Sau khi chiến thắng tại MTV châu Âu bảng bình chọn khu vực Đông Nam Á, Mỹ Tâm lại có tên trong đề cử Nữ ca sĩ xuất sắc nhất tại World Music Awards 2013. Bài hát Your heart của Hà Okio lọt vào bảng đề cử vòng loại hạng mục “Trình diễn nhạc pop xuất sắc nhất” giải Grammy 2014. Những tín hiệu trên nói lên điều gì?
Những tín hiệu ban đầu
Năm 2013 là một năm đáng nhớ của ca sĩ Mỹ Tâm khi cô gặt hái khá nhiều thành công. Trong số đó, ấn tượng hơn cả là việc có tên trong danh sách đề cử cho hạng mục Nữ nghệ sĩ xuất sắc nhất (World’s Best Female Artist) của Giải thưởng Âm nhạc thế giới 2013 (World Music Awards - WMA). Đây là giải thưởng tôn vinh các nghệ sĩ có bản thu, album bán chạy nhất thế giới thông qua bình chọn trên internet. Cô là một trong 35 đại diện đến từ châu Á có mặt trong danh sách 145 người. Hạng mục giải thưởng này quy tụ nhiều tên tuổi đình đám: Madonna, Mariah Carey, Adele, Lady Gaga, Miley Cyrus… Trước đó, tại giải thưởng MTV châu Âu 2013 (Europe Music Awards - EMA), tuy đã dừng bước ở vòng bình chọn thứ 2 ở hạng mục Best Worldwide Act nhưng tên Mỹ Tâm vẫn được vinh danh trong danh sách những người chiến thắng MTV EMA 2013 đăng trên trang web chính thức của chương trình.
Sau Mỹ Tâm, một tin vui đáng kể nữa cho nhạc Việt cuối năm 2013 chính là việc lần đầu tiên Việt Nam có đại diện lọt vào một bảng đề cử của giải thưởng âm nhạc danh giá bậc nhất thế giới - giải Grammy. Cụ thể, bài hát Your heart của Hà Okio lọt vào bảng đề cử vòng loại hạng mục Trình diễn nhạc pop xuất sắc nhất của giải Grammy 2014. Ca khúc Your heart của Hà Okio do Anand Bhatt, trưởng ban nhạc rock Anand Clique, đề cử. Ca khúc này được Hà Okio sáng tác theo phong cách Urban R&B và được nhạc sĩ Dương Khắc Linh hỗ trợ hòa âm. Nội dung bài hát chủ yếu nói về những mối quan hệ trong xã hội hiện đại.
Ở góc độ là một nhà sản xuất âm nhạc có uy tín, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho rằng đó là những tín hiệu đáng mừng cho âm nhạc Việt Nam. “Tôi nghĩ chúng ta xứng đáng vì những cố gắng, đặc biệt là những nghệ sĩ liên tục trau dồi và làm nghề nghiêm túc như Mỹ Tâm hay Hà Okio. Nhưng để thực sự được ghi nhận ở các sân chơi thế giới thì còn lâu lắm. Bởi lẽ, chúng ta hoàn toàn tự loại mình ra khỏi cuộc chơi vì thường chọn cách chơi không đủ tiêu chuẩn, đó chính là vấn đề bản quyền. Âm nhạc của Việt Nam thiệt thòi hơn các nước khác chính là vì không có nền tảng về vấn đề bản quyền. Những trường hợp này chỉ là tín hiệu vui của những cố gắng ban đầu.
Đằng sau những bình chọn?
Quả thật, có thể thẳng thắn nhận định rằng Việt Nam vẫn nằm ở vùng trũng của âm nhạc thế giới. Thực tế những năm qua, bằng cách này hay cách khác, nhiều nghệ sĩ vẫn nỗ lực tìm cách, đa phần là tự thân, đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài nhưng phần lớn đều không thành công bởi các album chủ yếu vẫn là hát bằng tiếng Việt, phát hành ra nước ngoài với quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Trong khi đó, theo một nhà sản xuất âm nhạc (giấu tên), muốn nhận định về vị trí nhạc Việt trên thế giới phải đo đếm bằng sản phẩm được tiêu thụ thế nào bởi công chúng nước ngoài cũng như giới chuyên môn thế giới đánh giá ra sao… Nên nhớ, MTV EMA thật ra chỉ là một cuộc đua về mức độ phổ biến trong hình ảnh và hoạt động của ca sĩ chứ không phải là một cuộc đua của một giải về thể loại, chất lượng âm nhạc. Còn giải thưởng WMA vốn không có hội đồng chuyên môn và 9 giải thưởng trong số này là bình chọn online.
Không ít người đặt câu hỏi, dù khá dè dặt, liệu phía sau những đề cử trên, có phải là những động thái cho thấy sẽ có sự thâm nhập ngày càng mạnh hơn của những tập đoàn kinh doanh âm nhạc, nhất là âm nhạc trực tuyến, ở thị trường Việt Nam? Việc các “ông lớn” trên thế giới tìm cách mở rộng thị phần và tầm ảnh hưởng của họ tại thị trường Việt Nam bằng việc đưa các tên tuổi có ảnh hưởng vào các bảng bình chọn hoặc làm đa dạng hóa tính khu vực cho bản thân giải thưởng đó là điều có thể nghĩ đến.
Dù hiện tại có thể chỉ là những đốm sáng lập lòe nhưng như thế cũng đủ hân hoan bởi hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những ánh lửa bùng lên từ những đốm sáng ấy.
GIA BÌNH