Nhà lưu trú chờ công nhân

Hiện nay, ở Tây Ninh đang có 8 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân (CN) trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX). Về lý thuyết, các nhà lưu trú (NLT) này chưa đủ nhu cầu của công nhân, tuy nhiên, trên thực tế, nhiều NLT đang bỏ trống!
Nhà lưu trú chờ công nhân

Hiện nay, ở Tây Ninh đang có 8 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân (CN) trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX). Về lý thuyết, các nhà lưu trú (NLT) này chưa đủ nhu cầu của công nhân, tuy nhiên, trên thực tế, nhiều NLT đang bỏ trống!

Chúng tôi đến KCN đô thị dịch vụ Phước Đông - Bời Lời (xã Phước Đông, huyện Gò Dầu), nơi có tỷ lệ xây dựng NLT cho CN cao nhất ở Tây Ninh hiện nay. Ở Công ty TNHH Brotex Việt Nam có 8 dãy NLT với 714 căn hộ. Các dãy nhà ở cho CN được xây dựng nơi cao ráo, sạch sẽ. Bên ngoài khu NLT có các dịch vụ quán ăn, quán cà phê, tiệm bán tạp hóa, hớt tóc, uốn tóc... Trong khuôn viên, có cây xanh, có đường giao thông rộng rãi, có đèn chiếu sáng…; trong khu NLT có sân bóng đá, bóng chuyền, phòng tập thể hình, hội trường với sức chứa cả ngàn người...; mỗi dãy ký túc xá có nơi nấu ăn tập thể, có máy giặt công cộng... Các phòng được lắp đặt máy lạnh, đạt tiêu chuẩn tương đương khách sạn 2-3 sao. Đặc biệt CN ở đây sẽ được sử dụng các phòng chức năng và nước sinh hoạt miễn phí...

Phòng ở NLT khá tiện nghi nhưng vẫn “ế”

Mặc dù điều kiện ở NLT hấp dẫn như vậy, nhưng trên thực tế, nhiều CN lại “chê”. Cụ thể, theo báo cáo của UBND tỉnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở cho CN cuối năm 2016, khu nhà này mới chỉ có 1.999 CN vào ở, còn tới 857 chỗ đang bỏ trống.

Anh Võ Thanh Tú, đang làm việc tại KCN cho biết, gia đình anh ở xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu, cách công ty hơn 5km). Trước đây, anh đi về nhà trong ngày, khoảng 8 tháng gần đây, anh xin vào ở trong NLT. Mỗi tháng anh chỉ đóng hơn 100.000 đồng tiền điện, ngoài ra không tốn thêm khoảng phí nào cả, anh thấy rất tiện lợi.

Tuy nhiên, hàng ngàn CN khác lại thích về nhà ở hoặc thuê nhà trọ hơn là vào NLT. Theo một cán bộ của Công ty Đầu tư Sài Gòn (VRG) - đơn vị quản lý, đầu tư, khai thác KCN Phước Đông, do hầu hết CN là người dân trong tỉnh, hàng ngày có ô tô đưa đón từ nhà đến chỗ làm hoặc tự dùng phương tiện cá nhân, trong khi NLT thì có nội quy hạn chế giờ giấc ra vào cổng, quy định chặt chẽ việc cho người ngoài vào, nghiêm cấm việc đánh bạc, uống rượu... khiến các CN không thoải mái. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là quy định của các công ty, CN nào không ở ký túc xá sẽ được hỗ trợ tiền xăng xe 300.000 đồng/tháng. Cũng như vậy với Công ty VGR, đơn vị đầu tư xây dựng một khu NLT riêng với quy mô 158 phòng, giá cho thuê rẻ bằng phân nửa giá phòng trọ bên ngoài, cũng có các tiện ích… Tính đến nay có hơn 100 phòng được CN thuê ở.

Chị Nguyễn Thị Thu Thảo, đang làm việc trong Công ty TNHH Ilshin Việt Nam (thuộc KCN Phước Đông) cùng với một người bạn trước đây thuê nhà trọ trước cổng KCN với chi phí khoảng 800.000 đồng/người/tháng. Giờ đây chị Thảo đã dọn vào NLT VGR ở: Tiền thuê phòng 500.000 đồng/tháng, cộng với tất cả các khoản chi phí cũng gần 800.000 đồng. Chị Thảo nhận xét, ở NLT này an ninh trật tự đảm bảo hơn, gần công ty nên đi làm thuận tiện hơn, nhất là ở một mình một phòng thoải mái hơn.

Hiện nay ở Tây Ninh có hơn 37.000 CN có nhu cầu về nhà. Số CN này đang tá túc trong khoảng 15.000 phòng trọ của tư nhân xây dựng gần các KCN, KCX. Trong khi đó nhiều NLT lại đang bỏ trống. Đây rõ ràng là một sự lãng phí. Để giải quyết tình trạng này, các ngành hữu quan của tỉnh nên bàn với các công ty chủ quản cần có các biện pháp uyển chuyển, có thêm những chính sách khuyến khích hơn nữa để thu hút công nhân vào ở NLT, tránh tình trạng NLT chờ CN như hiện nay.

ĐẠI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục