
Dù đã trưng dụng cả hai dãy nhà cấp 4 vốn là nơi ở của giáo viên để làm chỗ trọ học cho các em học sinh dân tộc Mông, nhà ở xa trường, nhưng cũng chỉ giải quyết được chỗ trọ cho 145 em.
Chỉ cần có thêm một ngôi nhà nữa là hàng trăm học sinh hiện đang ăn, ở ngay tại các điểm rải rác trên các rẻo cao sẽ có chỗ trọ tập trung, thuận tiện cho việc học tập và sinh hoạt của các em. Ước mơ không lớn lắm nhưng nhiều năm qua, Ban Giám hiệu của Trường Tiểu học Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang vẫn không thực hiện được vì kinh phí địa phương không có, còn nhà trường thì lại quá nghèo.

Do không có chỗ ở nên các em học sinh phải ở ngay tại lớp học. Ành: YẾN NHI
Thông cảm với khó khăn của nhà trường và nỗi vất vả của các em học sinh, Ban Chương trình xã hội Báo SGGP đã phối hợp với đồng nghiệp Báo Hà Giang và Công ty In số 7 tài trợ số tiền 80 triệu đồng để Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Cán Tỷ xây thêm một ngôi nhà trọ mới cho các em.
Có đến thăm nơi trọ học của các em mới thấy, dù chỗ trọ chưa khang trang tươm tất lắm nhưng vẫn còn may mắn hơn so với nhiều học sinh lớp 3 đang phải học tập và ăn ở ngay tại các điểm trường nằm rải rác trên các rẽo núi cao. Em nào nhà gần cũng phải lội bộ vài tiếng đồng hồ để về với gia đình, còn em nào nhà xa quá thì ăn ở ngay tại lớp học trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Xã Cán Tỷ có hơn 4.000 dân, 100% là dân tộc Mông sống rải rác ở 8 thôn. Cuộc sống của đồng bào vốn đã khó khăn, các em học sinh càng khó khăn hơn. Nhà xa, đi lại vất vả, ăn uống kham khổ nên sức học của các em thua xa học sinh dưới xuôi.
Thương các em, nhà trường tổ chức 9 điểm trường gần các khu dân cư để các em đỡ phải đi học xa, thế nhưng vẫn còn nhiều em nhà xa quá không thể về được hàng ngày. Vì tương lai của con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều thầy cô giáo tình nguyện lên dạy học và ăn ở tại trường trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ, đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt.
Từ trường chính lên đến điểm trường xa nhất phải lội bộ và trèo qua những dãy núi cao chót vót, có khi phải mất 3-4 tiếng đồng hồ. Đi đến nơi có khi không còn đủ sức để dạy, nên các thầy tình nguyện giành các điểm xa nhất để đỡ vất vả cho các cô giáo trẻ. Học sinh của trường hầu hết là con nhà nghèo, chỉ có 7.000 đồng/tháng nộp cho nhà trường mà nhiều em còn không có.
Gọi là “nội trú dân nuôi”, nghĩa là gia đình đóng góp để cùng nhà trường lo việc ăn ở cho các em nhưng hầu hết bà con dân tộc lại quá nghèo, nên phần đóng góp của gia đình hầu như không đáng kể. Cứ mỗi đầu tuần, từ nhà trở lại khu nội trú, mỗi em học sinh lại mang rau rừng và củi về nộp cho nhà ăn, nhưng cũng chỉ đủ rau ăn cho một hai ngày đầu tuần.
Hầu hết lương thực thực phẩm cho các em nhà trường phải tự lo. Nhiều khi kinh phí địa phương đưa về chậm, nhà trường phải tự xoay sở để lo cho các em. Kinh phí không có nên bữa ăn của các em cũng đạm bạc, không đủ dinh dưỡng. Có khi cả tuần mới được ăn thịt cá một lần, thế nhưng so với các em sinh sống tại nhà, học sinh nội trú vẫn đỡ khổ hơn vì các em có điều kiện sinh hoạt học tập cùng nhau, lại được ăn cơm gạo trắng chứ không phải ăn mèn mén quanh năm.
Chỉ cần ở tập trung vài tháng, sức khỏe và kết quả học tập của các em tiến bộ hơn rất nhiều. Đó chính là mục tiêu mà tập thể cán bộ giáo viên Trường Tiểu học Cán Tỷ đang thực hiện, tất cả vì học sinh thân yêu của mình. Với số tiền 80 triệu đồng do Báo SGGP và Công ty In số 7 TPHCM tài trợ, hy vọng sẽ góp một phần hiệu quả vào sự nghiệp chăm lo cho trẻ em vùng cao tỉnh Hà Giang…
Mạnh Hà