Nhạc sĩ Trần Long Ẩn: Vang mãi lời ca sống vì mọi người

Từ một sinh viên yêu nhạc, tập tành sáng tác, Trần Long Ẩn dấn thân theo cách mạng, rồi trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng và là một trong số các nhạc sĩ Việt Nam được trao tặng Giải thưởng Nhà nước. Ở tuổi thất thập, anh vẫn hăng say với sáng tác và tận tụy với nhiệm vụ lãnh đạo Hội Âm nhạc TPHCM.1.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn: Vang mãi lời ca sống vì mọi người

Từ một sinh viên yêu nhạc, tập tành sáng tác, Trần Long Ẩn dấn thân theo cách mạng, rồi trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng và là một trong số các nhạc sĩ Việt Nam được trao tặng Giải thưởng Nhà nước. Ở tuổi thất thập, anh vẫn hăng say với sáng tác và tận tụy với nhiệm vụ lãnh đạo Hội Âm nhạc TPHCM.

1.
Trần Long Ẩn sinh ngày 29-9-1944 ở Bình Định, nơi có truyền thống hát bội, hát bài chòi và là đất võ Tây Sơn. Khi còn nhỏ, cậu bé Ẩn đã tham gia ca hát, nhưng không được đào tạo bài bản về âm nhạc, võ nghệ cũng chẳng hơn ai. Nhưng ý chí bất khuất truyền thống của quê hương có sẵn trong máu, nên khi là sinh viên đại học ở Sài Gòn (ban Triết Tây phương - Văn khoa), Trần Long Ẩn sớm trở thành “sinh viên tranh đấu” chống chế độ Sài Gòn cũ.

Từ năm 1955, ở đô thị miền Nam bắt đầu nổ ra các cuộc đấu tranh xuống đường đòi dân sinh, dân chủ. Trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe, học sinh sinh viên tổ chức ca hát trong những “đêm không ngủ”, “đêm đốt lửa căm thù”. Trần Long Ẩn lúc ấy là người có giọng hát khá hay trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe. Được bạn bè khuyến khích, trong không khí sôi sục, anh sáng tác một loạt bài: Người mẹ Bàn Cờ, Hoa lục bình, Hát trên đường tranh đấu, Hành khúc thành phố, Người cha bến tàu, Người hát cho phận mình…, trong đó, Người mẹ Bàn Cờ là bài hát được quần chúng cả nước biết đến nhiều nhất.

Vào một đêm mưa cuối tháng 4-1970 ở Sài Gòn, tại ngã tư đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) và Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám), Trần Long Ẩn tình cờ thấy những người mẹ, người chị, các bác xích lô ở khu vực Bàn Cờ đang chuyển đồ ăn, thức uống cho học sinh, sinh viên, đồng bào ta đang chiếm giữ khuôn viên tòa đại sứ Lon Non (nay là trụ sở UBND quận 3) để trả thù việc Lon Non tàn sát dã man bà con Việt kiều ở Campuchia. Đêm hôm ấy anh không sao ngủ được. Sáng hôm sau, được đọc bài thơ Bà mẹ Bàn Cờ của Nguyễn Kim Ngân, bạn học ở đại học, những nốt nhạc đầu tiên bỗng bật lên từ đáy lòng anh để rồi sau đó hình thành nên ca khúc Người mẹ Bàn Cờ. Sáng 1-5-1970, bài hát này đã kịp thời vang lên trước tòa đại sứ Lon Non và khu vực Bàn Cờ, được quần chúng nhiệt tình hưởng ứng.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn: Vang mãi lời ca sống vì mọi người ảnh 1

Tác giả và nhạc sĩ Trần Long Ẩn (trái).

2. Một bước ngoặt trong đời, ngày 17-4-1972, Trần Long Ẩn cùng Nguyễn Văn Sanh rời Sài Gòn ra vùng giải phóng. Trước đó, cuối năm 1971, anh về thăm quê và người thân ở Bình Định, nhưng để giữ bí mật, anh không cho ai biết dự định ra vùng giải phóng của mình, kể cả người mẹ thân yêu. Sau đó mẹ anh đã tốn nhiều công sức, thời gian, kể cả tiền bạc đi tìm đứa con trai đi biệt tích, nhưng chẳng thấy tăm hơi. Sau ngày giải phóng, hai mẹ con mới gặp lại nhau.

