(SGGP).- Bộ Công thương vừa công bố kết quả nghiên cứu của Cơ quan thương trú Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post) về mức tiêu thụ dầu thực vật tại Việt Nam. Theo đó, USDA Post dự báo, tổng nhập khẩu dầu thực vật trong năm marketing 2014-2015 của Việt Nam đạt 820.000 - 830.000 tấn.
Hiện tại, có khoảng 37 doanh nghiệp trong nước sản xuất 4 loại sản phẩm dầu thực vật chính (dầu ăn, dầu salad, dầu dinh dưỡng và dầu rắn) đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của con người và của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Theo các nhà sản xuất trong nước, dầu cọ là sản phẩm dầu thực vật chính chiếm 70% thị phần. Dầu đậu tương chiếm 23% còn các loại dầu thực vật khác chiếm 7%. Năm 2014 Việt Nam sản xuất kỷ lục 738.400 tấn dầu thực vật tinh luyện các loại, tăng 0,6% so với năm trước đó. Sản lượng dầu tinh luyện dự báo sẽ tăng 10% lên 812.000 tấn năm 2015 và 893.000 tấn năm 2016 bởi các nhà máy luyện dầu tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng tăng sản xuất dầu đậu tương thô trong nước. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất dầu trong nước được giảm thuế nhập khẩu từ Malaysia và Indonesia xuống 4% trong giai đoạn tháng 5-2014 đến tháng 5-2015 là 4%, sẽ được giảm xuống 3% trong giai đoạn tháng 5-2015 đến tháng 6-2015.
Theo kế hoạch phát triển ngành dầu thực vật Việt Nam tới 2020, tầm nhìn tới 2030, công suất lọc dầu trong nước cần phải tăng lên 1,59 triệu tấn vào năm 2020 và 1,93 triệu tấn vào năm 2025. Tiêu thụ dầu ăn theo đầu người sẽ tăng hơn 67,5% vào năm 2020. Ước tính tiêu thụ dầu thực vật trung bình mỗi người năm 2014 ở mức 9,55kg, thấp hơn so với mức trung bình 13,5kg của thế giới.
THẢO TIÊN