- 3 lò phản ứng có nguy cơ nóng chảy nhiên liệu
- Nhật Bản yêu cầu IAEA gửi chuyên gia đến giúp đỡ
Cảnh báo trong bán kính 20km
Sáng 14-3, truyền hình Nhật Bản và Cơ quan An toàn hạt nhân Nhật Bản cho biết, đã xảy ra một vụ nổ hydro tại lò phản ứng số 3 nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 (cách Tokyo 250km về hướng Đông Bắc), khiến 6 công nhân làm việc bị thương. Người dân sống cách nhà máy Fukushima phạm vi bán kính 20km không được ra khỏi nhà, không uống nước, ăn mặc kín tránh để da tiếp xúc ra ngoài, đặt khăn ướt trong miệng và mũi để tránh nhiễm xạ. Một số người đã được cấp thuốc iodine để chống lại bệnh tật bức xạ.
Trong khi đó, đến 13 giờ 25 phút cùng ngày, chức năng làm mát tại lò phản ứng số 2 thuộc nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 1 cũng đã bị hỏng. Theo thông tin mới nhất từ Cơ quan An toàn hạt nhân Nhật Bản, cụ thể là thiết bị dùng để bơm nước tuần hoàn vào lò phản ứng số 2 đã bị hỏng khiến cho áp suất bên trong lò tiếp tục tăng cao.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano nhận định ba lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima có nguy cơ nóng chảy nhiên liệu hạt nhân rất cao. Trước đó, các thanh nhiên liệu hạt nhân tại lò phản ứng số hai của nhà máy này đã hoàn toàn lộ ra. Công ty điện lực Tokyo cho biết, mực nước làm mát bên trong lò phản ứng này đã gần như cạn kiệt vào tối 14-3. Chính phủ Nhật cũng đã chính thức yêu cầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) gửi chuyên gia hạt nhân đến giúp đỡ nước này giải quyết các sự cố lò phản ứng hạt nhân. Trước tình hình này, Nga cũng cử các chuyên gia từ Cơ quan năng lượng nguyên tử Nga (RAEA) và Viện Phát triển an toàn công nghiệp năng lượng hạt nhân thuộc Viện Khoa học Nga đến Nhật Bản nhằm giúp tìm hiểu tình hình của các nhà máy điện hạt nhân. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Igor Sechin cũng cho biết, nước này sẵn sàng chuyển khoảng 6.000 MW điện từ vùng Viễn Đông của mình để giúp Nhật Bản giải quyết việc thiếu điện do thảm họa động đất.
Nhật Bản đưa gần 22.000 tỷ yên ra thị trường
Trong nỗ lực nhằm ổn định các thị trường tài chính, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 14-3 quyết định tung gần 22.000 tỷ yên (266 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ. Chính phủ tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ các thị trường tài chính, áp dụng các biện pháp chặt chẽ chống lại bất cứ động thái nào nhằm thao túng các thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Nội các Nhật Bản đã thông qua kế hoạch sử dụng quỹ dự trữ trị giá 30.000 tỷ yên cho công tác cứu trợ sau động đất.
Theo công ty chuyên nghiên cứu các rủi ro thảm họa và tư vấn hoạt động bảo hiểm quốc tế AIR Worldwide, thiệt hại do trận động đất có thể lên từ 14,5 tỷ USD đến 34,6 tỷ USD, là mức thiệt hại cao nhất trong lịch sử thảm họa của Nhật Bản. Mức thiệt hại này chưa tính đến thiệt hại do sóng thần và rò rỉ hạt nhân gây ra.
Nhiều nhà máy của Nhật Bản tạm ngừng sản xuất
Theo NHK, trận động đất khủng khiếp vừa qua đang ảnh hưởng tới toàn bộ ngành xản suất xe hơi của Nhật Bản. Toyota cho ngừng hoạt động toàn bộ 12 nhà máy trên khắp Nhật Bản từ ngày 14-3. Các hãng xe hơi khác như Nissan, Honda và Mitsubishi cũng sẽ cho ngừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần trong số các nhà máy của mình tại Nhật Bản trong hôm nay. Các tập đoàn khác như Sony, Renesas, Fujitsu, Canon, Toshiba… cũng đã ngừng toàn bộ hay một phần các nhà máy do thiệt hại về người và tài sản cũng như do thiếu điện sau trận động đất.
Hạnh Chi - Vũ Minh
Đài NHK đưa tin đến thời điểm này, nhà chức trách Nhật Bản đã phát hiện khoảng 2.000 thi thể tại bờ biển thuộc bán đảo Ojika và Minamisanriku của tỉnh Miyagi. Trong khi đó, THX cho biết hiện số người mất tích trong trận động đất đã lên đến 30.000 người.
