Với diện tích mặt nước khoảng 25km², ngoài vai trò thủy lợi, danh thắng hồ Núi Cốc cũng đã được quy hoạch vào mạng lưới du lịch trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, trong khi các dự án đầu tư vào vùng du lịch tiềm năng này còn chờ phê duyệt thì nhiều doanh nghiệp và người dân địa phương đã nhanh tay xây dựng các công trình trái phép dọc theo bờ hồ, phá vỡ cảnh quan tuyệt đẹp của một vùng hồ huyền thoại.
Công khai xây nhà nghỉ trái phép
Tốc độ xây nhà nghỉ dọc theo bờ hồ Núi Cốc thuộc khu vực xóm Tân Lập và Gốc Mít, xã Tân Thái (huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên) phát triển đến chóng mặt trong hơn năm nay. Hàng chục nhà cao tầng kiên cố mọc lên, che kín tầm nhìn khiến du khách không thể ngắm mặt hồ rộng mênh mông, vốn được coi là vùng huyền thoại của xứ chè Thái Nguyên.
Cách cổng chính của Khu du lịch hồ Núi Cốc khoảng 200-300m, san sát những hàng quán lấn chiếm đất và không gian bằng những lều, đủ mọi loại vật liệu và kích cỡ, trông rất lộn xộn và mất mỹ quan.
Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết, ban đầu các hộ dân chỉ dám “mon men” dựng nhà tạm ven bờ hồ để bán hàng. Sau thấy không bị nhắc nhở gì, bèn xây luôn nhà kiên cố để chiếm đất. Xây trên bờ chưa đủ, họ còn tự ý đào bới, đổ đất xuống lòng hồ để san lấp mặt bằng, dựng nhà và trồng cây ăn quả. Nhiều hộ thậm chí còn được cấp bìa đỏ trên đất vi phạm.
Theo Ban quản lý khu du lịch, hiện nay tại khu vực rừng phòng hộ hồ Núi Cốc một số hộ dân nhận hợp đồng trồng, quản lý, khai thác rừng đã tự ý làm nhà, sinh hoạt trên đất rừng, ngoài ra họ còn mua rừng tại khu đập phụ số 2A (không được cấp quyền sử dụng) để xây nhà, trồng cây ăn quả...
Hoạt động xây dựng trái phép tại Khu du lịch hồ Núi Cốc gây bức xúc cho nhân dân, đã nhiều lần được các phương tiện truyền thông phản ánh và chính quyền địa phương cũng đã có động thái.
Bằng chứng là công trình xây dựng của gia đình bà Phùng Thị Thanh, xã Tân Thái đã bị đình chỉ vào tháng 6-2010. Tuy nhiên, hơn một năm nay, ngôi nhà xây dở của bà Thanh vẫn hiện diện một cách nham nhở ngay tại khu du lịch như một sự “cổ vũ” cho việc lấn chiếm của nhiều hộ dân tại chính khu vực này.
Bà Thanh cho rằng trường hợp của gia đình mình là “kém may mắn” nhất, vì trước và sau đó hàng loạt các nhà nghỉ bề thế đã mọc lên với mức độ lấn ra hồ ngày càng tăng như: Thái Hà, Bảo Sơn, Hồng Nhung, Thụy Nga...
Ra sức lấn hồ
“Đồng lòng đồng sức” với dân địa phương, các doanh nghiệp có đất tại khu vực cũng ra sức lấn chiếm lòng hồ.
Ông Hà Thế Sáu, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên- đơn vị quản lý toàn bộ phần diện tích mặt nước cũng như bờ bao, công trình thủy lợi ở hồ Núi Cốc, kêu cứu: Chi nhánh than Núi Hồng thuộc Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc xây kè đá và cầu treo vi phạm lòng hồ, mặc dù đơn vị chức năng đã nhắc nhở nhiều lần nhưng doanh nghiệp này vẫn cố tình vi phạm.
Đặc biệt, Công ty cổ phần Khách sạn Du lịch Công đoàn hồ Núi Cốc đã nhiều lần chôn cột bê tông lấn rộng vào lòng hồ để xây dựng công trình kiên cố, đơn vị quản lý đã kịp thời ngăn chặn, lập biên bản yêu cầu dừng việc xây dựng trái phép, trả lại nguyên trạng ban đầu, song công ty này vẫn cố tình vi phạm hết lần này đến lần khác.
Nghiêm trọng hơn, công ty đã san lấp 4.300m² lòng hồ để xây dựng nhà hàng, bất chấp sự ngăn cản của Thanh tra Sở NN-PTNT Thái Nguyên và không phải chịu sự xử lý nào. Trong khi đó, ông Đỗ Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Tân Thái, khẳng định: Khi phát hiện vi phạm, chúng tôi đã tiến hành xử phạt hành chính, đình chỉ xây dựng công trình.
Điều khiến người dân ngạc nhiên và không khỏi bức xúc là mặc dù các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đều khẳng định đã thực hiện trách nhiệm của mình nhưng thực tế nhiều hộ dân và các doanh nghiệp vẫn cứ nghiễm nhiên san lấp mặt bằng, xây dựng nhà cửa, hàng quán, điểm kinh doanh dịch vụ mà không gặp phải trở ngại nào.
Bạch Liễu