“Nhà tài trợ... chín chén"

“Nhà tài trợ... chín chén"
  • Người bạn của khách thương hồ

Đã hơn 15 năm rồi, khách thương hồ qua lại trên dòng sông Măng Thít, khi đến Cầu Mới huyện Tam Bình tỉnh Vĩnh Long, ai cũng biết danh ông Nguyễn Văn Sính mà mọi người thường gọi là bác Chín, ông Chín, có người còn gọi bằng sự kính nể “Đại ca Chín Sính”.

“Nhà tài trợ... chín chén" ảnh 1

Nhưng chỉ với tên “Nhà tài trợ” là ông Chín ưng bụng nhất. Sáng sáng chiều chiều, ông Chín ngồi đọc báo bên cái mâm tròn để trên ghế đẩu cạnh bờ sông, trong đó bao giờ cũng có 5 gói mì tôm, 5 hột gà, hột vịt, một keo đường cát, một hộp cà phê, bột ngọt, tỏi, ớt, bình thuỷ nước sôi cùng với tô chén, đũa, muỗng. Và một món không thể thiếu đó là can rượu đế 10 lít để kế bên. Bất kỳ ghe thuyền nào qua khúc sông này, chẳng kể lạ hay quen, đều được ông Chín vẫy tay ngoắt mời ghé lại rất ân cần. Ai mới gặp, ngỡ đó là hàng bày bán, ghé vào mua giúp ông già, ông Chín cười ngất, trả lời: “Qua” ngoắt vào nhậu chơi”.

Khách chưa hết ngạc nhiên thì ông đã rót đầy chén rươu tràn sóng sánh mời khách với nụ cười vui móm mém: “Uống với “qua” một chén cho vui, mồi có sẵn nè. Vừa nói ông chỉ vào mấy gói mì tôm, hột vịt giọng e hèm: “Làm bậy vài chén rồi uống một ly cà phê cho đã…cuộc đời”. Trước lạ sau quen, khách thương hồ biết được ông rồi, có dịp xuôi dòng sông Măng Thít, đều ghé lại uống với ông vài chén rượu tình nghĩa, mới thỏa lòng với ông già chịu chơi có một không hai ở miệt vườn này. Nhiều người tò mò hỏi vì sao ông lại bỏ tiền “tài trợ”…tào lao như vậy.

Ông Chín nghiêm mặt: “Đó chỉ là một chút quà…tài trợ bạn thương hồ cho ấm lòng khi xuôi ngược trên sông. Hồi xưa, “qua” chuyên sống đời sông nước, rày đây mai đó, ghe là nhà, sông nước là bạn. Cuộc đời gạo chợ nước sông, nhiều khi đang trên đường xuôi ngược, thèm một chén nước mưa mát dạ mà không có để uống, nhất là thèm một ly rượu đế cháy lòng chẳng biết tìm đâu. Nay “qua” chẳng giàu có gì, nhưng cũng đủ ăn đủ mặc, xót thương cuộc đời sông nước, có chút quà…tài trợ, mời bạn thương hồ ghé lại tâm tình, nghêu ngao vài câu vọng cổ cho quên đời, rồi... bình luận chuyện đá banh nước trong nước ngoài nghe chơi, cho quên đi những ngày sống lênh đênh “.

  • Vang danh "ông chín chén"

Hôm nọ, có 5 tay thương hồ ghé lại, một người cầm cái chén ăn cơm đưa lên trước mặt, lớn tiếng: Ông Chín một chén, tôi một chén, cứ vậy làm hoài, xem ai xỉn trước. Vừa nói xong, chẳng cần ông Chín có đồng ý hay không, hắn ta lẹ tay bưng chén rượu uống cạn rồi cười khà khà thách thức. Ông Chín lắc đầu chịu thua, nhưng mấy tay kia không đồng ý, túng cùng ông Chín đành uống theo.