Từ ngày 14-3, toàn nước Nhật thực hiện kế hoạch cúp điện theo lời kêu gọi của chính phủ. Có chứng kiến thời khắc lịch sử này mới thấy ý thức của người Nhật rất cao. Trong nhà, những nơi không sử dụng hoặc không cần thiết thì không mở đèn. Đến bữa ăn, gia đình nào cũng chỉ mở một cái đèn nhỏ đủ để thấy thức ăn trên bàn ăn thôi. Trong ngày, truyền hình liên tục phát sóng lời kêu gọi tiết kiệm điện của Thủ tướng. Ngoài ra, truyền hình cũng phát các chương trình hướng dẫn cách sử dụng tủ lạnh, bếp điện và các thiết bị khác sao cho không hao phí điện nhiều. Đến chiều 14-3, chính phủ đã thông báo kế hoạch cúp điện cho ngày hôm sau. Do cúp điện, nên ngày 14-3 nhiều người cũng không thể tới sở làm được vì một số tuyến xe của hệ thống xe điện ở Tokyo ngưng hoạt động. Trong khi đó người Nhật đua nhau mua hàng dự trữ. Ở các siêu thị, đồ ăn đắt như tôm tươi, từ gạo, mì gói, bánh mì, trứng, thức ăn nhanh và thậm chí đến cả khăn giấy, giấy vệ sinh. Cửa hàng vừa mở cửa là bán sạch trong tích tắc. Người Nhật rất ít ăn trứng, nhưng ở các siêu thị trong quận Asahi ở Yokohama, đến một quả trứng cũng không còn nếu không vào siêu thị ngay khi vừa mở cửa. Nhiều nhà hàng ở Tokyo phải đóng cửa. Xăng cũng không có. Trong khi đó, ở Iwate, những người tị nạn được phỏng vấn cho biết họ không có đủ thức ăn, chăn mền, mọi người đang trong tình trạng đói và lạnh. H.Diệu (tường thuật từ Yokohama)
* Lãnh đạo TPHCM chia buồn tại Lãnh sự quán Nhật Bản (SGGP).- Ngày 14-3-2011, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước sự kiện động đất, sóng thần xảy ra ở Nhật Bản ngày 11-3-2011, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: “Việt Nam cảm thông sâu sắc và chia sẻ những đau thương, mất mát mà đất nước và nhân dân Nhật Bản đang phải trải qua do động đất và sóng thần gây ra. Chúng tôi tin tưởng rằng với ý chí và quyết tâm của mình, Nhật Bản sẽ vượt qua khó khăn, sớm khắc phục hậu quả thảm họa, tiếp tục phát triển. Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ Nhật Bản trong khả năng của mình. Chính phủ Việt Nam đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 200.000 USD và sẽ cử đội y tế sang giúp nếu Chính phủ Nhật Bản yêu cầu. Chúng tôi đang trao đổi với phía Nhật Bản để đáp ứng đúng nhu cầu của phía Nhật Bản”. Ngày 14-3, ông Trần Ngọc Tăng, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã gửi điện thăm hỏi và chia buồn sâu sắc đến Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, trước những thiệt hại to lớn về người, tài sản do thảm họa động đất và sóng thần gây ra cho đất nước Nhật Bản. Đồng thời, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng quyết định hỗ trợ ban đầu 50.000 USD cho các nạn nhân bị thiên tai tại Nhật Bản thông qua Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản. Nhân dịp này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản và hệ thống chữ thập đỏ tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam triển khai hệ thống tìm kiếm tin tức người thân người Việt Nam đang ở Nhật Bản. Theo đó, Phòng tìm kiếm tin tức thân nhân thuộc Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tiếp nhận tin nhắn của công dân Việt Nam tại Nhật Bản nhắn về cho người thân, đồng thời cũng tiếp nhận tin nhắn và đề nghị của gia đình ở Việt Nam tìm kiếm người thân tại Nhật Bản thông qua Hội Chữ thập đỏ các tỉnh thành. * Chiều 14-3, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận đã tới Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM chia buồn về hậu quả của trận động đất và sóng thần vừa qua. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, thông qua Lãnh sự quán Nhật Bản, đồng chí Hứa Ngọc Thuận chuyển tới nhân dân Nhật Bản lời thăm hỏi và chia sẻ những tổn thất nặng nề do thảm họa thiên tai gây ra. Phó Chủ tịch Hứa Ngọc Thuận bày tỏ tin tưởng rằng, với kinh nghiệm của chính phủ cùng với tinh thần vượt khó và tính kỷ luật cao của người dân, Nhật Bản sẽ sớm vượt qua những tổn thất này. Tổng lãnh sự Nhật Bản Harumitsu Hida cảm ơn tình cảm và thiện chí của chính quyền và nhân dân TP đồng thời cho biết sẽ chuyển lời thăm hỏi và chia sẻ tới chính phủ và nhân dân Nhật Bản. Kh.Nguyễn - Th.Vũ |