Có dịp, tôi được đọc một bài viết của nhạc sĩ Phạm Duy nói về một nhạc sĩ “đờn ca tài tử Việt Nam” được thu dĩa. Dĩa nhạc này được giải thưởng Hàn lâm Viện dĩa hát Pháp Quốc: Phong xuy trịch liễu do Trung tâm Nghiên cứu nhạc phương Đông bảo trợ và Yến tước tranh ngôn (hãng dĩa Oria - Chợ Lớn). Theo nhạc sĩ Phạm Duy, hai “điệu ca” này được cụ Nguyễn Tri Khương viết vào những năm 1924-1927.
"Bài Yến tước tranh ngôn (Chim én - se sẽ cãi nhau) với lời ca tả hai người hề đồng cãi nhau thật là vui vẻ và thanh thoát (như tiếng chim ríu rít). Nhịp điệu toàn là nhịp “chỏi” nhưng vẫn để dành chỗ cho ca sĩ thở. Nét nhạc đặc biệt Việt Nam bay bổng trên năm cung bực căn bản đã được Trần Văn Khê trình bày một cách rất duyên dáng. Bài này lại còn nhờ ở phần hòa điệu do nhạc cụ Tây phương phát âm mà càng thêm phần quyến rũ. Bài Phong xuy trịch liễu (Gió vật cây liễu) với tính chất hơi lặng lẽ u buồn đã được tiếng đàn thập lục của Trần Văn Khê vuốt ve trìu mến. Nghe hai bài ca nhạc đã được thu thanh và in thành dĩa hát kể trên, tôi đã được học hỏi thêm hiều về ca nhạc cổ truyền miền Nam. Hai bài tuy là những sáng tác của người đương thời nhưng vẫn nằm tròn trong truyền thống nhạc xưa và mang tất cả những đặc tính dân tộc”(*).
Từ bài viết này tôi mới đi tìm hiểu thử “tài tử Nam bộ” Nguyễn Tri Khương là ai? Thật không ngờ đây chính là cháu nội của ông Nguyễn Tri Phương và là cậu ruột của GS-TS Trần Văn Khê. Theo bài viết của GS-TS Trần Văn Khê thì cụ Nguyễn Tri Khương là người đã gieo mầm âm nhạc cho ông khi ông còn nằm trong bụng mẹ.
Theo hồi ký của GS-TS Trần Văn Khê: “Thuở nhỏ, cậu bé Năm Khương (sinh năm 1890) thông minh đỉnh ngộ, có vốn Nho học và Tây học, văn hay chữ tốt. Từ 10 tuổi cậu đã bắt đầu học nói tiếng Pháp. Với vốn hiểu biết đó, chàng trai Năm Khương còn có khiếu truyền nghề dạy học. Đến năm 1920, khi em gái thứ tám của ông giáo Năm đang mang thai thì ông lại có một ý nghĩ làm sao để cho đứa con của em mình trở thành một nhạc sĩ nối tiếp truyền thống của hai gia đình Trần Nguyễn. Mỗi ngày hai lần, ông đến thổi sáo cho đứa nhỏ trong bào thai được nghe. Ông lại lấy những sách như Luận ngữ, Nhị thập tứ hiếu, Cổ học tinh hoa để đọc và giảng cho em gái nghe mỗi ngày, không cho em đi nghe hát bội mà trong nhà chỉ treo những bức tranh có phong cảnh và con người đẹp. Nhờ sự giáo thai đó mà đứa bé sanh ra lớn lên trở thành một người đem cả đời phụng sự âm nhạc dân tộc là GS-TS Trần Văn Khê.
Đến năm 1926, khi gánh hát Đồng nữ ban của bà Trần Ngọc Viện được thành lập thì ông giáo Năm được mời viết vở tuồng mới chuyển thể quyển tiểu thuyết Giọt máu chung tình ra thành vở cải lương mang tên là Giọt lệ chung tình. Tất cả lời đối thoại trong tuồng đều mang tính chất văn chương rõ rệt. Các câu nói lối Xuân, lối Ai đều viết theo lối văn biền ngẫu, nội dung nhiều đoạn rất mạnh, nói lên tâm tư của dân tộc Việt Nam lúc đó đang có tinh thần chống chính sách đô hộ thuộc địa như đoạn Võ Đông Sơ đánh bại kẻ cướp rồi thì khi đạp trên mình kẻ cướp đã chỉ mặt nó mà hỏi:
“Tại sao nhà ngươi:
Đem cường quyền đạp công lý,
Mượn võ lực dốc tung hoành?
Nhà ngươi phải biết rằng: Hễ phạm tự do thì xã hội dám hy sinh/ Còn đạp công lý thì quốc dân đành xả mạng”.
Trong lúc thành lập gánh hát, ông giáo Năm luôn luôn theo dõi những buổi tập tuồng, có khi sửa những câu nói lối hay bài hát để cho những diễn viên của gánh hát đồng nữ dễ nói, dễ ca, có thần hơn. Khi gánh hát đi diễn các nơi khác thì ông giáo Năm cùng bà giáo đi theo ghe chài của gánh hát trong một chiếc ghe tam bản có đủ chỗ ăn, chỗ ngủ cho hai vợ chồng. Mỗi đêm hát ông giáo Năm thổi sáo cho dàn nhạc. Đến khi gánh hát tan rã, ông giáo Năm trở về làng Đông Hòa và lo trồng lúa trong vùng đồng phèn, trồng cây ăn trái trong khu vườn xung quanh nhà và tiếp tục dạy học cho những đứa trẻ có khiếu trong làng. Đặc biệt, ông dạy cho hai đứa cháu ruột là hai chú bé Khê và Trạch biết làm những câu đối, biết sử dụng những cây đàn dân tộc. Dạy cho chú bé Trần Văn Khê biết đờn cò, những bài khó như bài hạ, đờn theo bốn cách lên dây, dây thuận, dây nghịch, dây nguyệt đìu và dây chẩn; dạy hàm thụ về lịch sử âm nhạc, đặc biệt là các sinh hoạt về âm nhạc tài tử và nhạc lễ trong tỉnh Tiền Giang, giúp cho cháu ruột của mình là Trần Văn Khê hoàn thành luận án Tấn sĩ bằng cách cung cấp tư liệu sống động về lịch sử của âm nhạc tài tử miền Nam”.
Trở lại bài báo của nhạc sĩ Phạm Duy viết năm 1960. Sau khi xuống xã Đông Hòa (tỉnh Định Tường cũ), Phạm Duy đã tỏ lòng cảm phục: “Riêng tôi rất khâm phục người nhạc sĩ bực chú bác, đại diện sáng láng nhất của ngành nhạc cổ truyền miền Nam, đơn vị còn say sưa và tinh khiết nhất trong làng nghệ sĩ cổ nhạc. Trong tất cả những người bạn còn đang bấu víu lấy truyền thống âm nhạc dân tộc, tôi thấy cụ Nguyễn Tri Khương là người chân thành nhất, sáng suốt nhất và nhiều tin tưởng nhất”.
Hai năm sau khi bài báo này được đăng (năm 1962), cụ Nguyễn Tri Khương tạ thế. Miền Nam đã mất đi một cây đa cổ nhạc Nam phần để lại cho hậu thế hai dĩa hát Yến tước tranh ngôn và Phong xuy trịch liễu.
--------------------
(*) Truyền thống cổ nhạc Nam phần - Phạm Duy - tạp chí Thế kỷ 20, số tháng 10/1960
LÊ VĂN NGHĨA