Uống cạn chén thứ 9, tên kia không ngồi nổi, té ngay xuống đất, còn ông Chín vẫn bình tỉnh uống tiếp với mấy người còn lại. Từ đó, ông được mọi người gọi là Ông Chín Chén. Không ngờ mấy tay đó là một băng cướp. Đêm đến, trừ tay đã xỉn như chết do hồi chiều thách uống rượu với ông Chín, 4 tay còn lại đinh ninh rằng ông Chín đã say bí tỷ, chúng ngang nhiên đi vào nhà ông gom góp đồ đạt, một tên thấy ông đang ngồi gật gù bên bàn uống trà, bèn đến dùng dây dù siết cổ ông.

Tất cả không ngờ ông Chín còn là tay võ nghệ vô song. Một mình ông tay không hạ gục 4 tên cướp tại chỗ, bắt giải công an huyện Tam Bình. Sau đó ông còn ký đơn xin ân xá cho bọn cướp. Ra khỏi nhà giam, cả 5 tên đến nhà ông Chín lạy tạ, từ đó chúng gọi ông là “Sư phụ Chín Chén”

  • Nhà tài trợ... bình luận đá banh

Ông Chín rất ghiền xem đá banh, cứ sau một đêm có trận bóng nào trên TV là sáng sớm hôm sau ông ra bờ sông ngồi bên cái mâm với số hàng... “tài trợ” như mọi ngày, ngoắt cho bằng được ai đi thuyền ghe ngang đây, để cùng ông nhận xét, bình luận về đá banh. Phải công nhận rằng ông Chín có cái nhận xét rất nhạy bén và hóm hỉnh về bóng đá.

Hôm tôi đến thăm, ông nắm tay tôi ra bờ sông nơi có cái mâm hàng tài trợ, ông cười mĩm: “Chú em mầy nghĩ sao khi mà các nhà tài trợ cứ treo giá thưởng tiền tỷ cho cầu thủ trước mỗi trận đấu”? Không đợi tôi trả lời, như là nỗi bức xúc từ lâu chất chưa trong lòng, ông tuôn ra như mưa dầm tháng tám: “Không nên treo giải thưởng cầu thủ quá nhiều tiền như vậy, việc làm này chẳng khác nào là con dao hai lưỡi, nếu không khéo, cầu thủ dễ bị...đứt tay. Nhất là những trận đá quốc tế, phải để cho các cầu thủ thấy đây là trách nhiệm thiêng liêng cao cả của cuộc đời cầu thủ. phải đá hết sức mình, vì màu cờ sắc áo, vì danh dự chung của cả dân tộc, chớ không phải vì tiền thưởng. Nếu ai mang về cho Tổ quốc những tấm huy chương cao quý bằng cả quá trình công phu tập luyện, tất cả vì Tổ quốc, thì phần thưởng xứng đáng nhất mà không có tiền bạc nào mua được, là vinh dự được kết nạp vào Đảng”. Ông cất tiếng cười sảng khoái. “Ai đã là đảng viên rồi thì phong cho họ danh hiệu Đảng viên ưu tú!”.

Bây giờ, mỗi khi khách thương hồ ghé lại cùng ông nâng ly đối ẩm, cũng trên cái mâm với ngần bao nhiêu hàng “tài trợ”như suốt 15 năm qua không hề thay đổi, chỉ có gương mặt ông là đượm một vẻ buồn. Ông không còn bình luận đá banh sôi nổi như xưa nữa, mà chỉ thở dài. Ông cho rằng mình đang chờ đợi mùa bình luận mới, mùa khởi sắc của bóng đá nước nhà. Lúc ấy hàng…tài trợ sẽ nhiều thêm, để khi đến tập ...hai là lai rai vài câu vọng cổ, tập ba thì …bình luận đá banh. Bấy giờ, ai gọi ông chỉ với ba tiếng “nhà tài trợ”, ông sẽ nhướng mắt vẻ hóm hỉnh nhắc nhở: Xưa rồi diễm ơi, không gọi thì thôi, đã gọi thì phải cho đúng, gọi “qua” là “nhà tài trợ...Chín Chén”. 

Nguyễn Tường Lộc

Tin cùng chuyên mục