Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Tiểu thuyết lịch sử là sự giải mã lịch sử

Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Tiểu thuyết lịch sử là sự giải mã lịch sử

Gần đây, một số tiểu thuyết viết về lịch sử đã bộc lộ những hạn chế về kiến thức lịch sử, cùng những cách nhìn nhận vấn đề, hư cấu nhân vật... gây phản cảm và dễ khiến người đọc hiểu theo hướng khác. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Hoàng Quốc Hải về một số vấn đề viết tiểu thuyết lịch sử.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải

Nhà văn Hoàng Quốc Hải

- Phóng viên: Bỏ ra gần 30 năm viết nên hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ (gần 7.000 trang), về hai vương triều hiển hách trong lịch sử dân tộc: Triều Lý, triều Trần với thời gian lịch sử kéo dài gần 400 năm, nhà văn Hoàng Quốc Hải đang được xem là một tiểu thuyết gia lớn về tiểu thuyết lịch sử. Vậy ông có suy nghĩ về tiểu thuyết lịch sử như thế nào?

>> Nhà văn HOÀNG QUỐC HẢI: Mỗi người có cách tiếp cận, khai thác và viết về lịch sử khác nhau. Tôi cho rằng tiểu thuyết lịch sử làm “sống lại” những giai đoạn lịch sử mà nhà văn cảm thấy hứng thú; trong đó, có thể tìm ra những bài học thành công hay thất bại... Ví dụ: Khi nhà Trần suy thoái, bắt đầu từ vua Trần Dụ Tông (1340 ) đi vào sa đọa, triều đình thành nơi mặc sức ăn chơi, đàng điếm. Thậm chí trong triều còn tổ chức gá bạc... đã khiến dân chúng điêu linh, đất nước suy thoái. Người hiền tài không được dùng, lời nói thẳng không được nghe, đại công thần như Trần Nguyên Đán không được dùng... Cho đến năm 1.400, triều Trần mất vào tay Hồ Quý Ly. Rồi sau đó nhà Hồ do Hồ Quý Ly lập nên từ sự cướp ngôi nhà Trần đã không chống lại được giặc xâm lược nhà Minh, mặc dù xây hẳn một tòa thành kiên cố bằng đá để phòng thủ nhưng lại thất thủ ngay từ khi giặc chưa đến.

Đó là bài học cho sự coi thường dân, khinh dân, xa dân, khiến dân không trợ giúp. Bài học này cho đến hôm nay, và tôi tin chắc rằng mãi mai sau, cũng không bao giờ cũ.

- Người ta thường nói tiểu thuyết là hư cấu, tiểu thuyết lịch sử cũng vậy. Ông suy nghĩ thế nào về điều này và tiểu thuyết lịch sử có vai trò như thế nào đối với cuộc sống?

Đúng thế. Tiểu thuyết là sự hư cấu. Khác nhau ở chỗ sự hư cấu ấy như thế nào và hư cấu ra sao mà thôi. Viết tiểu thuyết lịch sử có nhiều cách. Nếu chọn cách văn chương hóa lịch sử; hay cảm hứng sáng tạo của nhà văn dựa trên những biến cố, những sự kiện trung thành với lịch sử, thì sự hư cấu của nhà văn càng phải thận trọng và hình tượng nhân vật không vì thế mà kém hấp dẫn. Vai trò của tiểu thuyết lịch sử là dựng lại xã hội quá khứ vốn đã có và những bài học cho ngày nay. Nếu một dân tộc biết học từ quá khứ của dân tộc mình thì dân tộc ấy có trí khôn và sức mạnh được nhân lên nhiều gấp ngàn lần.

- Theo ông, người viết tiểu thuyết lịch sử đòi hỏi phải có những yếu tố gì?

Tôi cho rằng, trước hết phải yêu lịch sử và có nhu cầu tìm hiểu quá khứ. Người viết tiểu thuyết lịch sử phải am hiểu giai đoạn lịch sử mà mình cần phục dựng, muốn am hiểu về nó phải tìm hiểu mọi mặt đời sống từ kinh tế, chính trị, văn hóa, phong tục, tôn giáo, tín ngưỡng, xã hội... từ mọi nguồn thông tin, thư tịch, dân gian... Điều đặc biệt là tìm hiểu kỹ lưỡng đời sống dân chúng và văn hóa phổ cập trong dân gian; chính những cái đó là linh hồn của truyện. Lịch sử không bày, đặt sẵn mà lịch sử chỉ giữ lại cho ta những tín hiệu, chẳng khác những mật mã. Công việc của nhà văn chính là giải mã lịch sử. Nếu nhà văn giải mã đúng, nghĩa là phục dựng lại xã hội từ trong quá khứ như nó có; điều đó đem lại cho người đọc một cảm nhận chân thực. Nếu giải mã sai, người đọc sẽ phải tiếp nhận một sự thật méo mó, lệch lạc như là một sự xuyên tạc lịch sử. Chìa khóa để giải mã chính là sự trung thực của nhà văn và những thẩm thấu văn hóa mà nhà văn tiếp nhận được.

- Ông có thể nói rõ hơn về sự hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử?

Tiểu thuyết nói chung kể cả tiểu thuyết lịch sử đều phải lấy hư cấu làm phương tiện nghệ thuật và tiểu thuyết lịch sử cũng không có ngoại lệ. Vấn đề là phải hư cấu như thế nào đạt đến chân thực lịch sử và chân thực cuộc sống. Chân thực đến mức người đọc phải thừa nhận đây mới là lịch sử. Cũng không có nghĩa là sự bịa tạc, mà là sự tìm tòi đi đến chân thực.

- Vậy theo ông, sự thật lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử và trong lịch sử, cái nào đáng tin cậy hơn?

Sự thật lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử đáng tin cậy hơn vì nó được giải mã, nó có cuộc sống. Sự thật lịch sử trong lịch sử chỉ là những tín hiệu chứa đựng những thông tin vô cảm. Nhưng trong tiểu thuyết lịch sử nó lại  sống động. Đấy là tôi nói đối với tiểu thuyết lịch sử đã được giải mã đúng hướng.

- Nếu vậy nhà văn giải thích thế nào khi cùng một giai đoạn lịch sử, cùng một thời điểm lịch sử lại có nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử của nhiều nhà văn đề cập đến. Vậy cuốn nào là đáng tin cậy hơn! Chẳng hạn về Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã có nhiều tiểu thuyết lịch sử thành công, ngay cả cuốn Vạn Xuân của một nữ nhà văn Pháp?

Như tôi đã nói, sự đáng tin cậy nhất là nhà văn giải mã đúng lịch sử. Khai thác lịch sử, mỗi nhà văn có một cách tiếp cận khác nhau. Có người bao quát cả một giai đoạn khá dài của lịch sử, người chỉ chẻ một lát cắt, người lại trộn lẫn quá khứ với hiện tại... Đúng, sai, hay, dở chỉ có thời gian và độc giả các thời đại có quyền phán xét. Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc là một kho báu bất tận và vô cùng quý hiếm mà chúng ta chưa khai thác được bao nhiêu. Còn rất nhiều điều ẩn khuất đòi hỏi nhà văn bằng cái tâm, cái tài của mình, văn chương hóa được lịch sử để những ký hiệu lịch sử có được đời sống thật…

CAO MINH

Tin cùng chuyên mục