Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là người bạn thân thiết với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời. Nghe nhà văn kể một số kỷ niệm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gắn bó với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (con trai của nhà văn Nguyễn Quang Sáng) lại càng thêm mến phục người nhạc sĩ tài hoa ấy.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhớ lại, ngày đó, nhà ông gần cơ quan làm việc ở 81 Trần Quốc Thảo. Nơi đây ngoài là trụ sở của Hội Nhà văn, còn có văn phòng của Hội Âm nhạc. Mỗi lần nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm việc ở Hội Âm nhạc xong thì thường ghé nhà ông ngồi chơi. Nguyễn Quang Dũng thì không đi nhà trẻ. Thành ra lúc nào nhạc sĩ qua chơi, hai chú cháu cũng cùng nhau hát hò ở ngoài sân.
Năm 4 tuổi, thấy Quang Dũng cũng khoái đàn hát nên nhà văn Nguyễn Quang Sáng mua cho Dũng một cây đàn mandolin Nga để Dũng tập. Chỉ là tập chơi chứ chưa biết nhạc, cứ cầm đánh chơi theo chú Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn đánh thế nào là cháu Dũng đánh theo như vậy. Dũng vừa đàn vừa hát. Hát nghêu ngao theo cái lời tự đặt của con nít thôi chứ không thuộc bài hát cụ thể nào.
Có một hôm, cậu bé Dũng hát nghêu ngao theo ý mới nghĩ ra mấy câu rất ngô nghê: “Mẹ đi vắng con sang chơi nhà bạn. Con cầm cây đàn con hát. Hát cho mẹ về với con”. Mấy lời đó nghe cũng có vần có điệu như thơ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn suy nghĩ rồi sáng tác bài hát Mẹ đi vắng dựa theo mấy câu nói của Dũng. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói vui: “Vậy là thằng Dũng đã trở thành một trong số ít người vinh dự được làm đồng tác giả với các ca khúc của Trịnh Công Sơn”.
Sau này, chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là người giới thiệu cô giáo dạy thêm nhạc lý và đàn organ cho Dũng. Và cũng chính Trịnh Công Sơn viết lời giới thiệu tập nhạc đầu tiên của Nguyễn Quang Dũng. Trong lời bạt ấy, người nhạc sĩ lớn tuổi cho rằng chàng thanh niên trẻ Quang Dũng đã chọn ngôn ngữ của nghệ thuật âm nhạc để làm phương tiện bày tỏ những khúc tình ca tuổi mười sáu đầy mộng mơ và say đắm. Sau đó, các bài hát này được tập hợp vào album đầu tay gồm 10 ca khúc của Dũng qua các giọng ca Hồng Nhung, Cẩm Vân, Lệ Thu, Lệ Hằng, Bảo Phúc…
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể khi Nguyễn Quang Dũng thi đậu hai trường âm nhạc và điện ảnh. Khi đó, Dũng băn khoăn nhiều không biết nên chọn học ngành nào. Một hôm Dũng qua nhà chú Sơn chơi và hỏi: “Bây giờ cháu đậu hai trường, chú thấy cháu nên học trường nào?”. Chú Sơn mới nói: “Nếu học nhạc thì không thể học điện ảnh được, mà học điện ảnh thì vẫn có thể học thêm âm nhạc ở ngoài được, như tao đây có học trường lớp nào về âm nhạc đâu mà vẫn sáng tác như thường đó thôi”. Dũng nghe vậy tâm đắc, về nhà quyết định đi học điện ảnh. Và sau này trở thành một đạo diễn nổi tiếng với nhiều bộ phim ăn khách.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng kết luận: “Được quen biết chú Sơn, đó là một niềm hạnh phúc cho thằng Dũng”.
Xuân Tiến