Với hơn 200 bài hát mượt mà, sâu lắng ra đời từ góc chợ Bàn Cờ chật hẹp, ồn ã, người nhạc sĩ lắng lòng bên cây vĩ cầm, lặng lẽ cất lên những giai điệu thật da diết, nồng nàn. Đó là nhạc sĩ Lê Trung Tín.
Thành phố tên Người - thành phố tôi yêu, Thiêng liêng biển đảo Việt Nam, Hà Nội một thời, Góc nhớ Hà Nội, Sông 17 tuổi, Chiều thu Hà Nội, Quán nhớ, Tôi yêu phố cổ… là những bài hát ghi dấu ấn của nhạc sĩ Lê Trung Tín. Các nhạc phẩm của ông đa phần phổ thơ của các tác giả tên tuổi như: Hữu Thỉnh, Trương Nam Hương, Trần Thế Tuyển, Lê Thị Kim, Tôn Nữ Hỷ Khương… Lời thơ đẹp, chất chứa nhưng ưu tư của người con xa quê, xa Hà Nội nghìn năm văn hiến, gợi về tuổi nhỏ hồn nhiên, về những miền quê hương Tổ quốc đã làm rung động lòng người nhạc sĩ Hà thành: Nhớ thương Hà Nội đến nhòa em thôi/ Gọi ba sáu phố, gọi năm mặt hồ/ Một anh một quán một chiều lá rơi (Quán nhớ, thơ Trương Nam Hương). Thơ được khoác lên bộ áo mới kết bằng những nốt nhạc ảo diệu, da diết của vĩ cầm đưa thơ bay bổng và trôi lặng vào cảm xúc của người nghe.
Nhạc sĩ Lê Trung Tín chủ yếu sáng tác theo dòng atonal, tức là sáng tác không theo điệu thức, giai điệu nhất định mà viết theo cảm xúc. Nhạc của ông mang đậm âm hưởng thính phòng sang trọng và dịu ngọt. Những ca sĩ ông chọn thể hiện ca khúc của mình phải có khả năng và cách xử lý tinh tế để phù hợp với những ca khúc chất chứa hoài niệm và ăm ắp cảm xúc của Lê Trung Tín. Đó là các ca sĩ Quang Minh, Duy Linh, Diệu Hiền và Quỳnh Như.
Và có lẽ cũng hiếm có nhạc sĩ nào chỉ sáng tác trên vĩ cầm như Lê Trung Tín. Cây vĩ cầm gắn bó với ông từ thời thơ bé. Lên 6 tuổi, Lê Trung Tín đã học nhạc. Ông thi đậu vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) học chuyên khoa violin.
Nhìn người nhạc sĩ bước sang tuổi gần với mái tóc trắng, chiều chiều gảy vĩ cầm sáng tác nhạc giữa lọt thỏm cơ man nào hàng hóa, chẳng ai hay rằng ông là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc TPHCM. Một góc nhỏ chìm lấp sau gian hàng là nơi ông trân trọng trưng bày những tấm bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương ghi dấu chặng đường âm nhạc của mình. Đó là giải thưởng cho ca khúc Trường Sa - Tổ quốc giữa trùng khơi (phổ thơ Trương Nam Hương) trong cuộc thi sáng tác về biển đảo quê hương của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giải thưởng cho bài hát Chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam do Hội Âm nhạc và Công an TPHCM tổ chức.
Ít ai biết người nhạc sĩ lúc nào cũng cười hiền, suốt ngày quanh quẩn với cửa hàng, hiếm khi tụ tập bạn bè ấy lại là anh lính lái xe tăng trên chiến trường năm xưa. Năm 1971, Lê Trung Tín khoác ba lô nhập ngũ, từ giã mái trường dù chỉ một năm nữa ông sẽ nhận bằng tốt nghiệp. Lê Trung Tín trở thành chiến sĩ lái xe tăng. Trong thời gian này, Lê Trung Tín được cử đi học lớp sáng tác. Đây là cái nôi đầu tiên để những sáng tác đầu tay của ông ra đời.
Sau giải phóng, Lê Trung Tín tạm biệt Hà Nội, cùng vợ con chọn TPHCM làm quê hương thứ hai của mình. Gia đình ông mở một tiệm tạp hóa và một sạp vải ở chợ Bàn Cờ, quận 3. Chồng trông tiệm tạp hóa, vợ trông tiệm vải. Cuộc sống mưu sinh tất bật ở phương Nam xa xôi khiến ông luôn chạnh lòng nhớ quay quắt góc phố Bà Triệu ngày thơ.
Bây giờ, cứ tranh thủ lúc chợ vãn người, quán vãn khách, ông lại pha một ấm trà, ôm cây vĩ cầm, rồi ẩn mình một góc để sáng tác ca khúc mới. Nhớ Hà Nội nên ca khúc ông phổ thơ luôn hướng về thủ đô. Nỗi nhớ gửi gắm vào các album mới đây như Góc nhớ Hà Nội, Hà Nội anh về… Một góc nhỏ Hà Nội giữa lòng phương Nam nắng ấm, nhạc sĩ Lê Trung Tín chọn một lối rong chơi với âm nhạc…
QUỲNH NGA