Nhanh và chậm

Với yêu cầu tác phải nhanh, gọn; đòi hỏi đặt ra là khi tiếng chuông báo cháy vang lên thì 1 phút sau, tất cả đã phải sẵn sàng có mặt trên những chiếc xe chữa cháy để đến ngay hiện trường. 

Nhanh

Trang phục của những người lính cứu hỏa nặng nề, nóng bức do làm bằng chất liệu polyeste/cotton. Các vật dụng như ủng cao cổ, nón, găng tay, khẩu trang nhìn thoáng qua cứ như người… ngoài hành tinh.

Thế nhưng, dù làm gì trong ca trực, họ đều phải khoác lên mình bộ trang phục đó. Nhiệm vụ luôn đòi hỏi những người lính cứu hỏa phải trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ lên đường đến hiện trường vì sự bình yên của nhân dân.

Công tác tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy từ người dân luôn yêu cầu phải nhanh chóng, chính xác. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, Cảnh sát PCCC TPHCM đã số hóa hệ thống tổng đài và kết nối 3 đầu số 113, 114, 115 để phục vụ công tác đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Hệ thống điện thoại cứu hộ khẩn cấp này hoạt động 24/24 giờ. Cuộc gọi đến bằng cả điện thoại bàn hay điện thoại di động đều không cần bấm mã vùng, không tốn phí.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về sự cố tai nạn có yêu cầu ứng cứu, ngay lập tức hệ thống bản đồ tại Trung tâm chỉ huy Cảnh sát PCCC sẽ được kích hoạt để xác định vị trí cụ thể của người gọi điện. Đồng thời, tự động chuyển cuộc gọi đến cho đơn vị địa phương gần nhất.

Chỉ chưa đầy 1 phút sau, đội xe chữa cháy cùng các chiến sĩ với phương tiện được trang bị đầy đủ sẽ rời trung tâm, nhanh chóng đến hiện trường, nơi xảy ra hỏa hoạn, tai nạn, sự cố để thực hiện nhiệm vụ.

Nhanh và chậm ảnh 1 Cảnh sát PCCC triển khai phương án chữa cháy tại một doanh nghiệp ở TPHCM
Công tác ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng chiến đấu với giặc lửa của những người lính cứu hỏa đã tôi rèn cho họ những phản xạ có điều kiện. Dù ngày hay đêm, mưa hay nắng, dẫu lúc đang ngủ ngon hay đang dùng bữa cơm trưa hoặc làm bất kỳ công việc gì, mỗi khi nghe tiếng chuông báo thì tất cả bật dậy lao ngay lên những chiếc xe màu đỏ để kịp đến nơi xảy ra cháy.

Khi đến hiện trường, những người lính cứu hỏa triển khai ngay các kỹ thuật - chiến thuật, đội hình bằng những động tác dứt khoát, chính xác. Nhanh chóng di chuyển, vội vàng lao vào biển lửa để di chuyển người và tài sản ra ngoài; điều khiển vòi lăng phun nước ngăn chặn cháy lan, cháy lớn.

Trong khói lửa, khung cảnh hỗn loạn và những tiếng kêu thét của các nạn nhân, dẫu mồ hôi đầm đìa như tắm, mặt đỏ bừng bừng vì hơi lửa, mắt đục ngầu vì khói bụi, giọng khản đặc vì phải la hét tìm kiếm nạn nhân, nhưng những người lính cứu hỏa vẫn hết mình, xả thân vì nhiệm vụ.

Bởi khi được đứng vào hàng ngũ của lực lượng Công an Nhân dân, họ đã nguyện lấy sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình.

Mọi công việc đối với lực lượng Cảnh sát PCCC - Cứu hộ cứu nạn (CNCH) đều khẩn trương. Đối với lực lượng Cảnh sát PCCC, thời gian là yếu tố quyết định hiệu quả của hoạt động chữa cháy và CNCH. Nhiều khi đang chiến đấu với giặc lửa, bao quanh người lính cứu hỏa là những bức tường, cấu kiện xây dựng, các chất cháy nổ bất cứ lúc nào, tai nạn thứ cấp có thể xảy ra đe dọa đến tính mạng của họ.

Dẫu biết, băng mình vào nơi có lửa thì phải đối mặt với những hiểm nguy, thậm chí là hy sinh cả tính mạng, nhưng họ vẫn chiến đấu hết mình và tin tưởng vào những kỹ thuật mà mình đã được đào tạo, hàng ngày “khổ luyện” nơi chốn thao trường để hết lòng vì nhiệm vụ.

Chậm

Cháy nổ và các sự cố liên quan đến công tác CNCH có thể diễn ra bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ nguyên nhân nào. Do vậy, công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu được lực lượng Cảnh sát PCCC đặt lên hàng đầu.

Công tác PCCC là nhiệm vụ của toàn xã hội, đóng một vai trò hết sức quan trọng góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân. Thực tế cho thấy, chỉ cần một chút bất cẩn thì hậu quả để lại là vô cùng to lớn.

Đã có rất nhiều vụ cháy để lại hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, qua đó đòi hỏi việc nâng cao ý thức PCCC là không thể xem nhẹ. Chính vì xác định được điều đó, Cảnh sát PCCC TPHCM đã thường xuyên tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ CNCH cho các lực lượng PCCC cơ sở.

Bên cạnh đó, còn chú trọng đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức về công tác CNCH; xây dựng phong trào quần chúng tham gia CNCH.

Thế nhưng, qua thực tế cho thấy, khi hỏa hoạn xảy ra, dù đã được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chữa cháy, CNCH, lực lượng ở cơ sở và nhiều người dân vẫn mất bình tĩnh, hoảng loạn nên không thể sử dụng hiệu quả các phương tiện tại chỗ đã được trang bị, dẫn đến đám cháy phát triển lớn.

Nhiều người dân còn chủ quan với việc PCCC. Có người chưa biết số điện thoại báo cháy khẩn cấp là 114. Có người do tâm lý sợ trách nhiệm, bị phạt tiền nên không báo cháy khi mới phát hiện. Đến khi đám cháy bùng phát lớn mới gọi cho lực lượng cảnh sát PCCC.

Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn nghĩ công tác PCCC là nhiệm vụ của những người lính PCCC, nên khi hỏa hoạn xảy ra, do hiếu kỳ, họ tập trung thành nhóm và chỉ đứng nhìn, chờ lực lượng cứu hỏa đến.

Họ chưa ý thức được rằng, công tác chữa cháy ban đầu rất quan trọng vì có thể giúp khống chế đám cháy, dập lửa và giảm thiểu thiệt hại một cách hiệu quả nhất.

Bởi vậy, dẫu những người lính cứu hỏa có xuất kích nhanh bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng vì còn nhiều nguyên nhân khách quan đã dẫn đến hiệu quả mang lại trong công tác chữa cháy không được như mong đợi…

Những năm qua, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn đã làm mọi cách để cải thiện tình trạng cung cấp nguồn nước phục vụ công tác PCCC cho toàn thành phố, điển hình là đề xuất UBND TPHCM phương án chuyển đổi công trình thủy đài thành bể chứa nước dự trữ ngầm, trạm bơm tăng áp cấp nước trung gian.

Thế nhưng, khi dự án chưa hoàn thành thì những bất cập về nguồn nước vẫn còn ảnh hưởng rất lớn đến công tác chữa cháy - CNCH.

Thực tế đã chứng minh, trong một số vụ cháy do thiếu nguồn nước chữa cháy, hay do công tác bảo dưỡng, duy tu chưa được thực hiện thường xuyên; hoặc do quá trình thi công đào đường, lát vỉa hè thiếu cẩn thận trên một số tuyến đường, gây sự cố hỏng hóc trụ nước chữa cháy, đã khiến những đám cháy nhỏ bùng phát thành những đám cháy lớn, gây nhiều khó khăn cho công tác dập lửa, gây thiệt hại cho khu dân cư và cơ sở sản xuất. 

Quy định đường giao thông phục vụ xe chữa cháy hoạt động phải có chiều rộng thiết kế không nhỏ hơn 3,5m, chiều cao 4,25m. Hiện nay, ở TPHCM mạng lưới giao thông bên trong các khu dân cư chủ yếu là các hẻm nhỏ hẹp, chằng chịt.

Việc lấn chiếm hẻm để kinh doanh vẫn còn phổ biến, làm cản trở và gây khó khăn cho việc tiếp cận hiện trường của xe chữa cháy, cũng như công tác tổ chức chữa cháy, CNCH. Bên cạnh đó, việc sử dụng vật liệu dễ cháy để cơi nới, che chắn nơi ở vẫn còn tồn tại phổ biến.

Nhiều cơ sở sản xuất xen cài trong khu dân cư, nên khi có cháy xảy ra, lực lượng chữa cháy không thể tiếp cận đám cháy kịp thời do hẻm chật và sâu, mặc dù đã sử dụng còi ưu tiên và đèn báo động.

Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ gây ra, cũng như khi đến hiện trường những người lính cứu hỏa có thể tiếp cận nhanh chóng với đám cháy, nhanh chóng cứu người, cứu tài sản, rất cần sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và toàn dân tham gia công tác PCCC.

Tin cùng chuyên mục