Người Việt Nam ở Nhật Bản

Nhà hàng Hương Việt ở Shinjuku (Tokyo)

HỒNG QUÂN - KHÁNH BÌNH
Nhà hàng Hương Việt ở Shinjuku (Tokyo)

Trong số gần 100 nhà hàng Việt Nam ở Tokyo hiện nay, chỉ có khoảng 10% do người Việt làm chủ. Một trong những nhà hàng Việt Nam nổi tiếng nhất là Hương Việt nằm trên đường Ichibangai, thuộc khu phố ăn uống sầm uất Kapokicho, quận Shinjuku. Chủ nhà hàng là một phụ nữ Việt Nam, chị Trần Thị Điệp.

Nhà hàng Hương Việt ở Shinjuku (Tokyo) ảnh 1

Chị Trần Thị Điệp (thứ hai từ trái sang) và các nhân viên Nhà hàng Hương Việt.

Mới 18 giờ chiều nhưng nhà hàng đã khá đông khách. Hầu hết họ đều là người Nhật. Aizawa và Sugata - hai cô gái Nhật chọn một chỗ ngồi khá đẹp, ngay gần cửa sổ. Đây là lần thứ 3 họ tới Nhà hàng Hương Việt. Aizawa cho biết: Cách đây không lâu, một người bạn trai đã từng ở Việt Nam giới thiệu với cô nhà hàng này.

Lần đầu tới đây, Aizawa thấy rất thú vị với món gỏi cuốn tôm và phở. Cô thích nhất là thứ nước chấm ăn với gỏi mà như lời cô là “tuyệt ngon, hơi chua chua, ngọt ngọt, rất hợp với khẩu vị của mình”. “Tôi ăn một lần hết 8 cuốn gỏi mà vẫn muốn ăn thêm” - cô cười vui vẻ. Bạn cô, Sugaga lại thích bánh xèo ăn với rau sống.

Nhìn hai cô gái Nhật ăn uống ngon lành, chúng tôi cũng thấy…đói bụng! Chủ nhà hàng, chị Trần Thị Điệp cho biết: Nhà hàng có gần 100 món ăn phong phú, mang hương vị Việt Nam như gỏi cuốn, phở, bún bò, tôm sốt chua cay, cua rang me… Có cả các loại bánh ít, bánh bò, giò thủ giò lụa, chả ram… Để có món ăn ngon miệng phục vụ khách, chị Điệp thường pha chế, nếm thử các món ăn mới, lạ.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều khách là người Nhật và Việt kiều từ nhiều nước trên thế giới đến quán chị thưởng thức xong đều tấm tắc khen ngợi. Nếm món nước sốt chấm gỏi cuốn, món bò sốt tương, tôm sốt chua cay… do chính tay chị pha chế, dù người khó tính nhất cũng phải gật gù. Cứ thế, người đến trước giới thiệu cho người đến sau về Nhà hàng Hương Việt. Thời gian gần đây, nhờ mở rộng giao lưu, người Nhật qua Việt Nam làm việc ngày càng nhiều, khi trở về Nhật, họ thường tìm đến Nhà hàng Hương Việt để thưởng thức những món ăn Việt Nam mà mình yêu thích.

Nhà hàng Hương Việt ở Shinjuku (Tokyo) ảnh 2

Biển quảng cáo Nhà hàng Hương Việt ở khu Shinjuku.

Để níu chân khách, chị Điệp thường sáng tạo ra các món ăn lạ, ngon miệng. “Một trong những yếu tố để món ăn ngon là phải có nước chấm ngon. Tôi thường bỏ ra nhiều giờ để pha chế, thử các loại nước chấm. Đặc biệt, nước chấm tôi làm thường không có mùi tỏi vì người Nhật không thích tỏi. Họ thích mùi vị của gừng hơn. Làm sao để khi ăn món Việt, người Nhật thấy hương vị lạ, ngon miệng nhưng vẫn gần với họ” - chị Điệp tâm sự.

Trong khi nhiều quán ăn Việt Nam chỉ tồn tại một thời gian ngắn vì không thể cạnh tranh nổi với các nhà hàng Nhật thì nhà hàng của chị Điệp ngày càng phát triển. Hiện nay, tại trung tâm thủ đô Tokyo, ngoài hai cơ sở chính của Hương Việt, chị Điệp đang chuẩn bị khai trương thêm một nhà hàng mang tên VietNam Garden có qui mô đón 160 khách. “ Người Nhật rất chú trọng khâu thẩm mỹ, trang trí món ăn. Họ không chỉ ăn bằng miệng mà còn ăn bằng mắt. Kinh doanh nhà hàng tại Nhật phải hiểu rõ điều này”.

Tuy đã khá thành công, nhưng chị Điệp cũng chân thành bộc bạch: “Mở nhà hàng ăn uống tại Nhật khó hơn nhiều lần so với các nước khác. Giá cả, nguyên vật liệu ở đây rất đắt đỏ. Người Nhật cũng rất khó tính trong ăn uống. Thời gian đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng rồi cũng qua. Muốn làm nghề này thành công, phải là người biết chịu cực”.

