(SGGP).- Ngày 24-6, Bộ Tư pháp và UBND TPHCM đã sơ kết hoạt động thí điểm chế định Thừa phát lại tại TPHCM. Tính đến nay, UBND TPHCM đã thí điểm thành lập 5 văn phòng Thừa phát lại.
Kết quả sau hơn 1 năm hoạt động thí điểm, các văn phòng Thừa phát lại tại TPHCM đã ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản đến 23 tòa án và 25 cơ quan thi hành án và tống đạt hơn 14.000 văn bản với tổng chi phí thu được bước đầu gần 320 triệu đồng; lập và đăng ký 1.829 vi bằng với tổng chi phí thu được gần 3,7 tỷ đồng; thực hiện 66 vụ xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự với số tiền thu được trên 320 triệu đồng; trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự 11 vụ thu được trên 100 triệu đồng và đang tiếp tục thụ lý 20 vụ...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thí điểm, UBND TPHCM cũng ghi nhận một số khó khăn vướng mắc như: một số văn phòng Thừa phát lại và thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại chưa thật vững về chuyên môn, nghiệp vụ nên lúng túng trong quá trình tác nghiệp; chế định Thừa phát lại còn quá mới nên nhận thức của người dân cũng như các cơ quan nhà nước còn hạn chế; các doanh nghiệp bảo hiểm còn e ngại trong việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các Thừa phát lại; quy định pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thống nhất…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, đánh giá cao hiệu quả hoạt động của văn phòng Thừa phát lại tại TPHCM trong thời gian qua. Thành ủy đồng ý về mặt chủ trương giao cho UBND TP phối hợp với Bộ Tư pháp thành lập thêm một số văn phòng Thừa Phát lại trên địa bàn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, từ kết quả thí điểm của văn phòng Thừa phát lại tại TPHCM, sắp tới sẽ mở rộng thành lập văn phòng thừa phát lại tại TPHCM và một số địa phương khác.
H.THU