Nhạt mùi tết nhất

Sẽ có người nhiễu sự hỏi “mùi tết nhất” là mùi gì? Không thể có câu trả lời ngắn gọn cho nó. Thành ngữ “Hương vị tết” nhằm chỉ đến một khái niệm lớn hơn những mùi cụ thể của ngày tết. Nó thầm nhắc ta về ấm no, hạnh phúc, đoàn tụ nhiều hơn.
Nhạt mùi tết nhất

Sẽ có người nhiễu sự hỏi “mùi tết nhất” là mùi gì? Không thể có câu trả lời ngắn gọn cho nó. Thành ngữ “Hương vị tết” nhằm chỉ đến một khái niệm lớn hơn những mùi cụ thể của ngày tết. Nó thầm nhắc ta về ấm no, hạnh phúc, đoàn tụ nhiều hơn.

Theo đà phát triển của xã hội, mùi tết cũng thay đổi hoàn toàn do con người tác động vào nó. Những năm chiến tranh bao cấp gian khổ ở Hà Nội có mùi tết rất đặc trưng. Bắt đầu là mùi bánh quy gai xốp vào khoảng giữa tháng Chạp âm lịch. Nhà nhà mang bột mì, trứng, bơ, đường đến các lò bánh quy gai thuê làm. Cả một dãy dài Phố Huế, Hàng Bài ngào ngạt hương thơm bánh quy mới ra lò. Đây là thứ bánh được làm thủ công mộc mạc không có lớp đường kính rắc trên mặt bánh như trong hộp bánh nhà nước sản xuất. Trông không bắt mắt lắm nhưng độ thơm ngon thật là tuyệt diệu. Vài ông làm bánh quy gai xốp nổi tiếng ngày ấy đã trở thành đại gia chỉ sau vài mùa sản xuất. Bởi không chỉ tết, cưới hỏi ngày ấy món ăn chủ lực là bánh quy gai.

Minh họa: D.Khanh

Giáp tết là mùi hoa ở phía làng Ngọc Hà phả vào phố phường trong cái rét đậm lễnh loãng sương mù. Những gánh hàng hoa kĩu kịt trên đường tỏa hương sắc rực rỡ mạnh nhất vào lúc loe hoe nắng hanh. Bóng người, bóng hoa in trên những bức tường vôi mới như một vũ điệu chậm rãi mà uyển chuyển bền bỉ. Những loài hoa ngày ấy tỏa hương dịu dàng kín đáo như thiếu nữ xuân thì. Những cúc, những hồng, thược dược, violet, hải đường… lan man thơm cùng với những vườn địa lan nằm kín đáo đâu đó trong các biệt thự, tạo thành một không gian mơ màng dịu mát gió xuân.

Tiếp đến là mùi bánh chưng các gia đình bắc bếp ra vỉa hè nấu suốt đêm từ quãng 25 Tết. Chẳng có mùi gì ấm áp no đủ cho bằng mùi bánh chưng mới vớt vào lúc sáng sớm. Ngầy ngậy mùi đậu xanh, mỡ lợn. Sực nức mùi nếp cái quyện lấy mùi lá dong lót đáy nồi chống bén lửa. Cùng với nó là mùi củi cháy, mùi mùn cưa ẩm thoang thoảng la đà khắp phố. Dân phố không luộc bánh chưng cùng ngày nên mùi bánh thơm ngậy như thế suốt cho đến tận giao thừa.

Những năm chưa cấm pháo, trẻ con đì đẹt pháo tép từ lúc các gia đình luộc bánh. Mùi thuốc pháo thơm sực trên đầu tóc, áo quần có phần lam lũ. Chẳng hề gì. Niềm vui tết át đi tất cả.

Mâm cơm cúng giao thừa thịnh soạn nhất trong năm bắt đầu tỏa hương vào trưa ngày 30 Tết. Mùi nem rán, mùi măng hầm, mùi mộc nhĩ nấm hương. Mùi lá chanh rắc trên đĩa thịt gà luộc ngào ngạt phố phường. Mùi dưa hành mới bóc oai oải chua, mùi bát thịt đông rắc hạt tiêu lấm chấm thơm mát, mùi cá kho riềng thơm dịu, mùi chả quế, mùi giò lụa, tách bạch món nào ra món ấy làm nên tổng hòa mùi món ăn tết không thể lẫn với ngày thường dù là đại tiệc.

Trẻ con, người lớn xúng xính trong những bộ quần áo lịch sự nhất mình có. Nước hoa chủ yếu được mang ra dùng vào những ngày này. Nước hoa Liên Xô mậu dịch bán phải mang vỏ lọ penicillin ra bách hóa tổng hợp mua được đậy nút cao su thật chặt bọc trong túi ni lông cất vào tầng hai chiếc tủ ly đặt giữa nhà. Lũ con gái mới lớn cả năm thèm thuồng nhìn ngắm. Sang trọng hơn có nước hoa hồng của các anh chị đi học ở Bulgaria mang về. Thứ tinh dầu hoa hồng này vô cùng quý giá chỉ dùng chiếc tăm chấm vào khăn mùi xoa là đủ thơm sực nức cả nhà.

Thật ngạc nhiên là tết nhất ngày càng kém đi những mùi thơm quyến rũ cho dù kinh tế đã nhiều phần khá giả lên. Không kể việc cấm đốt pháo thì người Hà Nội bây giờ cũng rất ít ai tự luộc bánh chưng ở nhà. Nấu bằng bếp củi lại càng không. Hai thứ mùi đặc trưng nhất của tết đã vắng hơi từ hàng chục năm rồi... Cỗ bàn nấu nướng trong những căn nhà đóng kín cửa kính lắp máy khử mùi. Kinh ngạc nhất là hoa. Đi dọc những con đường họp chợ hoa tết đã không còn thấy bất cứ một mùi hương nào. Các giống hoa bây giờ nghiêng về phía sặc sỡ và kích thước dị thường mà bỏ lại mùi hương ở quá khứ. Chỉ còn lại mùi hương duy nhất là những mớ mùi già của những người bán rong trên phố. Rất khó hình dung ra kỹ thuật tắm nước nấu cây mùi già trong những buồng tắm hiện đại không dùng đến gáo dừa.

Rất may ở vài gia đình Hà Nội còn có những bà tầm ngoài sáu mươi tuổi chiều lòng các cụ ông lẩn thẩn tết đến muối một vại dưa hành. Vại muối dưa bằng nhựa của Thái Lan sản xuất có vít nén vặn chặt rất hiện đại. Thế nhưng mở nắp lấy dưa hành ra bóc thì vẫn oải mùi dưa muối mà thôi.

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục