Đầu năm nhớ lại SEA Games 23

Philippines và SEA Games 23

Philippines và SEA Games 23

Với những phóng viên chưa bao giờ ra nước ngoài tác nghiệp và đã từng làm việc tại SEA Games 22 ở Việt Nam thì dám chắc sẽ cảm thấy thất vọng khi vừa đặt chân đến Philippines, nếu không nói là sẽ mang ngay cái cảm giác chán nản từ đầu. So với mức độ hoành tráng, chu đáo và đầy đủ của SEA Games 22 thì có thể ví SEA Games 23 ở Philippines giống như một phụ nữ về chiều tranh đua sắc đẹp với cô gái ở tuổi xuân nồng vậy.

Nhưng đừng vội kết luận gì cả để khỏi phải mang cảm giác ân hận như chúng tôi từng gặp phải. Đứng ở một góc nhìn rộng hơn, toàn cảnh hơn, SEA Games 23 vẫn thật sự là một kỳ Đại hội thành công xét trên mọi góc độ. Đấy mới là cái đáng nói về đất nước Philippines kỳ SEA Games vừa qua

  • Hãy bắt đầu từ sự thất vọng

Tất nhiên, với cánh nhà báo, điều quan tâm đầu tiên là điều kiện làm việc. Cái này thì không thể khen ngợi được. Trước hết là mảng cung cấp thông tin của nước chủ nhà quá kém. Như tất cả các đồng nghiệp chúng tôi đến từ các quốc gia khác nhận xét, chưa kỳ Đại hội nào mà website chính thức lại tệ như năm 2005. Hỏi ra mới biết, BTC giao khoán website này cho một công ty tư nhân cho dù bản thân công ty này không có kinh nghiệm gì về truyền thông báo chí.

Philippines và SEA Games 23 ảnh 1

Biểu tượng vui của SEA Games 23 - Philippines 2005. Ảnh: Hoàng Hùng

Thế nên, mọi thông tin trên website chính thức đều bị cánh phóng viên chê bai về độ chính xác, đặc biệt là bảng xếp hạng. Các thông tin huy chương liên quan đến đoàn chủ nhà Philippines được cập nhật nhanh hơn mức bình thường còn các đoàn khác thì mặc kệ. Các bài viết trên website cũng không mang tính khách quan vì chỉ ca tụng mỗi thành tích của nước chủ nhà. Xem như về phương diện thông tin, website này hoàn toàn vô dụng.

Theo qui định, mỗi địa điểm tổ chức Đại hội đều phải có trung tâm báo chí. Về lý thuyết thì đúng là vậy, nhưng có cũng như không vì các trung tâm này hoàn toàn chẳng giúp gì cho các phóng viên. Cứ tưởng tượng rằng, ngay cả Trung tâm báo chí chính tại Manila mà việc cập nhật thông tin thô sơ đến mức ngạc nhiên thì làm gì những trung tâm “con” lại có hiệu quả được.

Trong quá trình tác nghiệp ở Trung tâm báo chí, chúng tôi ít khi nhận được sự giúp đỡ của những nhân viên vì …cũng chẳng nhờ vả được gì. Nhiệm vụ chính của các nhân viên thừa hành tại trung tâm là làm tờ bản tin hằng ngày của Đại hội và thông tin đăng tải, lại chỉ toàn nói về đoàn chủ nhà.

Sự thất vọng thứ hai với những người làm báo đấy chính là sự thiếu thốn tuyên truyền về SEA Games. Không khí trên đường phố Manila, Bacolod hay Cebu…đều mang màu sắc bình thường. Không có cảnh nhà nhà, người người cùng SEA Games như tại Việt Nam năm 2003. Nói đâu xa, ngay tại sân bay Manila, tức “mặt tiền” của Philippines, hình ảnh SEA Games cũng chẳng có. Người Philippines xem SEA Games như một Đại hội thể thao bình thường còn đối với Chính phủ Philippines, đây không phải là cơ hội để thúc đẩy kinh tế mà chủ yếu để khẳng định tính an hòa của đất nước.

Phải nói rằng, chi phí của chính phủ bỏ ra cho SEA Games không bằng một nửa với chi phí dành cho an ninh. Cái tốn kém nhất chính là hệ thống xử lý thông tin mua lại từ Việt Nam, số tiền để tổ chức còn lại đều gói ghém ở mức có thể thấp nhất.
Này nhé, đối với cơ sở vật chất: không có cơ sở nào mới cả. Tất cả đều tận dụng từ những gì đã có. Các địa phương đăng cai SEA Games đều dùng tiền ngân sách tại chỗ được trích từ quỹ phát triển hình ảnh địa phương mà thôi.

Trong tổng số 51 địa điểm tổ chức SEA Games, chỉ duy nhất xây mới khu bể bơi, còn lại là nâng cấp từ những công trình đã phục vụ từ SEA Games... 1981 và 1991. Tất cả những nơi được gọi là khu phức hợp thể thao ở những địa phương tổ chức SEA Games đều kém xa những trung tâm thi đấu tại Việt Nam về …hình thức. Được quảng cáo là địa điểm thuộc loại “xịn” nhất Manila vì được một doanh nghiệp cỡ bự đầu tư hàng chục triệu peso nhưng khu thi đấu Makati Colesium - nơi tổ chức Billiards - Snooker không khác gì nhà nghỉ.

Nhà thi đấu Emelio Aguinaldo của trường trung học cùng tên được thuê tổ chức môn Wushu không còn mới, tường ám đen mà không được quét vôi lại cho sáng sủa hơn. Khu Liên hợp thể thao Riazl Memorial - nơi tổ chức các môn điền kinh, bóng bàn, quần vợt, thể dục có diện tích 10 ha, từng tổ chức SEA Games 1981 và 1991, không có bất kỳ sự đầu tư làm mới nào từ khán đài đến mặt cỏ.

BTC chỉ lo tiền cho các tình nguyện viên hay phương tiện di chuyển các đoàn. Ngay cả việc chi tiền cho chuyện chuyên môn cũng được tiết kiệm. Các trọng tài đều được mời từ những quốc gia cử đoàn sang tham gia. Tất nhiên, những trọng tài này đều chỉ được nhận tiền ăn-ở. Không có tiền tiêu vặt và di chuyển như một số ít ỏi trọng tài trung lập khác.

SEA Games 23 cũng thiếu những nhà tài trợ lớn ngoài một tập đoàn điện thoại mang tên Globe. Các nhà tài trợ khác được BTC khuyến khích tài trợ cho từng nội dung thi đấu một, đấy là lý do mà đến gần ngày khai mạc SEA Games rồi mà BTC vẫn cứ nhận thêm các nhà tài trợ. Môn nào chưa có tiền tổ chức thì BTC sẽ “hô” lên mặt báo để các nhà tài trợ nhảy vào. Trong thế gói ghém như vậy nên BTC của SEA Games cũng khá linh hoạt khi phân bổ các môn thi đấu về những địa phương. Ví dụ như tại Bacolod, BTC trung ương bố trí bóng đá, quyền Anh, cử tạ do thành phố này là nơi thịnh hành các môn thi đấu trên. Cebu chuyên “trị” các môn võ. Nhờ kiểu phân công như vậy mà các địa điểm thi đấu đều đông người và nhờ thế, lôi được các nhà tài trợ địa phương vào cuộc.

Tận dụng tối đa, tiết kiệm tối đa và dễ nể nhất là tiết kiệm chi phí quảng cáo không cần thiết. Ngay cả việc sản xuất đồ lưu niệm cho SEA Games cũng diễn ra chừng mực. Linh vật “đại bàng nhồi bông” không có bán trên thị trường. Chỉ có đến các địa điểm thi đấu mới thấy bán lẻ tẻ vài món quà lưu niệm. Nói chung, chẳng thấy một không khí SEA Games sôi động. Hoàn toàn tương phản với SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam 2 năm trước.

