1. Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta cảm thấy khác thường và khó chịu với những hình ảnh dưới đây: trên bàn làm việc của một phụ nữ có cái gạt tàn thuốc lá; trong lần đầu ra mắt nhà bạn trai, cô gái tranh thủ lúc vãn chuyện liền ra ngoài hiên hút thuốc và không cần giấu giếm điều đó với mọi người; trong giờ ăn sáng tại nhà, người vợ, người mẹ vừa nhâm nhi cà phê đen vừa rít thuốc liên hồi; sau một cuộc họp, đến giờ giải lao, nữ thủ trưởng ra ngoài hành lang vừa hút thuốc vừa nói chuyện với mọi người…
Những điều liên quan đến thuốc lá đó vốn diễn ra bình thường với nam giới, tại sao chúng ta thấy khác thường với nữ giới? Có phải như vậy là bất công với phái đẹp không?
Hút thuốc xét cho cùng là một hành vi mang tính thói quen hơn là một hành vi mang tính đạo đức. Không thể vì thói quen hút thuốc mà phụ nữ bị cho là thiếu đứng đắn; cũng như không vì hút thuốc mà phụ nữ đáng bị lên án; trong khi lại xem là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được ở nam giới.
Xét ở sự tác động xấu đến bản thân người hút thuốc và những người xung quanh, hút thuốc là thói quen xấu và cần thiết được vận động, tuyên truyền để mọi người cùng giảm hút thuốc tiến đến từ bỏ thuốc lá, ở cả nam lẫn nữ.
2. Hành vi hút thuốc của phụ nữ thường được nhìn nhận thiếu thiện cảm nhưng sự chịu đựng của phụ nữ đối với thuốc lá lại dường như là điều rất bình thường. Trong gia đình, người chồng, người cha thường thản nhiên xả khói thuốc trước mặt vợ hoặc con gái; trong cơ quan, thủ trưởng và đồng nghiệp nam thường vô tư rít thuốc trước mặt đồng nghiệp hoặc cấp dưới là phụ nữ; ở nơi công cộng, nam giới vẫn tự cho mình có hút quyền hút thuốc trước bất kỳ ai, kể cả phụ nữ và trẻ em…
Từ hiện tượng này, ta có thể kết luận rằng nam giới chưa thực sự tôn trọng nữ giới? Hay phụ nữ tự cho mình có nghĩa vụ phải chịu đựng khói thuốc lá của nam giới? Vì vậy, để đấu tranh cho một môi trường không có khói thuốc lá, cần có sự chủ động tham gia của cả nam và nữ.
3. Ghép vấn đề hút thuốc lá vào vấn đề bình đẳng giới thoạt nghe có vẻ khiên cưỡng và không thực sự hợp lý. Vì hút thuốc thường được xem là một hành vi mang tính thói quen (dù không phải là thói quen tốt) còn bình đẳng giới lại thuộc về phạm trù ý thức xã hội, mang tính lịch sử và đặc trưng của từng xã hội. Nhưng xét kỹ, đây là vấn đề rất đáng quan tâm.
Rõ ràng, nếu tôn trọng vấn đề bình đẳng giới thì nên có sự nhìn nhận tương tự nhau (chấp nhận khác biệt nhưng không quá xa nhau) đối với cùng một hành vi, dù do nữ giới hay nam giới thực hiện. Đối với vấn đề hút thuốc lá, nếu xem là thói quen thì không nhất thiết định kiến với phụ nữ. Còn xem đó là vấn đề sức khỏe thì cả nam lẫn nữ hút thuốc đều không tốt.
Nếu xét mặt tác động đến người xung quanh thì cả nam lẫn nữ (do chủ động hoặc thụ động) đều chịu tác động xấu, thậm chí phụ nữ còn chịu tác động nghiêm trọng hơn (nhất là với phụ nữ đang mang thai) và do thể trạng của nữ giới.
Vì vậy, trong một xã hội văn minh, mọi người đều bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau thì xét riêng trong việc hút thuốc lá, bản thân nam giới – với tư cách là lực lượng hút thuốc đông đảo trong xã hội – phải tự ý thức được tác hại của khói thuốc lá, không chỉ cho mình mà còn cho nhiều người khác, trong đó có phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ ngay trong gia đình mình.
Trong khi đó, phụ nữ một mặt phải tự bảo vệ mình (không hút thuốc và chủ động tránh xa môi trường có khói thuốc) mặt khác phải chủ động và mạnh dạn đấu tranh chống hành vi xả khói thuốc của nam giới.
Trịnh Minh Giang (Thủ Đức)