
Ngày 26-7, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL đã giới thiệu ra mắt bộ sách “Từ chiến trường khu 5” - Nhật ký và ghi chép văn học của nhà văn Phan Tứ, tạo dựng một thể loại văn liệu mới mẻ đầy sức sống cho nền văn học Việt Nam...
Di bút vương khói súng
Nhà văn Phan Tứ tên thật Lê Khâm, là một trong những cánh chim đầu đàn của văn học Việt Nam về đề tài chiến tranh giải phóng đất nước. Tên tuổi của ông sừng sừng giữa làng văn với hàng loạt tác phẩm giàu lý tưởng mang đâïm vẻ đẹp lãng mạn cách mạng như “Gia đình má Bảy”, “Mẫn và tôi”, “Trước giờ nổ súng”, “Bên kia biên giới”... Dù vậy, ít ai biết nhà văn ưu tú xứ Quảng này còn để lại một khối di bút đồ sộ với hàng trăm sổ tay, vở viết ngót 7.000 trang và đó chính là chất liệu chính hình thành lên bộ sách đặc biệt “Từ chiến trường khu 5” của ông.

Đại tá, nhà thơ Lê Anh Dũng, một trong những người đau đáu với việc xuất bản và ra đời của cuốn nhật ký đặc biệt này cho biết, những trang, ghi chép của nhà văn Phan Tứ được viết từ tháng 7-1961 khi rời Hà Nội vào chiến khu 5 và kết thúc cuối năm 1975, sau ngày chiến thắng. “Giữa bom đạn, thiếu thốn, giữa ranh giới của sự sống và cái chết, nhà văn Phan Tứ vẫn kiên định ghi chép hết sức đầy đủ, tỉ mỉ, chân thực và sinh động cuộc sống, chiến đấu từ những diễn biến sự việc, con người, cảnh vật cũng như cảm xúc suy nghĩ của mình ở chiến trường. Và đặc biệt khi viết về phụ nữ nhà văn luôn dành cho họ những trang viết ấm áp nhất”.
Ông cũng tiết lộ lý do của việc vì sao khối di bút khổng lồ của nhà văn Phan Tứ đã yên lặng suốt một thời gian dài giờ mới được đưa ra ngoài ánh sáng chính vì ngoài mỗi cuốn sổ, tập viết nhà văn Phan Tứ đều ghi: “Mật - ghi chép riêng của Phan Bốn (hay Tứ) không ai được xem”.
Chính vì sự yêu quý và tôn kính với chồng, trong suốt nhiều năm qua bà Đinh Thị Phương Thảo, vợ của nhà văn tài hoa vẫn âm thầm cất giữ như một báu vật vô giá. Mãi gần đây, người chị ruột là bà Lê Thị Kinh đã thuyết phục gia đình và bạn bè, đồng nghiệp “giải mã” khối di bút này. Ban biên soạn và các nhà dịch thuật đã bắt tay vào làm với tất cả tình cảm trân trọng tác giả.
Đậm chất sử thi
Việc khôi phục và dịch các bản thảo của ông rất khó khăn, vì chữ viết tay trên nền giấy xấu, phải được phóng to lên mới đọc được chữ. Hơn nữa, khoảng 4.000 trang của 43 cuốn sổ được viết bằng cả thứ tiếng Lào, Pháp, Nga, Việt và các ký hiệu khác nhau, nhằm bảo vệ bí mật chiến trường khi đó. Vì thế, phải mất 5 năm làm việc cật lực nhóm biên dịch và biên soạn mới hoàn thành hình hài cho cuốn nhật ký, ghi chép đồ sộ này.
Theo ông Nguyễn Văn Cừ, Giám đốc NXB Văn học, bộ sách gồm 3 cuốn với 2.500 trang không chỉ mang tính lịch sử, văn hóa, văn học, đúc kết chiến tranh mà còn mang đậm chất sử thi, đem đến cho bạn đọc những hình dung rõ nét nhất về cuộc sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân từ Quảng Nam, căn cứ khu 5 và suốt con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong một giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Bộ sách “Từ chiến trường khu 5” thể hiện sức làm việc và nghị lực phi thường của nhà văn Phan Tứ, để có những trang tư liệu hết sức giá trị về cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc. Bộ sách mở đầu từ lúc Phan Tứ rời khu 5 để về đồng bằng mở ra vùng giải phóng đầu tiên Tứ Mỹ (Nam Tam Kỳ) và kết thúc lúc ông chấm dứt hành trình 2,5 tháng đi bộ gian khổ trên đường Hồ Chí Minh tại Lệ Thủy (Quảng Bình), về đến Hà Nội sau 5 ngày đêm đi xe tải dưới bom đạn.
Viết trong điều kiện vô cùng gian khổ và thiếu thốn của những ngày dài đói cơm, nhạt muối, trong sự hành hạ của những cơn sốt rét rừng. Viết dưới làm mưa bom bão đạn và những cuộc càn quét của địch. Song với thủ pháp đặc trưng của nhật ký là giàu cảm xúc, ngắn gọn, đầy ắp thông tin, bộ sách sẽ là nguồn sử liệu giàu chất văn chương bạn đọc sẽ cùng tìm hiểu, chiêm nghiệm để thêm tự hào về những thế hệ cha anh đã một thời không tiếc máu xương viết lên những trang sử hào hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm bảo vệ bờ cõi, ông Nguyễn Văn Cừ khẳng định.
Hoàn thành nhân dịp đặc biệt 27-7, cuốn sách cũng là lời tri ân của những người làm công tác xuất bản nói riêng và thế hệ người Việt Nam dành cho nhà văn - chiến sĩ - Phan Tứ.
MAI AN