Đối với Trần Long Ẩn, những năm tháng ở vùng giải phóng là khoảng thời gian quý báu, để lại nhiều kỷ niệm, ấn tượng sâu đậm. Anh có dịp nghiên cứu, học hỏi thêm về nhạc lý, dân ca, văn học, chính trị, triết học… Những người anh đi trước như các anh Lưu Hữu Phước, Lư Nhất Vũ, Ngô Đông Hải, Hồ Bông, Ngô Y Linh, Giang Nam, Hoài Vũ… đã “rút ruột” truyền nghề lại cho những đứa em đến với chiến khu, đến với cách mạng.

Ở chiến khu hai năm, đầu tháng 4-1974, anh được ra miền Bắc học tập. Cùng đi trong đoàn còn có các anh Lê Duy Hạnh, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh, Trần Văn Ánh; các chị Hoàng Thị Hạnh, Trần Thị Thanh Lê… Ở Hà Nội, theo đúng nguyện vọng, anh được vào Trường Âm nhạc Việt Nam và được dành mọi phương tiện thuận lợi nhất để học tập. Các thầy dạy cho anh là nhạc sĩ Chu Minh, Ca Lê Thuần, Nguyễn Thị Nhung, Đinh Quang Hợp, Tào Hữu Huệ… Có một sự trùng hợp khá lý thú: 30-4-1974, anh đến Hà Nội; 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Chính bước ngoặt lịch sử: miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất đã chắp cánh cho Trần Long Ẩn có những sáng tác bay cao, bay xa và đạt những thành tựu đáng kể trên con đường hoạt động âm nhạc. Anh từng tâm sự với bạn bè, trước năm 1975, những sáng tác của anh còn non nớt về mặt kỹ thuật, ra miền Bắc, anh bắt đầu được học bài bản. Và sau ngày thống nhất, anh tiếp tục học đại học sáng tác tại Nhạc viện TPHCM, từ đó sáng tác càng dồi dào. Đến nay, Trần Long Ẩn có trên 100 tác phẩm, đáng chú ý có các bài Tình đất đỏ miền Đông, Đàn sáo Hậu Giang, Đi qua vùng cỏ non, Một đời người một rừng cây, Đêm thành phố đầy sao, Xin làm người hát rong, Trên mảnh đất tình người

Trong bài Một đời người một rừng cây, Trần Long Ẩn muốn gửi gắm một kỷ niệm trong đời, đồng thời nêu lên một triết lý, một quan niệm sống vì mọi người. Anh sáng tác bài này năm 1984, ghi lại cảm xúc của chuyến vượt Trường Sơn ra Bắc, con đường đầy những cây cổ thụ gãy đổ vì bom đạn, nhưng trên đó nhiều cụm lan rừng mọc lên, chim kéo về làm tổ hót vui. Anh tưởng tượng đó như những thế hệ cha anh dũng cảm hy sinh để con cháu sinh sôi tươi tốt. Anh lại nhớ đến rừng đước, cây mọc san sát, thân vươn thẳng lên trời, như những con người sát cánh bên nhau vượt gian khổ, gìn giữ bảo vệ quê hương.

Đầu năm 1998, khi thực hiện bộ phim tài liệu Đêm hoa đăng nói về cuộc đời các nghệ sĩ dân gian Nam bộ trong những gánh hát rong trước đây, đạo diễn Mộng Long (Xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu) đã ngỏ lời với NS Trần Long Ẩn viết ca khúc chủ đề cho bộ phim. Anh vui vẻ nhận lời bởi lẽ nội dung bài hát cũng là điều anh từng tâm đắc, từng mong muốn được làm “người hát rong” trên chính quê hương mình. Thế là ca khúc Xin làm người hát rong ra đời. Với giọng Mi thứ và điệu slow surf, âm hình giai điệu bài hát nhẹ nhàng sâu lắng như lời tâm sự sâu kín, như tiếng ru hời của mẹ, như lời tâm tình bạn bè nhắn nhủ gọi mời hãy trở về với cội nguồn dân tộc, với quê hương xứ sở, hãy hát lên tiếng hát của chính con tim mình, không để pha tạp những nét nhạc ngoại lai.

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

Tin cùng chuyên mục