Khác với hình ảnh học sinh thụ động ngồi vào bàn với từng khay thức ăn dọn sẵn, hiện bữa ăn tập thể theo hình thức buffet tự chọn đang là một trong những nét mới của bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học. Dù nhận được phản hồi rất tốt từ phía phụ huynh, song nhiều trường vẫn chưa thể thực hiện. Vì sao?
Giáo dục văn hóa ăn uống
Từ hơn 3 tháng qua, học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1 TPHCM) rất hào hứng với việc được ăn trưa theo hình thức buffet tự chọn, học sinh có thể tự do chọn món ăn theo sở thích. Vị trí ngồi ăn cũng do chính các em lựa chọn. Gia Tài, học sinh lớp 5/7, cho biết: “Khác với kiểu ăn truyền thống, tụi em chỉ việc ngồi vào bàn, khay thức ăn đã được các cô dọn sẵn. Thực đơn hôm nào cũng có 3 món chính và một phần trái cây. Nay ăn theo kiểu buffet thích hơn vì số lượng món ăn không giới hạn, ai thích món nào có thể ăn món đó, ăn hết món này có thể quay lại xếp hàng lấy món kia”. Chuông báo đến giờ ăn trưa, học sinh dưới sự hướng dẫn của nhân viên bảo mẫu di chuyển đến khu vực để khay đựng bát, đĩa, muỗng rồi chia nhau tiến đến các xe để thức ăn ở giữa sân trường. Mỗi xe có khoảng 8 món gồm đồ mặn, món canh và rau xào. Ở một góc sân trường còn có trái cây và sữa tráng miệng. Ông Bùi Duy Phương, hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ đầu năm học 2013 - 2014 đến nay, cứ mỗi hai tuần một lần nhà trường tổ chức ăn trưa theo hình thức buffet tự chọn, luân phiên cho từng khối lớp. Tuần này học sinh khối 5 ăn buffet thì hai tuần sau sẽ đến khối 4, áp dụng tuần tự với các khối còn lại. “Phản hồi của phụ huynh về mô hình này rất tốt, nhiều ý kiến còn đề xuất tăng số lượng bữa ăn buffet để đáp ứng nhu cầu của học sinh. Bởi thông qua hình thức tổ chức ăn trưa này, các em được giáo dục rất nhiều về kỹ năng tự phục vụ, xếp hàng không chen lấn”, ông Phương cho biết.
Đồng quan điểm, bà Dương Thị Ngọc Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (quận 3), đánh giá: “Tổ chức ăn trưa theo hình thức buffet vừa giáo dục học sinh về văn hóa ăn uống, biết xác định khẩu phần ăn theo sở thích, không bỏ phí thức ăn, vừa bổ sung thêm cho các em kiến thức về dinh dưỡng, nắm được yêu cầu của một bữa ăn đòi hỏi cơ thể dung nạp những dưỡng chất gì”. Song, để làm được điều đó cần có sự phối hợp của nhiều bộ phận nhân viên trong nhà trường. Phương châm tổ chức buffet của Trường Tiểu học Phan Đình Phùng là “góp một món để được ăn nhiều món”, nhà trường tổ chức một số món ăn cơ bản, sau đó kêu gọi thêm sự đóng góp của phụ huynh. Nhờ đó từ đầu năm học 2011-2012 đến nay, cứ hai tháng một lần, hơn 2.000 học sinh toàn trường lại được hòa mình vào không khí ăn uống náo nhiệt như ngày hội, vừa giúp các em gắn bó hơn với trường lớp vừa để lại nhiều ký ức đẹp trong quãng đời học sinh.
Lực bất tòng tâm
Không thể phủ nhận những lợi ích từ mô hình tổ chức ăn buffet mang lại, song hiện nay số lượng trường học thực hiện ăn trưa theo hình thức này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiệu trưởng một trường tiểu học vùng ven bày tỏ, tổ chức cho học sinh ăn buffet tốn kém hơn rất nhiều so với ăn trưa 3 món truyền thống. Đó là chưa kể phải xác định số lượng món ăn bao nhiêu là đủ, mỗi món nấu nhiều ít thế nào để phù hợp với nhu cầu học sinh, không lãng phí thức ăn luôn là bài toán khó. Nếu không tính toán kỹ lưỡng, nhà trường sẽ không đủ kinh phí duy trì bữa ăn buffet cho học sinh bán trú. Trong khi đó, đối với các trường ở nội thành, diện tích sân bãi tổ chức ăn trưa lại là vấn đề nan giải. Nhiều trường ngay cả sân chơi cho học sinh còn không có, giờ ăn bán trú, các em phải tận dụng bàn học buổi sáng làm chỗ ăn trưa, ăn xong dọn dẹp rồi ngủ luôn trên đó. “Hầu hết mọi sinh hoạt tổ chức cho học sinh từ sáng đến chiều đều diễn ra trong lớp học. Có lẽ mơ ước về một nhà ăn khang trang, sạch sẽ cho các em còn lâu lắm mới có thể thực hiện”, giáo viên một trường tiểu học ở quận 1 bày tỏ. Chính vì lẽ đó, nhiều trường chưa thể mạnh dạn tổ chức ăn trưa buffet cho học sinh - mô hình vốn đòi hỏi nhiều về điều kiện sân bãi.
Mặc dù đã có nhiều ý kiến lo ngại về việc tổ chức ăn trưa theo hình thức bán trú truyền thống, học sinh được phục vụ “cơm bưng, nước rót tận nơi” sẽ khiến các em trở thành những “chú gà công nghiệp”, không được giáo dục về văn hóa ăn uống và kỹ năng tự phục vụ. Nhưng nếu tổ chức ăn trưa theo hình thức tự phục vụ, các trường lại không tìm đâu ra diện tích sân bãi. Mặt khác, quy định hiện nay của Bộ GD-ĐT chỉ khuyến khích các trường tổ chức bán trú cho học sinh nhưng chưa có bất kỳ hướng dẫn nào về việc tổ chức hệ thống nhà ăn, phòng nghỉ. Đó là một trong những lý do khiến các trường ngại đổi mới, tổ chức ăn buffet nếu có chỉ thực hiện được vào những dịp lễ như tổng kết năm học, kỷ niệm ngày thành lập trường hoặc hoạt động ngoại khóa. Vì vậy, đổi mới bữa ăn bán trú hiện nay vẫn ngoài tầm với đối với các trường.
THU TÂM