  • Trong cái thất vọng, có cái để học hỏi

Vậy mà trong bối cảnh tiết kiệm đến mức tối thiểu đó, SEA Games 23 vẫn diễn ra thành công. Không có bất kỳ sự lộn xộn, mất an ninh nào đáng kể. Các hoạt động khủng bố của những phiến quân đối lập cũng diễn ra thưa thớt và tập trung tại khu Midenao. Đoàn thể thao Philippines đạt được mục đích của mình khi giành vị trí nhất toàn đoàn lần đầu tiên trong lịch sử. Hầu như không bỏ tiền ra tổ chức mà bảo đảm được cái đích như vậy quả là đáng khen cho các nhà tổ chức Philippines.

Việc Tổng thống Philippines, bà Arroyo “vi hành” đến đủ các địa điểm thi đấu là một điều đáng ngợi khen khác dành cho BTC. Những lần xuất hiện của bà Aroyo, về mặt chính trị là điều bảo đảm tính an ninh cho các điểm thi đấu, về mặt tổ chức, nó khẳng định mối quan tâm của chính phủ rằng dù không rầm rộ, SEA Games vẫn là hoạt động quan trọng bậc nhất của chính quyền đương nhiệm. Dù có ca cẩm điều gì chứ riêng việc quan tâm như vậy là đáng trân trọng.

Cái hay của những nhà tổ chức tại SEA Games 23 chính là việc tận dụng tốt những thứ đã có mà vẫn bảo đảm được độ tiêu chuẩn bắt buộc. Dù thua kém về hình thức hay những dịch vụ cộng thêm nhưng các điều kiện thi đấu thì chẳng thua sút đâu cả.

Ví dụ như ở Nhà thi đấu Makati Coliseum, khó ai tin nổi đây là một sân thi đấu bóng rổ chuyên nghiệp dù tại SEA Games 23, đấy là nơi thi đấu môn Billiards. Hệ thống đèn chiếu, điều hòa đều hoàn hảo, khoa học và rất phù hợp với môn Billards. Sàn thi đấu bóng rổ được phân lô rất khoa học, không thể tin được rằng việc cải tạo nó thành một bộ mặt hoàn toàn mới, không kém những nhà thi đấu Billiards & Snooker chuyên nghiệp chút nào chỉ mất 4 ngày trước khi thi đấu.

Phần lớn các nhà thi đấu tại SEA Games đều là nơi thi đấu bóng rổ nhưng khi có bàn tay cải tạo của các nhà tổ chức, chẳng ai có thể phàn nàn. Thay vào đó, việc tận dụng các nhà thi đấu bóng rổ của các trường ĐH thành sàn thi đấu của rất nhiều các môn thi thay vì phải xây mới toàn bộ khiến kinh phí tổ chức SEA Games giảm đi rất nhiều, song không vì thế mà hiệu quả giảm đi. Có thể môn bóng rổ giờ chót không đưa vào chương trình thi đấu làm dân hâm mộ Philippines thất vọng, nhưng các nhà thi đấu của môn này thì đã hoàn thành sứ mạng một cách không thể chê.

Thật lòng, ngày đầu tiên đến với Philippines, chúng tôi đã có không ít thất vọng nhưng càng thâm nhập sâu vào hoàn cảnh tổ chức của nước chủ nhà, càng thấy khâm phục họ.

Hơn nữa, cái cảm giác thất vọng về không khí SEA Games cũng dần không còn khi nhận được sự hiếu khách của người dân Philippines. Đây đó vẫn còn nhiều anh tài xế taxi (đặc biệt là ở Manila) cố tình “cứa cổ lấy tiền”, nhưng quả rằng người dân Philippines thật sự tạo nên một cảm giác an bình, thoải mái và nhiều nụ cười nơi những người xa quê như cánh phóng viên chúng tôi. 

Thúy Oanh

Tin cùng chuyên mục