Phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tăng lượng rác đã được phân loại trước khi chuyển giao cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu lượng rác phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp, giảm chi phí xử lý và giảm nguy cơ rủi ro cho môi trường.
Bất cập trong quản lý môi trường
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, tính cho đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 7.000 tấn rác/ngày. Ngoại trừ 10% lượng rác đang được chuyển cho 2 công ty có chức năng tái chế thành phân compost là Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa thì số còn lại được chuyển bằng biện pháp chôn lấp tại khu xử lý rác thải Đa Phước. Với kết quả này so với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà thành phố đề ra giai đoạn 2011 - 2015, phải giảm thiểu 40% lượng rác thải chôn lấp là không đạt yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, sẽ rất khó để thành phố đạt được mục tiêu này nếu như chương trình phân loại rác thải tại nguồn không được tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc vốn đã và đang tồn tại rất lâu.
Người dân nhận quà sau mỗi tháng thực hiện phân loại rác tại nguồn
Đại diện tổ chức Enda cho biết, khảo sát hiện trạng hạ tầng thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn thành phố cho thấy, có đến 60% lực lượng thu gom rác là dân lập. Họ gần như không tiếp cận với bất kỳ quy định có tính pháp lý nào liên quan đến nghề nghiệp của họ. Bản thân đội ngũ này cũng chỉ là lực lượng làm thuê cho một chủ đường dây rác mà bản thân họ không thể xác định được là ai. Do đó, rất dễ hiểu khi trang thiết bị thu gom của họ ở mức rất thô sơ, lạc hậu. Phần lớn chỉ là những xe ba bánh độ chế lại, rất mất vệ sinh và mỹ quan trong quá trình thu gom. 40% lực lượng thu gom rác còn lại là của các công ty dịch vụ công ích các quận huyện và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị quản lý. Tuy nhiên, hiện do năng lực của mỗi công ty cũng không đồng nhất, lại thiếu chỉ huy chung nên mạnh ai nấy làm. Kết quả, với những công ty công ích quận huyện có năng lực tài chính hơn thì có trang thiết bị thu gom đúng quy cách chuẩn hơn. Còn những công ty có năng lực tài chính hạn chế hơn thì cơ sở vật chất thu gom cũng bị hạn chế theo. Chị Hoàng Thị Nguyên Thơ, đường Trần Hưng Đạo phường 14 quận 5 cho rằng, tình trạng phản cảm do phương tiện thu gom tạm bợ, không đảm bảo an toàn vệ sinh đường phố đang là nỗi ám ảnh của người dân. Ngay tại trục đường chính như đường Trần Hưng Đạo mà xe thu gom rác lại là xe máy tự chế kéo theo thùng chứa rác phía sau. Rác thu gom chất đầy ngút thùng mà không hề được che đậy, bốc mùi hôi thối dọc cả tuyến đường. Vậy thì sao gọi là thành phố văn minh, sạch đẹp được. Quan trọng hơn, với những bất cập và phân tán trong hoạt động quản lý môi trường như hiện nay, khó để có thể triển khai được chương trình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố.
Cải thiện ô nhiễm phải dựa trên thói quen của người dân
Trong bối cảnh các cơ quan chức năng còn khá ngổn ngang với những giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường, nhất là trong lĩnh vực thu gom và xử lý rác thải, tại quận Tân Phú, mô hình khu phố xanh đã được triển khai và nhận được sự đồng thuận rất lớn từ hàng ngàn hộ dân tại đây. Đại diện UBND phường Thân Thành cho biết, từ năm 2013, quận đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM xây dựng thí điểm tuyến đường phân loại rác thải tại nguồn. Theo đó, gần 300 hộ dân sống dọc tuyến đường được hướng dẫn phân loại rác theo hai loại là rác vô cơ và rác hữu cơ. Đội ngũ thu gom rác cũng được bố trí lại phù hợp với lịch trình thu gom theo từng loại rác phân loại.
Điều đáng nói, để có được sự đồng thuận của người dân, vấn đề quan trọng là phải nắm bắt được thói quen hành xử với rác của người dân. Có thể nói, hiện người dân không vứt bỏ hoàn toàn rác thải ra đường mà họ thường chọn lọc lại những loại rác có thể bán ve chai để bán. Cách làm này cũng được xem như là bước đầu của hình thức phân loại rác thải nhưng rất tự phát và không đúng quy chuẩn. Tuy nhiên, dựa theo cơ sở thực tế này, phường phối hợp với công ty thực hiện hoạt động tích điểm đổi quà cho người dân. Căn cứ theo hiệu quả của lượng rác thải phân loại, người dân sẽ được tích số điểm tương ứng để đổi những phần quà phù hợp. Sau hơn 6 tháng triển khai, hơn 90% hộ gia đình đã tự nguyện tham gia chương trình, thực hiện phân loại rác đúng quy cách và chuyển giao đúng lịch trình quy định. Phát huy kết quả đạt được, UBND quận đã đồng loạt nhân rộng mô hình ra 6 tuyến đường chính và 9 lốc chung cư với hơn 2.000 hộ dân tham gia. Kết quả thật bất ngờ, giữa 2014 gần 2.000 hộ gia đình (ngoại trừ những hộ dân có nhà nhưng không sinh sống) đã đồng loạt hưởng ứng tham gia thực hiện chương trình. Ông Cao Văn Tuấn, Phó phòng Kiểm tra chất lượng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM khẳng định, cho đến nay, không cần phải đi tuyên truyền vận động, hầu hết các hộ gia đình tại những khu phố xanh đã thực hiện phân loại rác tại nguồn như một thói quen trong nếp sống sinh hoạt. Trong thời gian tới, nếu được sự hỗ trợ đồng thuận từ phía thành phố, công ty mong muốn đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình khu phố xanh này trên khắp địa bàn thành phố, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường vốn đang làm suy giảm chất lượng sống của người dân hiện nay.
ÁI VÂN