Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo: Điểm hẹn - ngân mãi niềm vui chung của dân tộc

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo: Điểm hẹn - ngân mãi niềm vui chung của dân tộc

Hòa trong không khí chào mừng 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chương trình nhạc giao hưởng “Điện Biên Phủ Concert” sẽ được tổ chức hoành tráng tại Nhà hát lớn Hà Nội vào tối 7 và 8-5. Tại đây, bản giao hưởng Điểm hẹn của nhạc sĩ Việt kiều Pháp Nguyễn Thiện Đạo, được đặt viết riêng cho sự kiện về Điện Biên sẽ trình diễn ra mắt lần đầu tiên. Trước đêm diễn, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo (ảnh) đã có cuộc trò chuyện với báo giới.

* Phóng viên: Cùng với hai tác phẩm nổi tiếng của nhà soạn nhạc lừng danh Ernest Chausson và Beethoven, thì Điểm hẹn là tác phẩm mới duy nhất trong chương trình đặc biệt này. Ông có thể chia sẻ về sự ra đời của Điểm hẹn?

* Nhạc sĩ NGUYỄN THIỆN ĐẠO:
Khoảng một năm trước, nhạc sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, đặt tôi viết một bản giao hưởng mừng chiến thắng Điện Biên. Khi đó Dũng cũng băn khoăn về thù lao cho tôi. Tôi nói rằng, anh không cần phải suy nghĩ điều đó. Đối với tôi, điều quan trọng là được đóng góp trong sự kiện trọng đại kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên - một bước ngoặt lịch sử của dân tộc. Vì thế, viết Điểm hẹn, tôi có niềm vui sướng của riêng mình khi được tham gia vào niềm vui lớn của dân tộc.

* Điểm hẹn sẽ hoàn toàn là âm nhạc truyền thống, hay vẫn là phong cách của ông: kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh hoa âm nhạc phương Tây với ánh sáng huyền diệu của âm nhạc phương Đông?

* Các nhà soạn nhạc phải nắm rõ được kỹ thuật của châu Âu, nhưng tinh thần và cốt lõi thì lại phải Việt Nam. Các giai điệu trong Điểm hẹn đi từ tinh lõi của dân ca Việt Nam và được viết bằng kỹ thuật, nghệ thuật hiện đại, để người nghe nhận ra được, đó chính là âm nhạc của Việt Nam. Bởi, dù sống ở đâu, tôi vẫn luôn tâm niệm mình là một người Việt Nam, nên đã bao năm nay, tôi vẫn vẹn nguyên tình yêu lắng sâu với âm nhạc quê hương, với những nốt nhạc mang đậm bản sắc dân tộc.

* Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam liệu có gặp nhiều khó khăn khi biểu diễn Điểm hẹn?

* Khi một dàn nhạc đặt viết thì mình phải hiểu rõ sở trường, sở đoản của dàn nhạc ấy. Nói như vậy nhưng không bao giờ là dễ dãi. Người sáng tác phải tôn vinh được dàn nhạc, nhưng vẫn phải giữ được phong cách sáng tác của bản thân mình. Mình phải đưa được dàn nhạc ấy lên chứ không phải giúp cho dàn nhạc ấy dễ đánh. Về kỹ thuật, có thể dàn nhạc của chúng ta so với nhiều nước có truyền thống về nhạc giao hưởng thì có gì đó còn hơi thua kém, nhưng họ cũng có nhiều ưu thế khi biểu diễn tác phẩm của tôi. Bởi lẽ chẳng có nhạc công sáo ngoại quốc nào có thể đánh được cái nốt luyến láy như nhạc công người Việt được.

* Tác phẩm có thời lượng bao lâu thưa nhạc sĩ?

* Điểm hẹn dài chừng 26 phút và đi đến tinh thần của chiến thắng, chứ không phải tả chân. Chương 1 có tên Rồng Tiên: bộ gõ và dàn dây với những phức điệu âm u, huyền bí, đưa một dòng nhạc trữ tình từ đàn vibraphone ngân vang, tượng trưng cho sự ra đời của con cháu Lạc Hồng. Chương 2 là Tình ca bắt đầu với sáo ngân vang một giai điệu trữ tình, tiếp theo dàn violoncello với khúc bi hùng rồi dàn dây quyện nhau và bộ kèn đồng, bộ gõ cắt đứt ... Tôi đặt tên chương này là Tình ca bởi dân tộc Việt Nam luôn chuộng hòa bình và tiếng sáo tượng trưng cho tình yêu của nhân dân Việt Nam. Chương 3 là Thời nô lệ, dàn dây dày đặc từ trầm lên cao và các nhạc cụ khác vào từng khối màu sắc khác nhau tượng trưng cho sự xâm lăng và thời nô lệ. Chương 4 mang tên Điểm hẹn với âm nhạc từ từ dâng lên rồi kết thúc trong khúc khải hoàn.

* Trong lần ra mắt Điểm hẹn tới, ông không chỉ huy đứa con tinh thần của mình mà tác phẩm được giao cho nhạc trưởng Honna Tetsuji?

* Nhạc trưởng Honna Tetsuji sẽ chỉ huy toàn bộ chương trình giao hưởng “Điện Biên Phủ Concert”, trong đó, có Điểm hẹn. Tôi và Honna Tetsuji đã biết và từng làm việc với nhau một vài chương trình trước đây. Ông Honna cũng đã chỉ huy rất xuất sắc một số tác phẩm của tôi. Thêm nữa ông ấy cũng rất trân trọng bản nhạc này, nên tôi cảm thấy hài lòng khi ông Honna sẽ chỉ huy biểu diễn tác phẩm Điểm hẹn.

* Xin cảm ơn ông!

GS, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo có tên trong 2 cuốn từ điển danh nhân lớn nhất của Pháp: Le petit Larousse và từ điển Le Petit Robert cùng một số cuốn khác như Who’s who? (Mỹ) và Who’s who in music (Anh). Ông cũng vinh dự được nhận giải thưởng “André Caplet” cho toàn bộ tác phẩm cùng Huân chương “Chevalier des Arts et des Lettres” của Pháp. Ông còn được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba và Huy chương Chiến sĩ văn hóa. Ông cùng nhạc sĩ Đặng Thái Sơn là 2 nhạc sĩ Việt Nam được đặc cách mang 2 quốc tịch. Năm 2005, ông cũng là một trong 15 người được nhận danh hiệu “Vinh danh đất Việt”.

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục