Tuy nhiên, tính riêng hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 5.300 lượt, với tổng số tiền đạt 5,7 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, cả nước có gần 2.200 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới hơn 14 tỷ USD và có 840 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,5 tỷ USD. Trong đó, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được hơn 13,2 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài cũng tăng. Cụ thể, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt hơn 127 tỷ USD, chiếm hơn 71% kim ngạch xuất khẩu (nếu không tính dầu thô thì đạt 126 tỷ USD). Nhập khẩu đạt hơn 104 tỷ USD, chiếm 60% kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu hơn 23 tỷ USD (nếu trừ dầu thô thì xuất siêu gần 22 tỷ USD).
Tính đến nay, hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu vào 18 ngành, lĩnh vực; trong đó, đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được tổng vốn đầu tư 11,3 tỷ USD, chiếm 44,6% tổng vốn đầu tư đăng ký;
lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,8 tỷ USD, chiếm 23% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp đến là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,1 tỷ USD, chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Cả nước có 104 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, đứng đầu là Nhật Bản với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD (chiếm khoảng 28% tổng vốn đầu tư), tiếp đến là Hàn Quốc với 5,6 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 22,4%), Singapore đứng thứ ba với 3,6 tỷ USD (chiếm 14,4%)…