Suốt 7 tháng kể từ ngày khai trương Nhà hàng Hương Việt thứ hai, mỗi ngày chị Điệp thường chỉ ngủ 3 - 4 tiếng. Buổi sáng chị thức dậy sớm chuẩn bị nguyên liệu, tự tay làm những món ăn chính của nhà hàng và có mặt ở nhà hàng cho đến nửa đêm.

Là người gốc Huế, từ nhỏ chị Điệp đã được ăn nhiều món ăn ngon và cầu kỳ do mẹ chị nấu. Rất thích được tự tay nấu ngon như mẹ, chị thường vào bếp giúp bà những khi nhà có đám, tiệc. “Chế biến món ăn cũng như người nghệ sĩ. Phải đam mê và sáng tạo” - chị nói.

Ông Trần Quốc Cường, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản:
Bà con luôn hướng về Tổ quốc

Hiện nay ở Nhật có khoảng 21.000 người Việt sinh sống, trong đó có gần 5.000 người đã được phía Nhật cho định cư lâu dài.
 Hầu hết người Việt Nam tại Nhật Bản đều đăng ký cư trú theo đúng quy định của nước sở tại và làm ăn lương thiện, nhận được sự tin cậy, tôn trọng của người dân và chính quyền Nhật Bản. Bà con chủ yếu làm công ăn lương trong các công ty của Nhật Bản hoặc người nước ngoài tại Nhật. Một số trí thức có học vị, học hàm làm việc trong các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật, kinh tế, ngôn ngữ… Một số ít thành lập công ty làm ăn buôn bán trong nước.

Với chính sách mới của Đảng và Nhà nước, bà con người Việt ở Nhật về thăm đất nước, tham gia đầu tư tại quê hương ngày càng nhiều. Thông tin của bà con về cuộc sống sinh hoạt và phát triển kinh tế, văn hóa trong nước ngày càng nhiều hơn, chính xác, cập nhật hơn. Chính vì vậy, hoạt động xuyên tạc tình hình trong nước, kích động, lôi kéo bà con của một số ít người Việt lưu vong tại Nhật ngày càng mất dần môi trường hoạt động.

Theo chị Điệp, một trong những nguyên nhân để nhà hàng thành công là phải có đầu bếp giỏi và những người phục vụ tận tụy. Làm ở nhà hàng của chị có cả người Việt Nam và người Nhật. Anh Lê Đình Phi, một đầu bếp ở Hương Việt cho biết: anh sang làm tại Nhà hàng Hương Việt đã hai năm. Chị Điệp thường trao đổi và cùng các anh suy nghĩ các món ăn lạ nhưng vẫn giữ hương vị Việt.

Cô Kazue Suzuki, 20 tuổi hiện đang phục vụ tại Nhà hàng Hương Việt thì nói, cô rất thích mặc áo dài Việt Nam. Mỗi buổi sáng, khi mặc chiếc áo dài Việt Nam, cô có cảm giác rất thú vị. Một số người Việt đến ăn tại quán lầm tưởng cô là người Việt khiến cô rất vui. “Tôi thích món móng heo và chả giò. Tôi chưa biết nấu hai món này nhưng tin rằng sẽ học được để tự tay nấu mời người thân và bạn bè thưởng thức”.

Đến Nhà hàng Hương Việt, khách hài lòng không chỉ vì món ăn ngon mà còn thấy thú vị với khung cảnh và cách bài trí rất ấn tượng ở đây. Để tạo nét riêng biệt của nhà hàng, chị Điệp đã về Việt Nam tìm từ bức tranh treo tường đến các vật trang trí mang phong cách Việt.

Nhìn những chụp đèn mây, bức phên ngăn bằng tre, hình ảnh các cô gái thôn quê Việt Nam… ai đến đây cũng có cảm giác thật ấm cúng. “Mình muốn khách tới đây không chỉ để thưởng thức món ăn Việt mà còn hiểu thêm về văn hóa, con người Việt Nam” - chị Điệp nói.

Không chỉ được nhiều khách hàng người Nhật ưa thích, nhiều người Việt ở Nhật và những người Việt đến Nhật du lịch, công tác, học tập nhớ hương vị quê hương cũng thường tìm đến Hương Việt. Ấm lòng biết bao khi ở giữa thủ đô của đất nước hoa anh đào, những người con xa xứ được thưởng thức những món ăn quen thuộc, được nghe nhạc Trịnh và trò chuyện với bà chủ niềm nở và rất đẹp.

Nhà hàng Hương Việt - hình ảnh thật gần gũi của Việt Nam ở Nhật Bản! 

HỒNG QUÂN - KHÁNH BÌNH 


 

Tin cùng chuyên mục