(SGGP).- Bộ Công thương cho biết, trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 134 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước tính đạt 66,3 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu thị trường hàng hóa xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 14,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là EU, nhập khẩu đến 13,3 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam, tăng 11%.
Trong khi đó, số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong những tháng đầu năm 2016, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Trung Quốc trị giá 14,73 tỷ USD, giảm 3,67% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, hàng hóa trong nước xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 5,8 tỷ USD, tăng tới 16,5%. Như vậy, nếu tính từ năm 2011-2015, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam khá lớn và liên tục tăng. Tuy nhiên, sang năm 2016, tỷ trọng này đã bước đầu giảm, tương ứng khoảng gần 30% so với cùng kỳ của 2 năm trước. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm 2016, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD, nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 48 tỷ USD; vì vậy nhập siêu từ Trung Quốc sẽ ở mức 28 tỷ USD, thấp hơn mức 32,4 tỷ USD của năm trước. Đây được xem là sự chuyển dịch thị trường nhập khẩu theo xu hướng tích cực về nhiều mặt. Trước hết là góp phần hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa phụ thuộc lớn vào một thị trường là Trung Quốc, để tiếp cận với các thị trường khác. Thị trường khác có thể có thiết bị, kỹ thuật, công nghệ cao hơn của Trung Quốc, thậm chí là thiết bị, kỹ thuật, công nghệ nguồn để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; có thể nằm trong hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà việc ưu đãi thuế suất căn cứ vào xuất xứ của nguyên phụ liệu sản xuất, hoặc có thể là nơi mà hàng hóa Việt Nam nhập khẩu có chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hơn.
Mặc dù tỷ trọng nhập khẩu và nhập siêu từ Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng Bộ Công thương cho rằng vẫn còn rất lớn cả về quy mô, tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu. Mặt khác, các số liệu trên đều là xuất, nhập khẩu chính ngạch, trong khi xuất, nhập khẩu tiểu ngạch giữa Việt Nam với Trung Quốc rất lớn và cán cân vẫn nghiêng về nhập siêu từ Trung Quốc. Hơn nữa, đó là tổng số, nếu tính riêng về một số mặt hàng về thiết bị, nguyên phụ liệu, thực phẩm chưa bảo đảm an toàn... thì tỷ trọng còn lớn, không giảm. Đó là sự cảnh báo cần thiết. Hàng nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc vẫn là máy móc, thiết bị; điện thoại; máy vi tính; vải may mặc; sắt thép.
THẢO TIÊN