Cứ mỗi năm, đến ngày 30-4, những hình ảnh, kỷ niệm về ngày đầu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước lại tuôn tràn trong tâm trí người nhạc sĩ tài hoa Phan Huỳnh Điểu (ảnh).
Dẫu đã 37 năm, nhưng ký ức về ngày chiến thắng hào hùng vẫn luôn nóng hổi, tràn đầy sức sống và không bao giờ phai nhạt trong trái tim người nghệ sĩ.
Ông chia sẻ: “Nhớ ngày 30-4 năm ấy, tôi đi trong đoàn văn nghệ sĩ khoảng 30 - 40 anh em, trong đó có Nguyễn Khải, Thu Bồn, Nguyên Ngọc… cùng bộ đội tiến về giải phóng Sài Gòn, ai nấy rất náo nức, mừng vui khôn xiết. Cả Sài Gòn đầy sức sống, rực rỡ cờ hoa. Trong hoàn cảnh ấy, khó tả sao cho hết tình cảm Bắc - Nam thân thương, sâu sắc, mang nặng ý nghĩa và lịch sử khó có sự lặp lại. Đặc biệt, đến chiều 1-5, tôi gặp được mẹ sau bao năm xa cách, thật không có hạnh phúc nào hơn…”.
Người nhạc sĩ tài hoa được mệnh danh “con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam” nhắc lại những kỷ niệm đẹp khó quên với nhiều xúc cảm. Ông chỉ tiếc, ngay thời điểm ấy đã không viết được bài nào. Mãi sau này, sáng tác Đất lành chim đậu của ông ra đời, như một lời cảm ơn chân tình, trong đó gửi gắm bao tình cảm của người nghệ sĩ đối với thành phố thân yêu.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Đông: Lần đầu gặp Bến Nhà Rồng
Gặp lại họa sĩ Nguyễn Xuân Đông (ảnh, bìa trái) trong những ngày Hội Mỹ thuật TPHCM kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Phòng Hội họa Giải Phóng. Tay cầm quyển vựng tập Tranh kháng chiến của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, ông bảo thật thú vị khi tập sách này lại do chính ông David Thomas, một cựu chiến binh Mỹ, từng sang Việt Nam, biên tập, sắp xếp, dịch thuật.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Đông giờ là Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM. Trông ông vẫn giữ được tác phong của một chiến sĩ trinh sát, chuyên vẽ đồ bản năm xưa. Ông kể chuyện, người vẽ đồ bản khi đi điều nghiên bót, đồn, địa thế địch, rất dễ bị hy sinh trước khi vào trận đánh! Ông tự nhận mình quá may mắn, khi chiến tranh đi qua mà vẫn sống. Hồi ấy, sống ở chiến trường miền Đông Nam bộ, anh em chiến sĩ, bộ đội khó quên con đường 13 nổi danh với nhiều trận chiến đấu khốc liệt. Bởi nó là huyết mạch của tuyến Sài Gòn – Lộc Ninh – Tây Ninh – biên giới Campuchia, cho nên bằng mọi giá anh em cố gắng giữ các “chốt chặn” cho đến ngày giải phóng.
“Ngày 30-4-1975, chúng tôi được bố trí đi cùng Quân đoàn 4, có lúc theo Sư đoàn 7, có lúc kết hợp với Trung đoàn 209 tiến về Sài Gòn…” - họa sĩ Xuân Đông kể tiếp: “Đoàn quân của chúng tôi đi từ Hố Nai, qua cầu Sài Gòn, hướng về phía quận 4 và được lệnh đóng quân ở Bến Nhà Rồng. Một cảm xúc hạnh phúc ấm áp làm sao khi gặp được nhiều người dân ở bến cảng ra đứng dọc theo đường, reo hò, nồng nhiệt chào đón bộ đội giải phóng. Chúng tôi vui quá! Nhưng, có thể nói, còn một cảm xúc rất lớn làm tôi thật nghẹn ngào khi được biết mình đang đặt chân ở mảnh đất lịch sử thiêng liêng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước năm xưa. Vui sướng quá! Lần đầu tiên, chúng tôi đã gặp được Bến Nhà Rồng…”.
KIM ỬNG