Nhân tai chồng thiên tai, dân chịu?

 
Người dân miền Trung chưa kịp thở phào khi cơn bão dữ số 12 đi qua, thì đã phải chống chọi với mưa to và đợt lũ lớn hoành hành trên diện rộng. Oái ăm thay khi vùng hạ du vừa gánh chịu thiên tai lại phải vừa đương đầu với “nhân tai” - những trận lũ bất thình lình do… thủy điện dồn dập xả nước. 

Trong đêm 4-11, hầu hết thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam đều xả lũ. Hậu quả, các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, đặc biệt TP Hội An bị nhấn sâu trong nước từ 0,7 đến 1,5m. Hoàn lưu bão kèm mưa to liên tục sau đó càng khiến lũ dâng cao cô lập nhiều khu vực vào đêm 5-11 và lũ chỉ bắt đầu rút chậm từ sáng 7-11. Tương tự tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ đêm 4-11, mực nước các hồ thủy điện Bình Điền, Tả Trạch, Hương Điền đã vượt mực nước dâng bình thường, buộc các hồ điều tiết xả lũ, khiến vùng hạ lưu bị ngập nặng; cả TP Huế cũng chìm trong lũ gần 1m nước, thiệt hại không kể xiết.

Đành rằng mực nước chảy về hồ quá cao buộc các thủy điện phải xả lũ để đảm bảo an toàn, nhưng cũng cần thấy việc xả lũ của thủy điện Nam Trung bộ ra các tỉnh phía Bắc với tần suất cao nhất, phạm vi rộng nhất đang gây thiệt hại không nhỏ cho người dân vùng hạ du. Quảng Nam là địa phương điển hình nhất đối diện với những cuộc xả lũ bất ngờ từ thủy điện. 
Tỉnh này hiện có 47 nhà máy thủy điện đã và đang xây dựng. Trong số này có 10 thủy điện quy mô lớn, như Sông Tranh 2 có hồ chứa gần 740 triệu m3 nước, hồ chứa A Vương 343 triệu m3, ĐăMil 4 có hồ chứa 310 triệu m3, Sông Bung 4 ở cao nhất có hồ chứa 490 triệu m3…

Thủy điện lớn nhất nước là thủy điện Hòa Bình, vào trưa 11-10-2017, lần đầu tiên mở tất cả 8 cửa xả đáy khi nước về hồ lên đến 12.000m3/s. Việc xả lũ lại diễn ra ban đêm, cấp tập khiến vùng hạ du nhiều tỉnh đồng bằng Bắc bộ và cả thủ đô Hà Nội bị ảnh hưởng. Các thủy điện vừa và nhỏ khác như Hố Hô (Hà Tĩnh), Châu Thắng (Quỳ Châu, Nghệ An), Ayun Hạ (Gia Lai), Sông Ba Hạ (Phú Yên), Vĩnh Sơn 1, 2, 3 (Bình Định)… đều xả lũ tạo nên các cơn lũ chồng lũ gây thiệt hại lớn cho người dân.

Sau từng vụ xả lũ bất ngờ gây thiệt hại cho người dân, đã có nhiều cuộc họp mổ xẻ quy trách nhiệm. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một chủ đầu tư thủy điện nào nhận trách nhiệm về hậu quả gây ra trong việc xả lũ. Bộ Công thương, cơ quan có trách nhiệm cao nhất trong quá trình quy hoạch, quản lý việc vận hành các thủy điện, cho đến nay trong quá trình giám sát cũng chưa phạt hoặc quy tội chủ đầu tư nào liên quan đến việc xả lũ.
Còn các địa phương có thủy điện cũng chưa phản ứng đủ mạnh, nên câu chuyện về vận hành xả lũ sao cho an toàn vùng hạ du vẫn là việc treo lơ lửng. Vì chẳng ai chịu trách nhiệm nên nhiều năm qua, vấn đề đền bù thiệt hại cho người dân vùng hạ du do thủy điện xả lũ chẳng đi đến đâu, dù đã được đề cập đến. Còn nhớ tại kỳ họp Quốc hội ngày 12-12-2013, xung quanh vấn đề thủy điện xả lũ gây thiệt hại lớn cho người dân vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Sỹ đã nhấn mạnh: Thủy điện xả lũ gây ra hậu quả thì phải bồi thường cho người dân. Hầu như lúc ấy các đại biểu đều quyết liệt, buộc các thủy điện xả lũ phải đền bù thiệt hại cho dân. Thế những ngần ấy năm trôi qua, câu chuyện đền bù do hậu quả xả lũ ở Quảng Nam chỉ là kỳ vọng!

Cũng cần nói thêm, cho đến nay chưa có điều luật nào liên quan việc đền bù thiệt hại cho người dân do quá trình đầu tư, xây dựng và hoạt động của thủy điện. Và câu chuyện bất cập này sẽ tiếp tục kéo dài nếu bộ ngành chức năng, các đại biểu Quốc hội chưa trình thành luật liên quan đến quản lý nguồn năng lượng, trong đó có thủy điện.

Tin cùng chuyên mục