Thời gian qua TPHCM đã thực hiện nhiều chương trình cải tạo kênh rạch như: cải tạo Kênh Tẻ, kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, kênh Tân Hóa Lò Gốm, và đang thực hiện tiếp sông Vàm Thuật, Kênh Đôi…
Khi nói đến các hình ảnh nhà ở ven sông trong đô thị, cần phân tích rõ nguyên nhân hình thành, giá trị nhiều mặt trong thời gian tồn tại, những tác động đến cuộc sống của bản thân người dân cư trú, tác động đến môi trường khu vực hai bên sông và hình thành đô thị nói chung. Qua các công tác cải tạo môi trường hai bên kênh rạch của thành phố đã thực hiện, thể hiện được tính ưu việt, cũng như bộc lộ những hạn chế, thành quả của công tác, và biến thành động lực thúc đẩy sự phát triển đô thị.
Nguyên nhân hình thành khu dân cư sống ven kênh rạch TPHCM:
Khi người Pháp quy hoạch tổ chức không gian xây dựng Sài Gòn, lúc đó dân số rất thấp, còn thưa thớt như buôn làng. Chỉ có một số công trình thuộc địa ven kênh Xáng (đường Hàm Nghi nay) và kênh Lớn (đường Nguyễn Huệ nay) có đường và nhà phố trệt để kinh doanh, bờ sông chỉ có thương thuyền.
Khi thành phố phát triển, chiến tranh xảy ra, dân từ những vùng nông thôn tràn về đô thị sinh sống. Vì giao thông đường bộ ít ỏi, nên họ sống tạm bợ trên các tuyến kênh rạch để đi lại bằng thuyền, sử dụng nước dễ dàng... Dần dần dân cư ngày càng đông đúc, mật độ cư trú bờ sông ngày càng dày đặc.
Lâu ngày các tuyến đường dọc bờ sông được thực hiện để tiện đi lại, nhưng không có kinh phí giải tỏa dân cư hai bên bờ sông. Khi đó, nhà ở của người dân chỉ là nhà sàn gỗ trên cọc gỗ, rồi dần dần được thay bằng trụ bê tông giống như trụ tường rào, kiến trúc được kiên cố từng bước, và bờ sông ngày càng hẹp dần do cơi nới của các nhà tiếp cận mép sông cần có chỗ neo đậu thuyền, chỗ chất hàng hóa vận chuyển, kinh doanh...
Từ đó môi trường nước ngày càng xấu đi, tình trạng hôi thối ngày một tăng do dựng nhà lấn chiếm lòng kênh, xả rác, phóng uế và nước thải sinh hoạt trực tiếp xuống kênh rạch, chưa kể đến chất thải rắn, rác thải từ hàng hóa, hóa chất từ các sản phẩm tiêu dùng.
Công tác giải tỏa nhà ở kênh rạch, trả lại cảnh quan cho hai bên bờ sông thời gian qua đã thực hiện rất tốt:
- Không còn nhà ổ chuột ven sông, tạo dựng được cảnh quan đẹp, không còn mùi hôi thối từ các dòng kênh.
- Kè bê tông cốt thép chống xói lở, có trục đường ven sông giảm tải cho các trục đường trong khu vực
- Tăng thêm diện tích cây xanh, công viên, tạo dựng được môi trường sinh hoạt cộng đồng, nơi tập luyện đi bộ.
- Từ vật chất được thay đổi đã tác động đến môi trường xã hội của khu vực dân cư ngày càng tốt hơn.
- Hình thành tuyến du lịch sông nước trong nội thị bằng thuyền Quy, thuyền Phụng.
Nhưng qua công tác giải tỏa nhà ổ chuột dọc kênh rạch, nhiều nhà chuyên môn đặt vấn đề: tại sao không làm thiết kế đô thị để định hướng xây dựng 2 bên bờ sông đẹp hơn, tại sao không tái định cư lại người dân đã sinh sống trước đây…, tại sao không tăng cường vận chuyển đường sông?
Thực sự trong quá trình thực hiện công tác giải tỏa, tất cả mọi vấn đề đều được nêu ra, bao gồm: kinh phí, thời gian, tiến độ thực hiện công tác xã hội, giải pháp di dời dân, tái định cư, căn cứ vào quá trình đền bù giải tỏa các dự án, căn cứ vào hiện trạng, nhu cầu cuộc sống của người dân… Những vấn đề đó không được thực hiện đồng bộ, mà phải triển khai từng bước: xây dựng chỗ tái định cư, bồi thường bằng tiền để người dân chọn nơi ở thích hợp theo khả năng của họ, giải phóng mặt bằng, thi công hệ thống cống thu nước từ khu dân cư để không còn thải trực tiếp ra sông, kênh rạch, tập trung gom nước thải hai bên kênh rạch vào ống chung rồi chuyển đến khu vực xử lý ngoài thành phố để xử lý nước thải.
Những điều thành công của công tác giải tỏa nhà ổ chuột nói riêng, công tác cải tạo môi trường nói chung, trong đó bao gồm chỉnh trang đô thị, xây dựng hai tuyến đường dọc bờ kênh để bảo vệ, tạo khoảng không gian cây xanh, khoảng trống để sinh hoạt cộng đồng.
Qua các giá trị đạt được, các nhà đầu tư thực hiện chuyến du lịch dọc sông, kênh rạch. Với phương tiện thô sơ, các tàu đò nhỏ đưa du khách đi thưởng ngoạn cảnh quan hai bên kênh. Thuyền đi từ bến du thuyền quận 1 hoặc quận 3, chạy qua 4 quận trung tâm của thành phố (quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận), dòng kênh uốn khúc rất đẹp bởi không gian hai bên bờ. Tuy nhiên, hoạt động này chưa thực sự thành công vì suốt tuyến thưởng ngoạn không có các loại hình nghệ thuật nào hỗ trợ, nội dung ngắm cảnh còn đơn giản, chưa thực sự lôi cuốn mà chỉ thỏa mãn tính hiếu kỳ tạm thời của du khách.
Tất cả những vấn đề nêu trên đều phát sinh từ kinh phí, tổng thể nội dung cho một công tác cải tạo môi trường hoàn chỉnh đều được đặt ra, từ quan điểm đến vấn đề xã hội, văn hóa và thực trạng đang diễn biến hai bên kênh rạch, cho nên chìa khóa để tháo gỡ xuất phát từ yếu tố tài chính:
- Bồi thường thỏa đáng (giá trị tương đương xứng với của cải vật chất, và giá trị nguồn sống hiện tại và cả tương lai của người dân phải đảm bảo an toàn, không làm đảo ngược xuống, chỉ đảo ngược lên). Tập quán quen sông, quen bên cạnh kênh rạch vì tiện lợi, tầm nhìn thoáng rộng, mặt nước thoáng, gió mát. Tuy khu ở chật hẹp, môi trường ô nhiễm nhưng là nơi làm cơ sở để tham gia thị trường buôn bán lẻ của người dân, nơi cung cấp các gánh hàng rong, các dịch vụ dọc bờ sông, vận chuyển hàng hóa…
- Thu hút đầu tư, biến vùng đất này thành dự án phát triển bất động sản có giá trị sinh lời cao, có giá trị thu hút các hoạt động, là động lực phát triển của khu vực, tạo sự lan tỏa chung quanh và các khu ở mật độ cao, kết nối các không gian của trục đường, của các công trình công cộng, thay đổi cuộc sống của dân cư các khu ở mật độ cao.
Xuất phát từ yêu cầu đó, giá trị thương mại của dự án phải tính toán bao gồm tất cả các chi phí xuyên suốt trong quá trình thực hiện, khu vực hỗ trợ xã hội theo chính sách chung, riêng khu vực thương mại kinh doanh khai thác cần đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư, bên cạnh đó nhà nước hỗ trợ về cơ chế tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các dự án bất động sản khác. Xây dựng tiền đề, cung cấp các nguồn vốn đối ứng trong giai đoạn đầu khó khăn nhất, tạo quỹ đất sạch để tái định cư, xây dựng các hạng mục công trình để chống xói lở, hệ thống cầu kết nối hai bên bờ cho ô tô và cho cả người đi bộ, biến thành không gian lớn, để kênh rạch không còn ngăn cách hoạt động của người dân.
Ngoài khu ở, tạo thêm các khu chức năng khác như ngân hàng thương mại với nhiều dạng khác nhau (truyền thống, cao cấp…), các trung tâm hoạt động nhiều thể loại văn hóa, nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau (đờn ca tài tử, cải lương, hát bội, xiếc, ca nhạc, múa, triển lãm tranh ảnh, điêu khắc), hoạt động thiếu nhi, không gian luyện tập cho người lớn tuổi, chỗ chơi cho thanh thiếu niên.
Bà Tina Saaby, Kiến trúc sư trưởng TP Copenhagen (Đan Mạch): Đặt yếu tố con người lên hàng đầu Các nhà làm quy hoạch cần phải nghĩ về cuộc sống đô thị trước khi thiết kế không gian cũng như các tòa nhà… Chính cuộc sống đô thị sẽ quyết định tính bền vững và đáng sống của thành phố. Sẽ không có thành phố nếu không có người dân sử dụng, sống, làm việc và di chuyển tại các khu vực này. Bởi vậy, yếu tố con người phải đặt lên ưu tiên hàng đầu. Về không gian công cộng, chính quyền các thành phố tại Đan Mạch muốn mọi người ra đường và tiếp xúc với nhau nhiều hơn, điều này khiến cho yếu tố con người luôn được chú trọng. Việc tiếp xúc trực tiếp giữa người với người có thể xóa bỏ khoảng cách, tăng tính kết nối giữa người với người, từ đó tạo sự kết nối trong mối tương quan tổng thể ở một thành phố. Về việc thiết kế để người dân dễ tiếp cận nơi có mặt nước, trước đây tại Đan Mạch, khu vực cảng thường là khu công nghiệp với các nhà máy. Bây giờ, chính quyền các thành phố tăng cường xây dựng các khu nhà ở và khu vực công cộng ở những địa điểm này, hướng tới việc cung cấp thêm nhiều không gian mở. Bên cạnh đó, chính phủ Đan Mạch cũng ưu tiên hạ tầng cho xe đạp bằng cách xây dựng các cấu trúc chuyên dụng mới hoặc tái cơ cấu hệ thống đường hiện có. Một nghiên cứu của Đan Mạch cho thấy cứ mỗi người ta di chuyển bằng xe đạp, xã hội sẽ tiết kiệm được 23 cent trong khi mỗi kilômét sử dụng xe hơi khiến cho xã hội mất đi 16 cent. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu, Trường Đại học Việt - Đức, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam: Đẩy mạnh kết nối vùng TPHCM đang đối mặt với sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng về giao thông đô thị, giao thông công cộng. Các dự án giao thông công cộng quy mô lớn đang chậm trễ và chưa thể khai thác; cùng với đó là vấn nạn tắc đường, ô nhiễm môi trường. Mưa bão ngày 25-11-2018 ở TPHCM vừa qua là một minh chứng cho thấy đô thị ở Việt Nam đang phát triển không bền vững, mưa bão không mạnh lắm nhưng lại đủ sức làm giao thông cả một đô thị lớn bị tê liệt. Khi đô thị hóa càng mạnh thì TPHCM thoát nước càng kém, hạ tầng cản trở dòng chảy, khiến thành phố ngày càng ngập hơn. Những dự án đảm bảo cho phát triển bền vững không rành mạch, rõ ràng làm cho đô thị lúc nào cũng nơm nớp, lo lắng. TPHCM cần đầu tư mạnh mẽ cho giao thông công cộng (các tuyến xe điện ngầm và kết nối đường sắt); di dời các cảng biển nội địa khi mở rộng thành phố và chiến lược tăng trưởng mới. Đồng thời cần đẩy mạnh phát triển vùng (liên kết vùng và dải hành lang); phát triển công nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng thời cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng để tạo hiệu quả tốt nhất. |