe phía Nam TP Đà Nẵng. Bến xe phía Nam do Tập đoàn ĐLGL đầu tư có diện tích trên 63.000m2, nằm sát QL1A, có mức đầu tư trên 130 tỷ đồng với hệ thống các công trình phụ trợ như ga hành khách, trung tâm điều hành, trung tâm thương mại dịch vụ hiện đại bậc nhất hiện nay. Đến tháng 6-2012, Bến xe phía Nam chính thức đi vào hoạt động.

Thế nhưng, kể từ khi đưa vào hoạt động đến nay, Bến xe phía Nam bỏ hoang vì không có xe nào vào bến. Tập đoàn ĐLGL cho rằng, nguyên nhân dẫn đến không có xe nào vào là vì TP Đà Nẵng không tuân thủ quy hoạch, không thực hiện phân luồng, tuyến giao thông Nam - Bắc rạch ròi.

Do Bến xe phía Nam không đi vào hoạt động được nên không có khả năng trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng, hơn 30 lao động mất việc làm, công trình xuống cấp, nguy cơ dự án có thể phá sản gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế không riêng của doanh nghiệp mà của cả xã hội.

Doanh nghiệp kêu, chính quyền làm ngơ?

Bến xe hàng trăm tỷ đồng bỏ phế đứng trước nguy cơ xuống cấp, Tập đoàn ĐLGL đã có nhiều văn bản gửi đến lãnh đạo TP Đà Nẵng và các sở ngành liên quan và cả Bộ GTVT với mong muốn tháo gỡ khó khăn về cơ chế, đảm bảo cho Bến xe phía Nam hoạt động theo đúng quy hoạch. Tập đoàn ĐLGL cho rằng, lãnh đạo TP Đà Nẵng và Sở GTVT cần ra quy định phân luồng tuyến cụ thể. Theo đó, cần phải phân luồng tuyến xe đi các tỉnh phía Bắc tại Bến xe Trung tâm (nay quy hoạch được điều chỉnh, Bến xe Trung tâm thành Bến xe phía Bắc - PV), còn xe đi các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên thì chuyển về Bến xe phía Nam. Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp nhận và Bến xe phía Nam tiếp tục bị bỏ hoang.

Ông Phạm Anh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn ĐLGL cho rằng, UBND TP Đà Nẵng đang giải quyết vụ việc theo hướng phá vỡ quy hoạch, thực hiện không đúng theo Quyết định số 524/QĐ-UB ngày 24-1-2005 do chính UBND TP Đà Nẵng ban hành trước đó. Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng không đưa Bến xe Trung tâm Đà Nẵng ra phía Bắc quận Liên Chiểu để thành lập Bến xe phía Bắc; phân định tuyến xe phía Bắc, phía Nam theo đúng quy hoạch, mà ngược lại còn giao đất cho Công ty Vận tải và Quản lý Bến xe Trung tâm thuê đất 50 năm để tiếp tục kinh doanh dịch vụ. Điều này cho thấy sự khuất tất và không bình thường, làm cho doanh nghiệp đã khó nay càng khó và buộc lòng đơn vị phải đặt vấn đề không loại trừ đằng sau sự điều chỉnh của UBND thành phố đang bị chi phối bởi một “nhóm lợi ích” nào đó. Ông Phạm Anh Hùng cũng thẳng thắn cho rằng, nếu như Đà Nẵng không có cơ chế cho ĐLGL tháo gỡ những khó khăn tại Bến xe phía Nam thì tập đoàn sẽ chuyển giao lại cho UBND TP Đà Nẵng và xin hoàn lại vốn đầu tư.

Điều đáng nói, hiện nay nút giao thông Ngã ba Huế đang thi công nên tuyến đường chính bị cắt đứt, Sở GTVT phân luồng tạm thời cho xe khách có tuyến tại Bến xe Trung tâm chạy vào đường trong các khu dân cư chật hẹp gây bức xúc cho nhân dân sống trong khu dân cư và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Trong khi đó, Bến xe phía Nam bỏ trống nhưng Sở GTVT không phân luồng xe vào để giảm áp lực giao thông tại khu vực Ngã ba Huế khiến nhiều người cho rằng có “ưu ái” đặc biệt của Sở GTVT, UBND TP Đà Nẵng với Bến xe Trung tâm.

Trưa 27-2, trao đổi với PV Báo SGGP việc tại sao không tổ chức phân luồng tuyến xe Nam - Bắc cho hai bến xe phía Bắc và phía Nam, ông Nguyễn Xuân Ba, Phó giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho biết: Theo Luật Doanh nghiệp, Sở GTVT không có quyền ép doanh nghiệp (nhà xe) đăng ký ở bến xe nào mà việc đó hoàn toàn thuộc quyền của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp lựa chọn bến nào là hoàn toàn thuộc quyền của doanh nghiệp, sở không có quyền ép buộc.

Về câu hỏi tại sao áp lực giao thông tại khu vực Bến xe Trung tâm lớn mà Sở GTVT không phân luồng tạm thời xe khách vào Bến xe phía Nam trong thời gian xây dựng nút giao thông Ngã ba Huế, ông Ba cho rằng “sẽ suy nghĩ”. Tuy nhiên, ông Ba cũng cho rằng, việc phân luồng như thế cũng có lý nhưng không đủ lực lượng, xe buýt để phục vụ đưa đón hành khách (!?). Theo ông Ba, khó khăn hiện nay của Bến xe phía Nam là do Tập đoàn ĐLGL chưa khảo sát tập tính nhà xe, chưa nghiên cứu kỹ thị trường khi đầu tư xây dựng Bến xe phía Nam. Ông Ba cũng cho biết mình đã từng dự lường những khó khăn khi xây Bến xe phía Nam nhưng Tập đoàn ĐLGL không nghe nên mới gặp khó như hiện nay.

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục