Nhạc sĩ Huy Thục - Sáng tác thì không hưu

Nhạc sĩ Huy Thục - Sáng tác thì không hưu

Ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm nay cũng là ngày kỷ niệm nhạc sĩ Huy Thục tròn 80 tuổi (ông sinh ngày 22-12-1933). Ông tự hào nói: “Tuổi mình là Quý Dậu, con gà vất vả nhặt thóc, nhưng tiếng gáy vẫn không ngừng đấy cậu ạ! Đối với mình, công tác thì về hưu, còn sáng tác thì không hưu”. Đúng như vậy, Huy Thục vẫn sáng tác hăng say.

Năm 1946, toàn quốc kháng chiến, Huy Thục làm liên lạc cho bộ đội. Thấy Huy Thục có năng khiếu âm nhạc, năm 1950, đơn vị cử cậu vào Hậu Hiền, Thanh Hóa tìm nhạc sĩ Tạ Phước học violon. Năm 1952, lúc 19 tuổi, tuy kiến thức âm nhạc còn ít ỏi, Huy Thục cũng mạnh dạn sáng tác bài hát Chống càn bảo vệ xóm làng được bộ đội hưởng ứng.

Năm 1954, hòa bình lập lại, Huy Thục tiếp tục công tác âm nhạc trong Đoàn Văn công Quân đội. Năm 1956, được cử đi học Trường âm nhạc Việt Nam cùng với 3 nhạc sĩ quân đội là Hoàng Việt (tác giả Lên ngàn, Nhạc rừng…), Ngô Huỳnh (tác giả Con kênh xanh xanh…), Nguyễn Thành (tác giả Qua miền Tây Bắc…). Huy Thục nhỏ tuổi nhất và chưa có sáng tác nào nổi tiếng như ba nhạc sĩ kia. Sau này, từ 1977 đến 1981, ông còn được tu nghiệp âm nhạc tại Nhạc viện Liszt ở Hungary.

Nhạc sĩ Huy Thục

Nhạc sĩ Huy Thục

Huy Thục sáng tác khá nhiều ca khúc phục vụ bộ đội. Nhưng phải đến năm 1966 cho đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Huy Thục nhiều lần đi thực tế chiến trường Quảng Trị, sáng tác nhiều ca khúc, từ đó tên tuổi ông mới được quần chúng biết đến, đáng chú ý có các ca khúc như Tiếng hát trên đường quê hương (1966), Ơi dòng suối La La (1967), Tiếng đàn ta lư” (1967), Chiến thắng Làng Vây (1968)… La La là tên dòng suối nhỏ chảy quanh đồi không tên của núi Đá Bạc, rồi xuôi về sông Cam Lộ ở Quảng Trị. Trong thời chống Mỹ, năm 1967 dòng suối này đã ghi dấu chiến công oanh liệt của 10 dũng sĩ trong tiểu đội Bùi Ngọc Đủ đã tiêu diệt một đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ. Ngay sau chiến công này, Huy Thục ngồi bên suối sáng tác bài Ơi dòng suối La La và tốp ca xung kích văn công quân đội đã kịp thời biểu diễn phục vụ các chiến sĩ ta đóng quân ở gần dòng suối này.

Bài Tiếng đàn ta lư của Huy Thục ra đời ngay tại chiến trường, thể hiện niềm vui của bà con Vân Kiều mừng chiến thắng của quân dân ta. Ngôn ngữ âm nhạc mang màu sắc núi rừng, chất phác, gần với ngữ điệu giọng nói Vân Kiều. Ca sĩ hát đầu tiên bài Tiếng đàn ta lư tại chiến trường Quảng Trị là Vân Anh trong nhóm văn công xung kích của quân đội. Sau đó ca sĩ Tường Vi cũng trong văn công quân đội biểu diễn bài này trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đó, bài Tiếng đàn ta lư trở nên nổi tiếng và sống mãi qua không gian và thời gian.

Đầu năm 1969, Huy Thục có bài hát Tiến lên chiến sĩ đồng bào phổ thơ chúc tết của Bác Hồ Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn. Rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ này. Huy Thục lúc đó đang ở chiến trường, cũng tranh thủ phổ ngay bài thơ. Trong những bài phổ thơ Bác năm ấy, quần chúng đánh giá bài của Huy Thục nằm trong số ít bài thành công nhất. Phổ thơ lục bát 6-8 rất khó, Huy Thục dựa vào cách xử lý thơ 6-8 trong các bài dân ca, giai điệu không quá phụ thuộc vào cấu trúc thơ 6-8. Trong các thủ pháp xử lý, có cách chen câu gian tấu vào cuối vài câu hát để giai điệu cân đối và sinh động. Bài hát mang khá rõ nét âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh quê Bác.

Đầu tháng 9-1969, Bác Hồ ra đi về cõi vĩnh hằng, trong hàng trăm các ca khúc của các nhạc sĩ cả nước viết về Bác, Huy Thục đã sáng tác bài Bác đang cùng chúng cháu hành quân rất nổi tiếng. Bài này theo nhịp hành khúc hùng mạnh trong khi phần lớn các bài khác sâu lắng, êm nhẹ thể hiện lòng thương tiếc Bác. Để có sáng tác của mình, Huy Thục đi tìm cảm xúc bằng cách đến với chiến sĩ đang hành quân ra chiến trường để tìm hiểu tấm lòng của chiến sĩ trong nỗi mất mát chung này. Ông cảm nhận rằng, trong lòng chiến sĩ, Bác vẫn không mất, hình ảnh của Bác như vẫn luôn ở bên cạnh, vẫn theo dõi, vẫn hành quân cùng chiến sĩ. Càng tiến sâu vào mặt trận, Huy Thục bắt đầu viết bài Bác đang cùng chúng cháu hành quân. Khi viết được nửa bài, ông bị chảy máu dạ dày lần thứ tư phải đi cấp cứu từ mặt trận vào Bệnh viện 354. Trên giường bệnh, Huy Thục vừa hoàn thành bài hát thì cũng vừa ngất lịm. Bài hát Bác đang cùng chúng cháu hành quân thể hiện niềm tin và quyết tâm của người chiến sĩ quyết biến đau thương thành sức mạnh trên đường đi chiến đấu thông qua giai điệu, tiết tấu, lời ca của một hành khúc hùng tráng.

Sau khi đất nước thống nhất, Huy Thục vẫn tiếp tục sáng tác. Cách nay vài ngày, qua điện thoại, ông hồ hởi kể rằng trong năm 2013 này, ông vừa hoàn thành 4 tác phẩm: Hợp xướng 4 chương Tiếng hát Trường Sơn để kỷ niệm 65 năm đường Trường Sơn ra đời; ca khúc quần chúng Trang sử vàng thần tốc xốc tới tương lai nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Quân đoàn 2 từng đánh thẳng vào Dinh Độc Lập 30-4-1975; hai ca khúc nghệ thuật cho đơn ca nam, bài Đất nước và người lính, bài Lưu luyến mùa thu viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân vật kiệt xuất tên tuổi gắn liền với những mùa thu lịch sử, mùa thu chiến đấu… Đúng là dẫu “bát thập”, Huy Thục vẫn sáng tác rất khỏe…

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

Tin cùng chuyên mục